Dow Jones đứt mạch 3 phiên tăng liên tiếp
Khép phiên, chỉ số Dow Jones mất 129.83 điểm, tương đương 0.38%, còn 34,288.64 điểm. S&P 500 sụt 0.2% xuống 4,446.82 điểm. Trong khi Nasdaq Composite rớt 0.18% xuống 13,791.65 điểm. Cả Dow Jones và S&P 500 đều kết thúc chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp.
Các nhà đầu tư đã đánh giá biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed công bố vào chiều thứ Tư, trong đó hầu hết các quan chức cho biết nhiều đợt tăng lãi suất hơn có thể xảy ra trong tương lai. Biên bản họp của Fed đã mang đến cho Phố Wall bối cảnh bổ sung cho quyết định của ngân hàng trung ương về việc không tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 6 vừa qua.
Greg Bassuk, Giám đốc điều hành của AXS Investments, nhận định: “Không nghi ngờ gì, chính sách nâng lãi suất của Fed sẽ tiếp tục chi phối suy nghĩ của các nhà đầu tư liên quan đến quỹ đạo thị trường và kinh tế trong nửa cuối năm nay.”
Dữ liệu công bố vào sáng ngày thứ Tư cho thấy số đơn đặt hàng của các nhà máy thấp hơn so với dự báo trong tháng 5. Vào cuối tuần này, các nhà đầu tư sẽ theo dõi một loạt dữ liệu về việc làm và tiền lương để hiểu rõ hơn về sức mạnh của thị trường lao động.
Vào tuần trước, Nasdaq Composite đã khép lại nửa đầu năm tốt nhất kể từ năm 1983, còn S&P 500 đánh dấu nửa đầu năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2019, nhờ sự quan tâm đến trí tuệ nhân tạo tăng vọt đã thúc đẩy sự lạc quan của các nhà đầu tư đối với chứng khoán. Ngược lại, chỉ số Dow Jones chỉ tăng 3.8% trong 6 tháng đầu năm.
Dầu WTI tăng mạnh 3%
Kết thúc phiên giao dịch, dầu WTI tiến 2 USD, tương đương 2.9%, lên 71.79 USD/thùng so với cuối phiên ngày thứ Hai. Dầu Brent nhích 40 xu, tương đương 0.5%, lên 76.65 USD/thùng, sau khi tăng 1.60 USD/thùng vào thứ Ba.
Không có mức chốt phiên cho dầu WTI vào thứ Ba do kỳ nghỉ lễ ở Mỹ, vì vậy giao dịch ngày thứ Tư đã bắt kịp với đà tăng của dầu Brent trong phiên trước đó. Cả 2 loại dầu đều ghi nhận mức cao nhất trong gần 2 tuần tại phiên giao dịch ngày thứ Tư.
Ả-rập Xê-út, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, vào thứ Hai cho biết sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 8/2023. Trong khi, Nga và Algeria đang cắt giảm mức sản lượng và xuất khẩu tháng 8 lần lượt 500,000 thùng/ngày và 20,000 thùng/ngày.
Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho biết hôm thứ Tư rằng sự hợp tác dầu mỏ Nga – Ả-rập Xê-út vẫn đang phát triển mạnh mẽ với tư cách là một phần của liên minh OPEC+, tổ chức sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để hỗ trợ thị trường.
Giovanni Staunovo, nhà phân tích của UBS cho hay: “Việc cắt giảm sản lượng tự nguyện tháng 7 và kéo dài sang tháng 8 sẽ thắt chặt đáng kể thị trường dầu, tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ đứng ngoài cuộc cho đến khi dự trữ dầu sụt giảm đáng kể.”
Một cuộc thăm dò của Reuters dự báo dự trữ dầu thô và xăng tại Mỹ giảm trong tuần trước, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất có khả năng tăng.
Các nhà đầu tư cho biết ngày Lễ Quốc khánh Mỹ đánh dấu mùa cao điểm du lịch của Mỹ và báo cáo dự trữ trong tuần này có thể đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy giá dầu tăng cao hơn hoặc giảm thấp hơn.
Morgan Stanley đã hạ dự báo giá dầu, dự đoán thị trường sẽ bị dư cung trong nửa đầu năm 2024 với nguồn cung ngoài OPEC tăng nhanh hơn nhu cầu trong năm tới.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy hoạt động các nhà máy trên toàn cầu sụt giảm, phản ánh nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc và châu Âu.