Nasdaq Composite tiến hơn 1%
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Nasdaq tăng 1.14% lên 13,917.89 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích 0.67% lên 4,487.46 điểm. Chỉ số Dow Jones bật thêm 87.13 điểm, tương đương 0.25%, lên 34,663.72 điểm, được hỗ trợ bởi đà tăng của cổ phiếu Walt Disney.
Cổ phiếu Tesla vọt 10% sau khi Morgan Stanley nâng hạng cổ phiếu này và dự báo về một đợt phục hồi đáng kể sắp tới nhờ những đột phá với phần mềm tự động hoá. Cổ phiếu Qualcomm tăng gần 4% sau khi công ty chất bán dẫn này cho biết vào thứ Hai rằng sẽ cung cấp modem 5G dành cho điện thoại thông minh của Apple đến năm 2026.
Chứng chỉ quỹ Technology Select Sector SPDR Fund, bao gồm nhóm cổ phiếu công nghệ thuộc S&P 500, sụt 1.5% trong tháng 8 và mất hơn 1% từ đầu tháng 9 đến nay. Tuy nhiên, vào thứ Hai, chứng chỉ quỹ này tăng 0.5%, leo dốcgần 40% trong năm nay.
Ngoài ra, cổ phiếu Disney cộng 1.2% sau khi CNBC đưa tin tập đoàn truyền thông này và Charter Communications đã đạt được thoả thuận chấm dứt xung đột điện cáp củahọ.
Tâm lý lạc quan trên thị trường hôm thứ Hai cũng được hỗ trợ bởi một báo cáo trên Wall Street Journal hồi Chủ nhật cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nhất trí không nâng lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới. Báo cáo cũng trích dẫn một sự thay đổi trong chính sách, theo đó các thành viên nhận thấy có ít sự khẩn cấp hơn trong việc nâng lãi suất vào cuối năm nay, do dữ liệu lạm phát đang được cải thiện.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng trong tuần sau một loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ hơn dự kiến hồi tuần trước đã làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể nâng lãi suất nhiều hơn so với dự báo trước đó.
Thứ Tư và thứ Năm tuần này sẽ lần lượt công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI và chỉ số giá sản xuất PPI. Nhà đầu tư đang kỳ vọng các chỉ số này sẽ ở mức thấp, mặc dù cả 2 đều được dự báo sẽ tăng do áp lực chi phí năng lượng.
Giá dầu gần như đi ngang
Khép phiên, dầu Brent lùi 1 xu xuống 90.64 USD/thùng. Dầu WTI của Mỹ rớt 22 xu còn 87.29 USD/thùng.
Ả-rập Saudi và Nga vào tuần trước đã tuyên bố sẽ gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1.3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay.
Việc cắt giảm nguồn cung đã làm lu mờ mối lo ngại về hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Hôm thứ Hai, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc có nhiều khả năng gây tác động cục bộ hơn là ảnh hưởng đến Mỹ.
Một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ dự kiến sẽ giảm tuần thứ 5 liên tiếp, mất khoảng 2 triệu thùng.
Nguồn cung dầu thô cũng có thể chứng kiến sự gián đoạn mới do các cơn bão và lũ lụt ở miền đông Libya khiến hơn 2,000 người thiệt mạng và buộc 4 cảng xuất khẩu dầu lớn phải đóng cửa kể từ ngày 09/9 gồm Ras Lanuf, Zueitina, Brega and Es Sidra.
Trong khi đó, châu Âu dự kiến bước vào mùa bảo trì nhà máy lọc dầu vào mùa thu này khi các nhà máy lọc dầu mong muốn thu được lợi nhuận từ tỷ suất lợi nhuận cao, điều này có thể góp phần hỗ trợ nhu cầu dầu thô. Theo công ty tư vấn Wood Mackenzie, công suất lọc dầu ngoại tuyến ở châu Âu ở mức khoảng 800,000 thùng/ngày, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.
Một loạt dữ liệu kinh tế vĩ mô dự kiến công bố trong tuần này sẽ cho biết liệu các ngân hàng trung ương ở châu Âuvà Mỹ có tiếp tục chiến dịch nâng lãi suất quyết liệt hay không.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến công bố quyết định lãi suất trong tuần này. Vào ngày thứ Hai, Uỷ ban châu Âu (EC) dự báo khu vực động Euro tăng trưởng chậm hơn dự kiến trước đó trong năm 2023 và 2024.