Đừng để “nước đến chân mới nhảy”
Năm 2006, đất nước bước vào giai đoạn “dân số vàng”, khi 40% trong tổng dân số là người trẻ ở đội tuổi 16-30. Và 32 năm sau (2032) ít nhất 20-25% số người trong nhóm “vàng” này bước vào độ tuổi 60.
Điều đó có nghĩa, cứ mỗi bàn ăn 4 người có 1 người già và hơn 1 người nữa sắp già. Ở các nước sự già hóa diễn ra từ từ, nhưng ở ta sẽ là sự “đổ ập đến” cùng một lúc, trong thời gian rất ngắn. Một hình ảnh sẽ diễn ra là ra đường gặp rất ít trẻ con và đâu cũng có người già.
Ai đó nói, ôi dào còn lâu mà, lo gì. Thưa không, nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ khi làn sóng “tóc trắng ập xuống” mỗi gia đình và toàn xã hội sẽ diễn ra sự khủng hoảng tâm lý và rối loạn đời sống.
Hôm nay đến Nhật Bản, chúng ta thấy để có được hệ thống chuyển động nhịp nhàng phục vụ cho xã hội già cỗi, từ giao thông, nhà ở, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, đến đồ ăn thức uống họ đã chuẩn bị trước đó 20 năm.
Đây là lúc toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc, chuẩn bị mọi điều kiện để bước vào xã hội già một cách nhẹ nhàng, không bị sốc. |
Điều đó vô cùng tốn kém tiền bạc, công sức và tác động rất lớn đến toàn bộ đời sống xã hội từ vi mô đến vĩ mô, do vậy cần phải xây dựng những chiến lược đón đầu từ trước 15-20 năm.
Ở nước ta có rất nhiều lĩnh vực do không làm công tác chuẩn bị tốt nên lúng túng, bị động dẫn đến chậm ban hành chính sách và thực thi, làm đối tượng thụ hưởng bị thiệt thòi.
Chẳng hạn, người tật nguyền ở Việt Nam chiếm tỷ lệ 7% dân số, nhưng mãi đến năm 2002 chúng ta mới ban hành quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo cho người tàn tật tiếp cận sử dụng được dịch vụ trong công trình xây dựng, chẳng hạn như đường có ram dốc cho người đi xe lăn, có phòng vệ sinh dành riêng cho người khuyết tật.
Và phải đến năm 2014 các tiêu chuẩn kỹ thuật dành cho người khuyệt tật mới được bổ xung thêm nhiều điều khoản, như chữ số nổi trong bảng điều khiển thang máy, bệ nâng của xe bus công cộng, bệ vệ sinh thiết kế riêng cho người tàn tật trong chung cư.
Đã đến lúc TPHCM cũng phải tính đến việc thành lập những khu nhà dưỡng lão với nhiều tiện ích và công viên cây xanh.
Phải xắn tay vào cuộc sớm
Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là chuẩn bị “tâm lý già” cho người sắp già và cả người trẻ, cho lãnh đạo (người ra chính sách) và dân chúng. Văn hóa truyền thống Việt Nam là “trẻ cậy cha, già cậy con”, là người già nương tựa con cái, con cái có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, là cấu trúc gia đình “tam, tứ đại đồng đường” để đùm bọc lẫn nhau.
Khi xã hội lão hóa, sẽ có rất nhiều người già chọn vào nhà dưỡng lão, con cái cũng có người muốn đưa các cụ vào đó, nhưng sẽ là khó nếu không có sự đồng thuận xã hội, nhất là với dư luận xã hội.
Làm sao cho người già, con trẻ và hàng xóm thấy chuyển từ nhà đến nhà dưỡng lão là chuyện bình thường, không phải là “bất hiếu”, là “ruồng rẫy cha mẹ” là “từ bỏ con cháu”. Trong gia đình có 1 người già đã vất vả huống chi 1/4 dân số, rồi tới 1/3 dân số hơn 60 tuổi, nếu không trù tính trước vài chục năm sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Trong tương lai chắc chắn TPHCM cần nhiều khu đất rộng rãi làm nhà dưỡng lão. Đó là những khu đất không quá xa trung tâm, đủ rộng để có không gian dành cho nhà ở và các tiện ích, cho công viên cây xanh.
Nếu bây giờ vì lý do gì mà không tính tới, vài chục năm sau khi cần đến đất sạch không còn nữa, phải xây công trình ở nơi quá xa, khi đó các cụ không muốn đi và con cháu cũng ngại mỗi lần tới thăm.
Mỗi người già của năm 2035 muốn sống khỏe, khi 30 tuổi đã phải mua những gói bảo hiểm để sao cho đến khi đó có đủ tiền, chí ít cũng 1 giường trong phòng 2 hay 4 chỗ dành cho người già.
Chính phủ và doanh nghiệp phải tính đến hệ thống hạ tầng và dịch vụ đa dạng, đa cấp cho xã hội người già. Đó là chuyển từ nhanh sang chậm, từ cao sang thấp, từ phức tạp sang đơn giản, từ vuông sang tròn, từ nặng sang nhẹ. Trong cao ốc chung phải có thang máy tốc độ chậm dành cho người già, độ cao bậc tam cấp chỉ chừng 10-12cm cho vừa bước chân.
Trên đường đi có nhiều ghế đá có dựa lưng để nghỉ từng chặng ngắn. Trong siêu thị cho người già hàng hóa trưng bày thấp vừa tầm với, giá tiền viết to hơn. Ở nơi công cộng như nhà ăn, xe bus, ga tàu, sân bay có chỗ ngồi và nhà vệ sinh thiết kế dành cho người cao tuổi.
Ở Nhật Bản, nhiều thành phố còn có làn đường riêng dành cho xe biển số vàng (xe rùa của người già) với tốc độ cà tịch cà tang. Trong nhà, không có đồ đạc có góc vuông mà phải bo tròn, đồ phải nhẹ không gây thương tích khi bị đổ vào người và dễ bề di chuyển. Các loại vật dụng điện, điện tử không chỉ an toàn tuyệt đối còn phải dễ thao tác...
Vậy đấy, để có được xã hội như thế, ngay hôm nay Chính phủ, các ban bộ ngành, tỉnh thành phải xắn tay vào cuộc sớm. Rà soát lại, hình như chuyện này hiện này nằm ngoài tầm ngắm của Chính phủ và toàn hệ thống chính trị.
Cả nước mới chỉ duy nhất có Bệnh viện lão khoa Trung ương ở Hà Nội với 500 giường. Đến lúc tất cả địa phương phải quan tâm đến chuyện này, để khi Việt Nam bước vào xã hội già một cách nhẹ nhàng, không bị sốc, không xảy ra xung đột, làm sao người già không là gánh nặng xã hội và đời sống của họ diễn ra thật suôn sẻ. Nên nhớ tuổi trẻ là tương lai đất nước, còn tuổi già là tương lai của mỗi người.