Không cần cổ đông?
Trên website của VietABank, mục “Nhà đầu tư” đặt ngay trang chủ ở vị trí khá dễ nhìn, nhưng truy cập vào mục này sẽ thấy thông tin khá đơn sơ, như đến nay chỉ mới có các BCTC của năm 2016; phần thông báo cũng chỉ vài thông tin liên quan đến ĐHCĐ 2017 rồi cổ đông bị mất sổ…
Lẽ dĩ nhiên các giao dịch của VietABank trên thị trường OTC cũng “đơn sơ” như các thông tin đã công bố. Nhưng dù sao VietABank còn khả dĩ hơn VietBank với mục cổ đông đặt ở vị trí khá khiêm tốn, trong phần dưới của trang chủ không có gì đặc biệt, không đăng tải báo cáo thường niên dù có chuyên mục, cũng không có bản cáo bạch, và chủ yếu đăng tải BCTC quý.
Thị trường ngày một thanh lọc, và cho dù CP NH có được săn đón nhiều, những NH kém minh bạch sẽ rất khó thu hút các giao dịch, cổ đông. Vì vậy sẽ khó bán hoặc bán không được giá. Do vậy, các NH trước tiên nên tôn trọng các cổ đông nhỏ lẻ, đại chúng, mới có thể tính đến chuyện bắt tay với các cổ đông lớn, cổ đông nước ngoài. TS. Nguyễn Văn Thuận, chuyên gia tài chính-NH |
Câu hỏi đặt ra phải chăng vì không có nhiều NĐT tìm kiếm nên các NH này không đẩy mạnh công bố thông tin, hay ngược lại do NĐT thấy quá thiếu thông tin nên khó lòng tiếp cận? Dù không dễ để trả lời nhưng hiện trạng trước mắt có thể nhìn ra rất rõ: Vị thế sẽ trở nên kém hơn trên thị trường cũng như trong mắt cổ đông và NĐT. Một nguyên tắc bất di bất dịch trên thị trường tài chính đó là càng minh bạch, giá CP càng cao.
NHTMCP phải có cổ đông, trong trường hợp không có nhiều cổ đông đại chúng, nhỏ lẻ tất nhiên sẽ còn lại cổ đông lớn. Thoạt nhìn, những pháp nhân/cá nhân là cổ đông lớn không cần đợi đến khi có BCTC để nắm bắt số liệu của NH hoặc các thông tin khác, nhưng có một điều chắc chắn là cơ cấu cổ đông không thể giữ nguyên mãi.
Nói cách khác, các cổ đông, đặc biệt là cổ đông hiện tại của các NHTMCP loại nhỏ không thể chơi với nhau, mà buộc phải mở cửa đón tiếp các NĐT khác tham gia để phát triển hoạt động. Một cổ đông lớn dù là NĐT cá nhân, một nhóm người hay một định chế tài chính cũng không thể tiếp cận với các NHTMCP cũng theo kiểu “nội bộ” như vậy.
Không muốn lên sàn?
Không muốn lên sàn?
Năm 2017, ABBank đặt kế hoạch lãi trước thuế 450 tỷ đồng, nhưng đến hết quý III-2017, lãi trước thuế lũy kế của ABBank đã đạt gần 490 tỷ đồng, nghĩa là khả năng vượt xa kế hoạch đề ra cho cả năm rất lớn. Tính trong 3 năm gần nhất, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ABBank cũng rất ấn tượng.
Trên một sàn OTC trực tuyến, giá của ABBank hiện nay cũng quanh mức giá 1.0. Nếu một DN làm ăn hiệu quả nhưng không đẩy mạnh công bố, có thể chỉ ra một số nguyên nhân như chưa biết cách làm hoặc chưa có người để thực hiện, thì điều này lại không đúng với ABBank. Bởi ABBank hiện có cổ đông lớn là Maybank rồi cả IFC, những định chế tài chính lớn và đã quen mặt với thị trường tài chính, NH Việt Nam.
