Tuy nhiên, do cơ chế xử phạt các NH không niêm yết theo đúng hạn định chưa rõ ràng; mức xử phạt các NH đã đăng ký nhưng không nộp hồ sơ niêm yết đúng hạn còn nhẹ… nên chưa đủ sức thúc đẩy quá trình này.
Trên thúc giục, dưới câu giờ
Sau nhiều lần bàn thảo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), năm 2009 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Công văn 7430 hướng dẫn tổ chức tín dụng (TCTD) cổ phần thực hiện giao dịch CP trên sàn UPCoM. Theo đó, việc đăng ký giao dịch CP tại UPCoM do các TCTD cổ phần tự quyết định, trên cơ sở tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành về chứng khoán và TTCK, không cần sự chấp thuận của NHNN.
Điều kiện lên UPCoM đã thông thoáng hơn nhưng vẫn chưa thúc đẩy được nhiều NH niêm yết. Đến năm 2013, UBCKNN và NHNN cùng có văn bản thúc giục các NH niêm yết, đồng thời Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN buộc các NHTM phải niêm yết để giao dịch công khai minh bạch, hạn chế tình trạng sở hữu chéo.
Theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, ngay sau khi kết thúc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), DN phải nộp hồ sơ niêm yết, nếu không đủ điều kiện niêm yết phải đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trường hợp những DN không tuân thủ, cơ quan quản lý sẽ áp dụng chế tài tại Nghị định 145/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính |
Kể từ đó, hầu như năm nào các cơ quan quản lý nhà nước cũng có văn bản đốc thúc vấn đề này. Cụ thể, tháng 7-2014, UBCKNN và NHNN tiếp tục nhắc lại yêu cầu niêm yết đối với các NH, kèm theo lộ trình bắt buộc trong năm 2015 tất cả NHTM phải niêm yết CP trên sàn.
Cuối tháng 1-2015, NHNN ban hành Văn bản 657 về việc niêm yết CP trên TTCK của các NHTMCP theo yêu cầu tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, kèm theo Quyết định 254 ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Thống đốc NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục đôn đốc các NHTMCP đặt trụ sở chính trên địa bàn chưa niêm yết CP trên TTCK hoàn thiện kế hoạch niêm yết; theo dõi, giám sát việc triển khai kế hoạch niêm yết CP của các đơn vị trên địa bàn; kịp thời báo cáo và đề xuất Thống đốc NHNN các biện pháp để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống các TCTD.
Tuy nhiên, đến hết năm 2015, số lượng NH niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn không có sự thay đổi so với thời điểm trước đó. Một số NH hứa với cổ đông sẽ lên sàn nhưng không thực hiện. Một số NH khác khẳng định với cổ đông sẽ không lên sàn trong năm 2015, chỉ niêm yết khi có điều kiện thuận lợi.
Tiếp theo, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 180/2015 hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán, đặt ra yêu cầu các NH sau khi cổ phần hóa (CPH) chưa được niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên sàn UPCoM trong năm 2016. Song một lần nữa các NH có tên trong danh sách này lại trễ hẹn.
Đến năm 2017, Chính phủ yêu cầu 730 doanh nghiệp (DN) được CPH chưa niêm yết phải thực hiện niêm yết ngay trong năm 2017 theo quy định của Bộ Tài chính, nếu không sẽ bị xử phạt. Có 10 NHTMCP nằm trong số 730 DN này nhưng đến nay mới vài NH thực hiện niêm yết trên TTCK. Tính chung cả hệ thống hiện còn 17/35 NHTM chưa thực hiện niêm yết.
Xử phạt hành chính chưa đủ sức ép
Xử phạt hành chính chưa đủ sức ép
Theo quy định tại Nghị định 145/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013, công ty đại chúng sẽ bị phạt tiền 30-50 triệu đồng nếu nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 12 tháng.
Trường hợp nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định từ trên 24 tháng đến 36 tháng sẽ bị phạt tiền 50-70 triệu đồng. Nếu không nộp hoặc nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 36 tháng, mức phạt 70-100 triệu đồng.
Đối với các NHTM không thực hiện nghiêm túc chủ trương niêm yết trên sàn, cơ quan quản lý cần có giải pháp quyết liệt hơn. Điều này càng quan trọng khi ngành NH đang thực hiện Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu. Khi triển khai Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu phải đồng bộ với việc thông tin của các NH được minh bạch hóa trên thị trường. Xử lý nợ xấu và minh bạch hóa thông tin tài chính của NH là 2 mặt của 1 đồng tiền, giúp hệ thống NH trở nên lành mạnh hơn. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH |
Đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn, mức phạt có thể lên tới 400 triệu đồng nếu quá thời hạn trên 12 tháng. Đầu năm 2018, UBCKNN đã xử phạt VietBank 7,5 triệu đồng do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định từ trên 1 tháng đến 12 tháng. Dù vậy, theo các chuyên gia, xử phạt chỉ có thể áp dụng đối với những NH đăng ký nhưng không nộp hồ sơ niêm yết đúng hạn. Với các trường hợp chưa muốn niêm yết sẽ khó xử lý hơn.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, nhận định đối với NH được yêu cầu niêm yết hiện nay chia ra 2 dạng: các NH đã CPH phải niêm yết và các NH được khuyến nghị niêm yết. Tuy nhiên, việc bắt buộc các NH đã CPH sau 1 năm phải niêm yết chưa hợp lý, chỉ có thể khuyến nghị.
