Chứng khoán Mỹ kéo lại đà tăng; Dầu “bốc hơi” nhẹ

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng phiên thứ 2 liên tiếp vào thứ Hai (6/1). Trong khi, giá dầu giảm trong phiên giao dịch biến động sau một số dữ liệu kinh tế yếu kém từ Mỹ và Đức.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Chứng khoán Mỹ kéo lại đà tăng; Dầu “bốc hơi” nhẹ

S&P 500 và Nasdaq tăng 2 phiên liền

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 0,55% lên 5.975,38 điểm, chỉ số Nasdaq Composite nhích 1,24% lên 19.864,98 điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones mất 25,57 điểm, tương đương 0,06%, còn 42.706,56 điểm. Vào đầu phiên, chỉ số này đã tăng tới 383 điểm.

Cổ phiếu các công ty sản xuất con chip nằm trong số những cổ phiếu thắng lớn trong phiên sau khi Foxconn công bố doanh thu cao kỷ lục trong quý 4/2024. Cổ phiếu Nvidia tăng vọt 3,4%, khép phiên ở mức cao kỷ lục sau khi cổ phiếu này tăng 3 phiên liên tiếp. Cổ phiếu Broadcom tiến 1,7%, còn cổ phiếu Micron Technology leo dốc 10,5%. Chứng chỉ quỹ VanEck Semiconductor ETF thêm hơn 3%.

Tâm lý thị trường vào thứ Hai cũng được thúc đẩy bởi một báo cáo của Washington Post cho biết kế hoạch thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ có phạm vi hẹp hơn so với dự kiến, chỉ bao gồm mặt hàng nhập khẩu quan trọng. Ông Trump đã kêu gọi mức thuế quan “phổ quát” lên tới 10% - 20% trong chiến dịch tranh cử của mình. Cổ phiếu Ford và General Motors lần lượt nhích gần 1% và hơn 3%, nhờ sự lạc quan rằng chính sách thuế quan hạn chế hơn của ông Trump sẽ không gây ra chiến tranh thương mại toàn cầu.

Nhà đầu tư bắt đầu một tuần giao dịch rút ngắn khác với những lo lắng dai dẳng về triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) sẽ đóng cửa vào ngày 9/1 để tưởng nhớ cựu Tổng thống MỸ Jimmy Carter.

Ngoài ra, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao 4,6%, trước khi các báo cáo kinh tế quan trọng công bố vào cuối tuần này.

Dầu giảm sau dữ liệu kinh tế yếu từ Mỹ và Đức

Vào đầu phiên, giá dầu thô tiến lên mức đỉnh 12 tuần nhờ sự hỗ trợ từ đồng USD suy yếu và khi một cơn bão mùa đông thúc đẩy nhu cầu năng lượng để sưởi ấm nhà cửa và doanh nghiệp ở Mỹ.

Sau khi tăng 5 phiên liên tiếp, kết thúc phiên ngày 6/1, hợp đồng dầu Brent rớt 21 xu, tương đương 0,27%, lên 76,30 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 40 xu, tương đương 0,54%, còn 73,56 USD/thùng.

Mức suy giảm này đã đẩy cả 2 hợp đồng dầu thô ra khỏi vùng quá mua (overbought) về mặt kỹ thuật lần đầu tiên sau 3 ngày.

Hồi ngày 3/1, hợp đồng dầu Brent đã đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 14/10/2024 và hợp đồng dầu WTI khép phiên tại mức cao nhất kể từ ngày 11/10/2024, một phần nhờ kỳ vọng có thêm nhiều biện pháp kích thích tài khoá để phục hồi nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc.

Với sự quan tâm đến giao dịch năng lượng tăng lên trong những tuần gần đây, hợp đồng dầu WTI tương lai mở trên Sàn NYSE đã tăng vọt lên 1.933 triệu hợp đồng vào ngày 03/01, nhiều nhất kể từ tháng 6/2023.

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, số đơn đặt hàng hàng hoá lâu bền đã giảm trong tháng 11/2024 trong bối cảnh nhu cầu về máy bay thương mại suy yếu trong khi chi tiêu của doanh nghiệp cho thiết bị dường như đã chậm lại trong quý 4/2024, theo dữ liệu từ Cục Điều tra Dân số của Bộ Thương mại Mỹ.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lạm phát hằng năm tăng cao hơn so với dự báo trong tháng 12/2024 do giá thực phẩm tăng cao và giá năng lượng giảm ít hơn so với tháng trước.

Để đối phó với lạm phát cao hơn, các ngân hàng trung ương thường tăng lãi suất, điều này có thể làm trì trệ tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu.

Các tin khác