Chỉ trong hơn 2 tuần, VN Index liên tục có những phiên bốc hơi 20-30 điểm, và lần nào cũng vậy, các diễn đàn, hội nhóm đầu tư lại bùng nổ những lời kêu than, đổ lỗi và trách móc.
Lối mòn cảm xúc
Những ngày qua, trên các diễn đàn bàn luận đầu tư đầy rẫy các chủ đề than vãn, tuyên bố giã biệt chứng khoán, trách móc cơ quan quản lý. Đa phần NĐT đều cố gắng tìm kiếm sự trái ngược về thông tin để đổ lỗi cho nhịp điều chỉnh trên TTCK: Lãi suất tiết kiệm phá đáy tại sao thị trường không tăng? Dòng tiền tiết kiệm đáo hạn khổng lồ được cho là đổ vào tài khoản tại sao thanh khoản lại “teo tóp”? Rồi công ty chứng khoán (CTCK) XYZ lừa đảo cắt margin của khách hàng; hệ thống giao dịch công ty ABC treo đúng lúc cần cắt lỗ; môi giới “lùa gà” hô mua còn tự doanh lại bán.
Thậm chí có những chủ đề “lôi” cả các ông thầy dạy chứng khoán để rủa, xả và gọi bằng “thằng”. Những cuộc “truy sát” các trưởng nhóm Zalo đã lặng lẽ khóa “room” rời đi để lại các thành viên bơ vơ cùng khoản lỗ to tướng.
Những cung bậc bi hài này đã lặp đi lặp lại rất nhiều năm qua theo chu kỳ của thị trường, nhưng lần nào cũng có rất nhiều NĐT “dính” phải. Đại đa số các NĐT thua lỗ đều khẳng định rằng mình thất bại vì sự “bất thường” của TTCK, là nạn nhân của chiêu trò thao túng, thậm chí là “lừa đảo” của các ông chủ doanh nghiệp.
Nỗi đau thua lỗ là có thể hiểu được, vì mặc dù thị trường điều chỉnh không quá mạnh và trong thời gian cũng không dài, nhưng tùy từng cổ phiếu (CP) mà mức độ thiệt hại là rất lớn. Kể từ đỉnh cao nhất của VN Index đầu tháng 9 đến nay thị trường điều chỉnh giảm khoảng 11%, nhưng có rất nhiều CP giảm giá gấp đôi mức này. Thống kê trên sàn HoSE cùng thời gian có gần 100 CP đã sụt giảm tối thiểu 20% giá trị, còn nếu tính mức thua lỗ tương đương với chỉ số thì tới gần 230 CP.
Điều gây thiệt hại đặc biệt lớn là trong suốt 4 tuần điều chỉnh liên tục vẫn xen kẽ những phiên tăng hoặc đi ngang, thậm chí là vài phiên liên tục. Ở mỗi nhịp nghỉ như vậy, NĐT lại hào hứng cho rằng thị trường đã chạm đáy và lao vào mua, thậm chí là tranh nhau.
Một khả năng rất lớn là ở những phiên như vậy, NĐT vẫn sử dụng vốn vay (margin) để bắt đáy, vì tài khoản hầu như đã hết tiền. Sau đó thị trường lại tiếp tục điều chỉnh giảm thêm và khoản lỗ mới chồng lên khoản lỗ cũ.
Những phiên thị trường sụt giảm 30-40 điểm vừa qua đều có áp lực của hoạt động giải chấp từ phía CTCK, thông thường là sau 14 giờ chiều. Phần cầm cố bán không đủ bù lỗ thì bán tiếp các CP khác sẵn có trong tài khoản (giải chấp chéo). Trong một sức ép lớn như vậy, tâm lý NĐT rối loạn và thất vọng, bực tức là đương nhiên.
