F0 bắt đầu e dè
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký CK, trong tháng 11 số lượng tài khoản (TK) mở mới 221.314 TK, tăng 70% so với tháng 10. Đây là mức kỷ lục mới về số TK mở mới trong 1 tháng trên TTCK. Trong đó, đa phần là TK mở mới của NĐT cá nhân trong nước với 220.602 TK.
Số lượng TK mở mới của NĐT tổ chức trong nước và NĐT cá nhân nước ngoài cũng tăng mạnh, với số lượng mở mới 215 và 473 TK, cao hơn mức 187 và 371 TK trong tháng 10. Lũy kế từ đầu năm đến nay, số lượng TK mở mới trên TTCK là 1,3 triệu TK, nâng tổng số TK hiện tại của NĐT trên TTCK vượt mốc 4 triệu TK.
Dù số lượng mở mới tiếp tục gia tăng, nhưng dòng tiền lại bất ngờ sụt giảm mạnh trong những phiên giao dịch tuần qua. Đơn cử, thanh khoản của sàn HoSE, từ mức hơn 1 tỷ đơn vị CK được chuyển nhượng mỗi phiên, tương đương giá trị giao dịch hơn 30.000 tỷ đồng, giảm xuống chỉ còn hơn 700 triệu đơn vị CK, tương đương hơn 20.000 tỷ đồng.
Điều đáng nói, thanh khoản của thị trường sụt giảm không chỉ ở những phiên đỏ, còn xuất hiện ngay cả trong các phiên tăng điểm.
Nhìn vào những phiên thanh khoản sụt giảm dễ dàng nhận thấy dòng vốn từ các tổ chức lớn và NĐTNN không có biến động lớn. Dòng tiền bị rút ra từ NĐT cá nhân, vốn là động lực để đẩy VN Index chinh phục mốc 1.500 điểm trong tháng 11.
Đáng nói, trong những phiên lao dốc NĐT cá nhân bán ra rất mạnh. Điển hình là phiên giao dịch ngày 6-12, trong khi các tổ chức, tự doanh và khối ngoại mua ròng lần lượt 272 tỷ đồng, 197 tỷ đồng và 303 tỷ đồng, NĐT cá nhân bán ròng 772 tỷ đồng.
Có thể thấy, việc NĐT cá nhân hoảng loạn bán tháo trong các phiên giao dịch VN Index sụt giảm sâu, cho thấy họ đã bắt đầu có sự e dè, thay cho sự hào hứng vốn có trong những tháng trước.
Động thái bán tháo trong những phiên cổ phiếu (CP) giảm sàn hàng loạt khiến NĐT lỗ nặng. Trong khi đó, phía hưởng lợi vẫn là các tổ chức và NĐTNN, bởi sau phiên sụt giảm ngày 6-17, VN Index bật tăng mạnh ở các phiên kế tiếp.
Gồng mình chịu… lỗ
Gồng mình chịu… lỗ
Đối với không ít NĐT, việc bán cắt lỗ trong những phiên giao dịch thị trường sụt giảm sâu cũng là thành công. Thực tế, có rất nhiều NĐT nhỏ lẻ đang nắm CP của các doanh nghiệp với giá cao, nhưng muốn bán cắt lỗ cũng không xong, như CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (SJF), CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI), CTCP Tập đoàn Thành Nam (TNI) hay CTCP Simco Sông Đà (SDA).
Trên các diễn đàn CK, NĐT lỡ “ôm” những mã CP luôn nằm trong tình trạng “múa bên trăng”, thường xuyên có những dòng trạng thái bi thương “không còn khả năng gồng lỗ”, “làm sao bán được CP”, “F0 đu đỉnh và cái kết”, “sợ lắm rồi, chỉ cần bán được nghỉ chơi CK”.
Sau chuỗi giảm sàn 6 phiên liên tiếp từ mức giá 24.100 đồng/CP xuống còn 15.700 đồng/CP, lãnh đạo SJF đã có tâm thư trấn an NĐT. Theo ông Nguyễn Trí Thiện, Chủ tịch HĐQT, SJF không có bất cứ biến cố tiêu cực nào làm ảnh hưởng đến giá CP. Lý do sự biến động mạnh của CP có thể là dòng tiền vừa đầu tư, vừa đầu cơ để đón đầu thông tin SJF có thể sẽ trở thành nhà cung cấp sản phẩm sàn container bằng tre cho CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG).
