Dow Jones ghi nhận phiên tồi tệ nhất trong hơn 1 tháng
Khép phiên, chỉ số S&P 500 lùi 0.92% xuống 5,797.42 điểm. Chỉ số Dow Jones lao dốc 409.94 điểm, tương đương 0.96%, còn 42,514.95 điểm. Đây là phiên tồi tệ nhất của Dow Jones kể từ đầu tháng 9/2024. Chỉ số Nasdaq Composite rớt 1.6% xuống 18,276.65 điểm.
Cả Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp.
Tại mức đỉnh trong phiên, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mức 4.25%, mức cao nhất kể từ ngày 26/07/2024.
Lợi suất trái phiếu tăng vọt trong tháng qua, ngay cả sau khi Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9. Một số người chỉ ra dữ liệu kinh tế gần đây là nguồn gốc cho động thái tăng cao, trong khi những người khác lưu ý đến khả năng thâm hụt tài chính gia tăng ở Mỹ dưới thời Tổng thông Donald Trump thứ 2.
Brent Schutte, Giám đốc đầu tư tại Northwestern Mutual Wealth Management cho rằng: “Đối với tôi, tất cả là về tác động của đà tăng lãi suất. Thị trường đang định giá lại khả năng Fed có thể hạ lãi suất quyết liệt. Có những thành phần của nền kinh tế vẫn chưa cảm nhận được tác động của sự gia tăng lãi suất, nhưng lãi suất càng cao thì càng nhiều thành phần khác nhau của nền kinh tế phải định giá lại theo thực tế đó… nền kinh tế đang mất cân băng.”
Ông Schutte cũng cho biết nhóm được định giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ là các cổ phiếu vốn hoá lớn, đồng thời nói thêm rằng ông tin rằng thị trường sẽ phải điều chỉnh trong ngắn hạn khi rủi ro suy thoái vẫn còn.
Các cổ phiếu vốn hoá lớn bị đè nặng vào thứ Tư, với cổ phiếu Apple và Nvidia đều bốc hơi hơn 2%. Cổ phiếu Meta Platforms sụt 3%, còn cổ phiếu Netflix và Amazon đều mất 2%.
Dầu giảm khi dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng mạnh
Kết phiên, hợp đồng dầu Brent mất 1.08 USD, tương đương 1.42%, còn 74.96 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI lùi 97 xu, tương đương 1.35%, xuống 70.77 USD/thùng.
Dầu đã tăng trong 2 phiên trước đó, xoá bớt mức giảm hơn 7% trong tuần trước. Dầu giảm do những lo ngại từ nhu cầu của Trung Quốc và một số lo ngại giảm bớt xung quanh việc nguồn cung dầu tại Trung Đông bị gián đoạn, tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư dường như đã đảo ngược vào đầu tuần này.
Tại Mỹ, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tăng vọt 5.5 triệu thùng lên 426 triệu thùng trong tuần kết thúc hôm 18/10, cao hơn dự báo tăng 270,000 thùng từ các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Cũng góp phần gây áp lực lên giá dầu, chỉ số đồng USD tăng vào thứ Tư lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 7. Đồng đô la Mỹ mạnh hơn có thể làm ảnh hưởng đến nhu cầu dầu được neo giá theo đồng bạc xanh của người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Tác động của dự trữ dầu thô tăng lên giá dầu đã được bù đắp phần nào bởi những lo ngại dai dẳng về rủi ro nguồn cung dầu tiềm tàng từ xung đợt ở Trung Đông.
Các chuyên gia phân tích tại ING cho biết: “Thị trường tiếp tục chờ đợi phản ứng của Israel đối với cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran,” đồng thời nói thêm rằng đà tăng giá dầu vào ngày 22/10 có khả năng là do không có bất kỳ kết quả nào từ chuyến thăm Israel mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.