Những rủi ro và áp lực kiểu này không hề mới, thậm chí rất cũ. Tuy nhiên, một là NĐT rất hay quên, hai là có thêm rất đông các NĐT mới nhảy vào thị trường gần đây và lần đầu được trải nghiệm. Vì thế màn bi hài trong nhịp điều chỉnh của thị trường cứ lặp đi lặp lại khi các lớp NĐT kế tiếp nhau.
Thống kê với số lượng tài khoản mở mới từ tháng 5 đến tháng 9 vừa qua – thời gian sóng tăng mạnh nhất, đã có khoảng 762.000 NĐT cá nhân tham gia. Hầu hết các NĐT đã bám trụ lâu trên thị trường thì ít khi mở thêm nhiều tài khoản mới, nên có thể giả định rằng hàng trăm ngàn tài khoản này chưa từng được trải nghiệm “cay đắng” trên TTCK.
Bất thường với ai?
Những chủ đề than vãn, trách móc, thậm chí là chửi bới chỉ là một phần của cộng đồng NĐT, vẫn có những người bình thản với thị trường hiện tại. Thực tế khi thị trường đạt đỉnh hoặc vừa qua đỉnh, không ít NĐT có kinh nghiệm, thậm chí là các F0 vừa “tốt nghiệp” năm 2022 cũng đã lên tiếng cảnh báo.
Mặt khác, khi các NĐT hăm hở đổ tiền “tất tay” mua CP, thì phải có người bán ra mới tạo được thanh khoản. Trong gần 3 tuần thị trường đạt đỉnh tháng 9, thị trường liên tục xuất hiện các phiên giao dịch 30.000-36.000 tỷ đồng. Trong một thị trường ngắn hạn, giao dịch chỉ đơn giản là CP của người này được đổi ra tiền của người khác. Vì thế khi hàng trăm ngàn NĐT ôm CP mắc kẹt, hẳn vẫn có hàng trăm ngàn NĐT cầm tiền bán được đó đứng ngoài.
Vì vậy, sự “bất thường” của giai đoạn điều chỉnh hiện tại còn phụ thuộc vào góc nhìn nào khác. Rõ ràng NĐT đang cầm tiền mặt không hề thấy thị trường vô lý lúc này, đơn giản vì họ không chịu sức ép thua lỗ mà còn đang có cơ hội rất lớn.
Ở góc độ khách quan, TTCK có tăng thì có giảm. Thị trường chỉ từ tháng 5 đến đầu tháng 9 đã tăng khoảng 20% trên VN Index. Thậm chí nếu tính từ đáy tháng 11-2022 khởi động chu kỳ tăng vừa qua, mức tăng lên tới trên 40%. Mức điều chỉnh mới khoảng 11% tính từ đỉnh vẫn là rất bình thường.
Thí dụ, QCG, mã CP thuộc dạng điều chỉnh lớn nhất hiện tại với mức giảm khoảng 30%, thì nhịp tăng từ tháng 5 tới tháng 9 tới 272%. Hay như VIX, mới giảm khoảng 27% từ đỉnh thì chưa thấm vào đâu với mức tăng 198% chỉ từ tháng 5 tới tháng 9.
Có rất nhiều CP tương tự như vậy và điều sai lầm là NĐT chỉ nhìn mức giảm từ đỉnh, mà không nhìn mức tăng từ đáy và đánh giá tương quan chiều tăng và chiều giảm để rồi nhắm mắt lao vào bắt đáy hoặc không chịu cắt lỗ sớm.
Sự “bất thường” của giai đoạn điều chỉnh hiện tại còn phụ thuộc vào góc nhìn khác. Vì rõ ràng NĐT đang cầm tiền mặt không hề thấy thị trường vô lý lúc này, đơn giản vì họ không chịu sức ép thua lỗ mà còn đang có cơ hội rất lớn. Bởi khi có các NĐT hăm hở đổ tiền “tất tay” mua CP, thì phải có người bán ra mới tạo được thanh khoản.