Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ cho biết như vậy trong báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2.
Tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 11-2011), các đại biểu QH đã chất vấn Bộ trưởng Vương Đình Huệ về vấn đề quản lý nợ công và lộ trình giảm bội chi NSNN. Tại thời điểm 31-12-2011, số dư nợ công bằng 54,9% GDP; dư nợ Chính phủ bằng 43,2% GDP.
“Ước tính đến cuối năm 2012, số dư nợ công bằng 55,4%GDP; dư nợ Chính phủ bằng 43,1% GDP”, ông Huệ cho biết.
Như vậy, số dư nợ công/GDP giảm 0,05 điểm phần trăm.
Trong cơ cấu nợ công, các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm khoảng 78% (chủ yếu là phát hành trái phiếu Chính phủ và vay ODA). Các khoản vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu vay theo lãi suất rất ưu đãi (vay ODA).
Tuy nhiên, ông Huệ cho biết, bắt đầu từ tháng 7-2011, Việt Nam đã phải sử dụng một số khoản vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) theo điều kiện áp dụng cho nhóm nước trung bình thấp với thời hạn vay, ân hạn ngắn hơn nhiều so với thời hạn vay trước đây và chịu mức lãi suất cao hơn.
“Nợ công và nợ Chính phủ vẫn trong giới hạn an toàn”, Bộ trưởng Huệ khẳng định. Theo quy định tại Chiến lược nợ công giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trần khống chế trong giai đoạn 2011-2020: dư nợ công không quá 65% GDP, dư nợ Chính phủ không quá 55%GDP.
Với mức bội chi năm 2013 là 4,8% GDP, ước đến 31-12-2013, dư nợ công bằng khoảng 56%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 43,5%GDP và dư nợ quốc gia khoảng 45,2%GDP.
Để quản lý nợ công đảm bảo an toàn và bền vững, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp.
Cụ thể, Bộ đã rà soát, sắp xếp lại các dự án đầu tư; cơ cấu lại chi NSNN và thực hiện tái cấu trúc đầu tư công gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư nguồn vốn NSNN, nhất là các dự án đầu tư từ nguồn vốn vay của Chính phủ… Đồng thời, thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để phát sinh nợ quá hạn; huy động nguồn vốn vay phù hợp với tiến độ giải ngân.
Bộ Tài chính cũng theo dõi chặt chẽ khả năng trả nợ của từng dự án đầu tư, từng doanh nghiệp và thanh tra các dự án vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh gặp có dấu hiệu khó khăn để kiến nghị các giải pháp xử lý phù hợp.
“Nửa đầu năm nay, Bộ đã thanh tra 17 dự án xi măng vay vốn được Chính phủ bảo lãnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nêu các đề xuất và kiến nghị riêng đối với lĩnh vực đầu tư xi măng, đặc biệt là trách nhiệm của Bộ chủ quản, các chủ đầu tư”, Bộ trưởng dẫn chứng.
Liên quan đến bảo lãnh chính phủ, ông Huệ cho biết, trước mắt chưa xem xét bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế. Biện pháp này dự kiến được áp dụng trong giai đoạn 2012-2014.
Các doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại nếu có nhu cầu thì chủ động phát hành trái phiếu quốc tế không có bảo lãnh chính phủ.
Bộ Tài chính cũng đang hoàn thành dự thảo Quy chế về thu thập thông tin và đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia để trình Thủ tướng vào Quý IV năm nay.