Vì vậy, cũng thật ngạc nhiên khi những thông tin về khả năng lên sàn của ABBank đến giờ vẫn vô cùng hiếm hoi. Lên sàn là sự lựa chọn của từng NH, nhưng thiết nghĩ việc có lên hay không cũng cần minh bạch thông tin rõ ràng, về lộ trình, giải pháp như vậy mới phù hợp với vị thế của một NH, vốn là thành tố quan trọng của nền kinh tế.
Tương tự như ABBank, lâu nay SeABank đã có cổ đông chiến lược là Societe Generale (Pháp), với hơn 150 năm kinh nghiệm tại thị trường tài chính châu Âu. Nhưng tìm hiểu hoạt động của SeABank hiện cũng không có nhiều thông tin ngoài việc truy cập vào website của NH và tải xuống BCTC đang đăng tải cũng chỉ đến năm 2016.
Từ câu chuyện của ABBank hay SeABank, câu hỏi về vai trò của các cổ đông chiến lược, cổ đông lớn tại các NH. Thứ nhất, thông tin về những cổ đông lớn từng được xem như sự bảo chứng về chất lượng, nghĩa là NH có tiềm năng định chế tài chính mới rót vốn, và ngược lại phải là cổ đông có năng lực NH mới chấp nhận. Phải chăng, với những định chế tài chính lớn đầu tư không phát huy tác dụng? Giá trị các khoản đầu tư không quá lớn nên chưa cần tạo ra áp lực về việc minh bạch?
Thứ hai, phải chăng là giữa cổ đông lớn, định chế tài chính và NH dường như không nhìn một hướng về vấn đề minh bạch và đã có những khác biệt? Nhưng dù nguyên nhân thực sự có là thế nào đi nữa, đây cũng sẽ là điểm trừ về minh bạch thông tin, không chỉ cho NH mà thậm chí còn cho cả chính các cổ đông lớn.
Vẫn chọn hàng trên sàn
Vẫn chọn hàng trên sàn
Tính trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM hiện đang có 15 NH niêm yết và đưa CP của mình lên giao dịch, con số này tăng vọt trong năm 2017. Điều này cũng thay đổi rất nhiều cục diện của những dòng vốn đổ vào NH. Trước đây, muốn đầu tư vào NH, dòng tiền thường sẽ chọn những NH đầu ngành như VCB, CTG, BID, nếu không cũng sẽ có các NHTMCP tốp đầu đã lên sàn từ lâu bao gồm ACB, MBB, STB…
Tình trạng này diễn ra trong nhiều năm dẫn đến việc dòng vốn có thể dồn ứ tại một số NH làm cho hết room, hoặc nguồn cung hàng không đủ đẩy giá CP lên cao khiến cho định giá CP kém hấp dẫn. Nhưng cục diện bắt đầu thay đổi khi HDB, VPB… những NHTMCP cũng có hiệu quả hoạt động rất cao lên sàn.
Điều này đã tạo ra sự đa dạng về mặt hàng hóa trên sàn bao gồm hàng chất lượng cao, vốn lớn, có giá cao, hàng chất lượng tầm trung, rồi cả CP của những NH nhỏ, có giá thấp. Chính vì vậy mà nếu hướng đến việc tìm các NH nhỏ để tìm cơ hội sinh lời, NĐT tất nhiên chọn CP trên sàn vì 2 lý do thanh khoản cao và minh bạch.
Khi một số NH tốp đầu có mức định giá cao, cơ hội có thể đến với những NH tiềm năng giá thấp, đặc biệt là những NH có mảng bán lẻ, ứng dụng công nghệ, hoặc cho vay tiêu dùng phát triển. Những lĩnh vực này có thể tạo ra động lực tăng trưởng cho NH và khiến cho CP có nhiều sức hút hơn.