Tuy nhiên, sản phẩm mẫu lần 1 của SJF không đạt chuẩn do sử dụng công nghệ ép khối. Do đó, SJF đã đầu tư máy nguyên liệu mới để làm mẫu dạng composite. Mẫu lần 2 của SJF đã được HPG gởi đi test và dự kiến có kết quả vào giữa tháng 12.
Tuy nhiên, những thông tin tích cực từ lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp vẫn không thể giải tỏa được áp lực bán tháo của SJF trên thị trường. Liên tục những phiên sau đó, NĐT đang nắm giữ CP của doanh nghiệp này “giẫm đạp” nhau để bán bằng được.
Đến phiên giao dịch ngày 9-12, mã CP này tiếp tục lao dốc chỉ còn 12.700 đồng/CP. Ở mức giá này, cổ đông mua vào ở mức giá đỉnh hơn 24.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 26-11 đã phải gánh khoảng lỗ gần 50%. Thậm chí, mức giảm còn lớn hơn nếu NĐT sử dụng margin.
F0 tỉnh cơn say
Như vậy, nếu phát biểu của ông Thiện là trung thực, nhiều khả năng SJF đang bị làm giá và bản thân ông này cũng nhận ra hiện tượng này với khẳng định “do dòng tiền đầu cơ”. Thực tế, chỉ có dòng tiền đầu cơ mới có đủ khả năng đẩy SJF tăng giá gần 10 lần so với thời điểm đầu năm, dù CP nằm trong diện cảnh báo do làm ăn thua lỗ.
Trên các diễn đàn CK, nhiều ý kiến cho rằng có đội lái đứng sau sóng tăng của nhóm 4 mã SJF, IDI, TNI và SDA. Các yếu tố để giới đầu tư đưa ra nghi vấn là cách thức “thổi”, rồi xả hàng khá giống nhau và diễn ra trong cùng thời điểm.
Theo tìm hiểu của ĐTTC, các đội lái lập các group kín trên Zalo hay Facebook để phím các mã CK cho F0 thiếu kinh nghiệm. Thậm chí, để tạo sự tin tưởng của các F0, đội lái sẽ thu phí theo tháng với cam kết CP NĐT mua vào sẽ tăng bằng lần. Tuy nhiên, khi đạt được mục tiêu đẩy giá lên để bán chốt lời, lái xóa group để NĐT tự “bơi”, như trường hợp của nhóm CP kể trên.
Đáng chú ý, không chỉ phím những mã CP có tính chất đầu cơ, nhiều F0 còn bị hớ khi mua vào nhóm CP căn bản như ngân hàng và thép theo khuyến nghị của các CTCK. Cay cú vì thua lỗ, nhiều F0 vay mượn thêm tiền để gỡ nhưng kết quả lỗ thêm.
Tuy nhiên, nhiều F0 sau những lần “sẩy chân” vì đầu tư theo tin đồn đã quyết định tham gia các khóa học về CK, hoặc chọn giải pháp an toàn hơn là… giải nghệ.
Trở lại với trường hợp của SJF, đây là mã CP có “tì vết” bị làm giá, nhưng nhiều NĐT vẫn lao vào với kỳ vọng giá tăng lên 40.000 đồng/CP. Cách đây 3 năm, mã CP này cũng có đợt lao dốc kinh hoàng từ trên mốc 28.000 đồng/CP xuống còn hơn 1.000 đồng/CP, dù hoạt động sản xuất kinh doanh không có biến động quá lớn.
Thời điểm đó, trước sức ép của cổ đông, ông Thiện đã thừa nhận nhiều khả năng một số cổ đông đã cầm cố CP để vay tiền đầu tư cho hoạt động riêng. Đến hạn trả tiền vay, nhóm cổ đông này không có khả năng thanh toán nên bị ngân hàng bán giải chấp cho khoản vay.
Muốn “giữ chân” dòng tiền của NĐT cá nhân, thị trường cần có thêm hàng hóa có chất lượng, nhất là “bàn tay rắn” của cơ quan quản lý trong việc làm trong sạch thị trường. |