Chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau cuộc họp của Fed; Dầu ghi nhận tháng khởi sắc

(ĐTTCO) – Phố Wall giảm điểm vào thứ Tư (31/01), sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết cơ quan này có thể sẽ chưa sẵn sàng hạ lãi suất vào tháng 3/2024. Giá dầu ghi nhận tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 9/2023, khi Mỹ và Iran đứng trên bờ vực đối đầu trực tiếp ở Trung Đông.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau cuộc họp của Fed; Dầu ghi nhận tháng khởi sắc

Dow đóng cửa thấp hơn 300 điểm, Nasdaq giảm 2%; Dầu kéo dài đà tăng

Khép phiên, chỉ số Dow Jones trượt dài 317.01 điểm, tương đương 0.82%, xuống 38,150.30 điểm. Chỉ số S&P 500 rớt 1.61% còn 4,845.65 điểm. Còn chỉ số Nasdaq Composite sụt 2.23% xuống 15,164.01 điểm.

Thứ Tư được xem là ngày ảm đạm đối với các chỉ số chính. Đây là phiên tồi tệ nhất của Dow Jones kể từ tháng 12/2023. Trong khi S&P 500 đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2023 và kể từ tháng 10/2023 đối với Nasdaq Composite.

Ông Powell cho biết: “Tôi không nghĩ có khả năng Uỷ ban sẽ đạt được mức độ tin cậy vào thời điểm cuộc họp tháng 3 để xác định tháng 3 là thời điểm để làm điều đó.” Các chỉ số chính đã rớt xuống mức thấp nhất trong phiên ngay sau những phát biểu trên.

Nhà đầu tư đang theo dõi sát sao thông báo của Fed để tìm kiếm dấu hiệu về thời điểm ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu hạ lãi suất. Chủ tịch Powell dường như đã dội một gáo nước lạnh vào kỳ vọng của thị trường về đợt hạ lãi suất tháng 3, đồng thời lưu ý rằng cần có thêm dữ liệu về lạm phát.

Tuy nhiên, Fed đã làm một số điều mà các nhà đầu tư mong muốn, đó là loại bỏ phần tuyên bố cho thấy ngân hàng trung ương vẫn có xu hướng thắt chặt. Fed đã bỏ cum từ đề cập đến việc “củng cố chính sách bổ sung”.

“Chúng tôi tin rằng lãi suất chính sách của mình có thể đạt mức cao nhất trong chu kỳ thắt chặt này và nếu nền kinh tế phát triển rộng rãi như kỳ vọng, có thể sẽ thích hợp để bắt đầu thu hồi chính sách thắt chặt, ở thời điểm nào đó trong năm nay,” ông Powell nói thêm.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ trồi sụt, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm dao động gần nhất ở mức 3.9%.

Cổ phiếu Alphabet bốc hơi hơn 7%, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 25/10/2023 do doanh thu quảng cáo gây thất vọng đã làm lu mờ kết quả doanh số và lợi nhuận tốt hơn dự báo. Cổ phiếu của các công ty công nghệ Microsoft và AMD đồng loạt giảm gần 3% do triển vọng tương lai thấp hơn dự báo sau khi công bố kết quả kinh doanh hàng quý.

Cổ phiếu Boeing tăng hơn 5% sau khi công bố doanh thu và lợi nhuận hàng quý vượt kỳ vọng.

Sự sụt giảm trong ngày thứ Tư đã ảnh hưởng đến đà tăng tháng 1 của thị trường, nhưng cả 3 chỉ số chính đều khép lại tháng 1 với sắc xanh. Theo đó, trong tháng qua, S&P 500 nhích 1.6%, Dow Jones cộng 1.2% và Nasdaq Composite thêm 1%.

Dầu có tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 9/2023

Giá dầu WTI và dầu Brent lần lượt vọt 5.86% và 6.06% vào tháng 1/2024, mặc dù giá dầu giảm vào thứ Tư sau khi hoạt động nhà máy ở Trung Quốc giảm tháng thứ 4 liên tiếp.

Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu WTI sụt 1.97 USD, tương đương 2.53%, còn 75.85 USD/thùng. Trong khi hợp đồng dầu Brent hạ 1.16 USD, tương đương 1.40%, xuống 81.71 USD/thùng.

Tamas Varga, Chuyên gia phân tích tại PVM, cho rằng: “Dữ liệu sản xuất đã xác nhận quan điểm của chúng tôi rằng Trung Quốc, ít nhất ở thời điểm hiện tại, là trở ngại cho tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu.”

Mặc dù hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Trung Quốc gây áp lực lên thị trường, giá dầu vẫn tăng trong tháng qua nhờ tăng trưởng mạnh hơn dự báo của Mỹ, sự gián đoạn nguồn cung dầu thô ở Mỹ do các cơn bão mùa đông, và những nổ lực kích thích kinh tế của Bắc Kinh.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô tại Mỹ đã phục hồi vào tuần trước sau các cơn bão mùa đông, với dự trữ dầu thô nội địa tăng 1.2 triệu thùng và sản lượng ước tính lên tới 13 triệu thùng/ngày.

Fed cũng đã giữ lãi suất không đổi vào thứ Tư, nhưng cho biết cơ quan này cũng chưa hoàn toàn sẵn sàng để hạ lãi suất.

Căng thẳng địa chính trị cũng đang sôi sục ở Trung Đông với việc Mỹ và Iran đứng trên bờ vực đối đầu trực tiếp, làm bật lên nguy cơ tiềm ẩn đối với nguồn cung dầu thô ở khu vực này.

Cho đến nay, phản ứng của thị trường dầu đối với căng thẳng ở Trung Dông vẫn khá im ắng bởi vì nguồn cung dầu thô không bị gián đoạn lớn. Các chuyên gia phân tích đã nhiều lần cảnh báo rằng một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Iran có thể khiến giá dầu tăng vọt nếu có sự gián đoạn lớn ở eo biển Hormuz, điểm nghẽn quan trọng đối với dòng chảy dầu thô.

Các tin khác