Vì NH có niêm yết được hay không còn phụ thuộc vào việc NH đó có đáp ứng đủ tiêu chí về vốn, quản trị điều hành hay không; Sở Giao dịch chứng khoán có chấp nhận hay không và cổ đông có biểu quyết hay không. Thí dụ, sau khi CPH, vốn nhà nước chiếm 51% biểu quyết niêm yết, nhưng nhóm cổ đông khác chiếm 49% lại biểu quyết không niêm yết, NH cũng không lên sàn được vì điều này chỉ được thông qua khi đạt 65% tổng số phiếu biểu quyết.
Đối với nhóm NH được khuyến nghị niêm yết, yêu cầu các NH đã là đại chúng phải giao dịch UPCoM hoặc sàn chính thức hợp lý, vì mục tiêu là bảo vệ nhà đầu tư, minh bạch công khai. Tuy nhiên, cũng như trường hợp các NH CPH, việc lên sàn vẫn do cổ đông quyết định nên khó có thể xử phạt.
Nhìn ở một góc độ khác, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng niêm yết đang là chiến lược phát triển của NHNN trong quá trình tái cơ cấu hệ thống. Như vậy, nếu mục tiêu này không thực hiện được có thể xem xét trách nhiệm cụ thể của các thành viên. Theo đó, việc chậm niêm yết là trách nhiệm của lãnh đạo NH. Từ đó cần có cơ chế phạt HĐQT của NH, không cho điều hành NH trong một thời gian vì đã không thực hiện đúng theo đề án của Chính phủ, làm chậm trễ chiến lược tái cấu trúc hệ thống NH.
Riêng với những NH không thuộc diện kiểm soát đặc biệt, không có vốn nhà nước đã thỏa quy định của UBCKNN đạt được từ 100 cổ đông bắt buộc phải đưa lên UPCoM nhưng không niêm yết, lỗi là do UBCKNN không làm nghiêm.
Ảnh minh họa.
Siết mạnh từ HĐQT
Về xử lý liên quan đến trách nhiệm của HĐQT trong việc NH chưa niêm yết theo quy định như TS. Đinh Thế Hiển đề xuất, năm 2017 trong quá trình thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, nhiều ý kiến cũng đã đề nghị các NH phải xây dựng lộ trình tham gia TTCK, đối với những NH không tham gia theo lộ trình phải miễn nhiệm HĐQT, Ban giám đốc.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc lựa chọn thời điểm niêm yết là quyền của từng TCTD, do ĐHĐCĐ quyết định nên không quy định trong luật về việc miễn nhiệm HĐQT, Ban giám đốc NH trong trường hợp này. Song nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cơ quan quản lý cũng nên cân nhắc lại đề xuất này. Bởi DN hoạt động theo Luật DN, nhưng là DN đặc biệt trong thời kỳ đặc biệt có thể điều chỉnh theo hướng khác.
Liên quan đến lợi ích của cổ đông khi NH không niêm yết, có ý kiến cho rằng cổ đông phải theo luật chơi của thị trường, không thể đòi pháp luật phân xử. Nhà nước chỉ tạo điều kiện môi trường như hoạt động an toàn như thế nào, minh bạch ra sao, còn việc niêm yết để có thanh khoản CP là do quyết định của các cổ đông.
Nhà nước chỉ có thể can thiệp mạnh vào những NH mà Nhà nước có vốn chi phối, còn lại vẫn phải tùy theo thị trường, tùy theo NH, tùy theo cổ đông. Hiện bên cạnh một số NH chưa niêm yết vì những tính toán hợp lý, cũng có những NH không quan tâm đến quyền lợi của cổ đông, đặc biệt là nhu cầu về mua bán chuyển nhượng nên cũng không tổ chức để các cổ đông có một nơi giao dịch. Đó cũng là những điểm không đạt của HĐQT.
Xét trong bối cảnh hoàn thành việc niêm yết CP của các NHTMCP trên TTCK Việt Nam là một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, nhiều chuyên gia cho rằng nếu thật sự muốn các NH hoàn thành niêm yết thì rất cần những biện pháp mạnh tay hơn.
Rõ ràng tái cấu trúc hệ thống các TCTD hiện nay là giai đoạn đặc biệt, hoàn toàn có thể áp dụng những quy định để bảo đảm tiến trình đó. Hơn nữa, điều này cũng phù hợp với xu hướng của thế giới. Trường hợp HĐQT chậm trễ trong việc tái cấu trúc, NHNN hoàn toàn có thể không cho điều hành NH, nhưng ông chủ NH không mất quyền làm chủ.