Thoát khỏi nỗi sợ
Kể từ lần TTCK phản ứng dữ dội với đợt bùng phát dịch Covid đầu tiên hồi tháng 2 và 3-2020, thị trường đã trải qua 14 tháng tăng trưởng. 2 đợt bùng phát dịch kế tiếp hầu như không ảnh hưởng lớn đến thị trường, và hiện VN Index đã đạt đỉnh cao lịch sử mới gần sát ngưỡng 1.320 điểm. Không hẳn TTCK không quan tâm đến rủi ro dịch bệnh, mà thị trường đã thoát khỏi nỗi sợ về Covid.
Cũng như rất nhiều lần TTCK đã từng phản ứng với “sự kiện lần đầu” trong quá khứ - từ dàn khoan HD981 tới “Bầu Kiên”, Brexit hay bầu cử Tổng thống Mỹ - khi sự kiện đó lặp lại lần thứ 2, phản ứng của nhà đầu tư đã rất khác. Yếu tố dịch bệnh Covid đã lặp lại tới lần thứ 4 nên thị trường thể hiện phản ứng mạnh mẽ trái ngược với những suy nghĩ cảm tính là điều dễ hiểu.
Thực vậy, tuy rủi ro dịch bệnh vẫn là yếu tố bất định lớn nhất trong mắt nhà đầu tư tổ chức, niềm tin về kinh nghiệm cũng như các công cụ vaccine là yếu tố đảm bảo trong tình huống xấu nhất.
Vào giữa tháng 5, Công ty chứng khoán (CTCK) Yuanta lo lắng ngay trước kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 Việt Nam bùng dịch lần 4, xuất hiện những ca lây nhiễm với chủng biến thể kép, lây lan nhanh hơn và có dấu hiệu giảm tác dụng của vaccine. Đợt bùng dịch này có thể tác động tới hoạt động sản xuất và tiêu dùng lớn hơn so với đợt bùng dịch lần 3.
“Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng vào kinh nghiệm xử lý dịch bệnh của Việt Nam nên tình hình có thể sớm được kiểm soát” - bộ phận phân tích của tổ chức này đánh giá.
Hay như CTCK Bản Việt cho rằng, số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trong thời gian gần đây tại Ấn Độ và một số quốc gia khác trong khu vực, cũng như các ca nhiễm mới tại Việt Nam, có thể ảnh hưởng đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cũng như trong nước.
Tuy nhiên, khi Chính phủ đã phản ứng nhanh để kiểm soát tình hình, chúng tôi tin Việt Nam sẽ một lần nữa kiểm soát tốt dịch Covid-19 như đã thực hiện kể từ khi nó bắt đầu.
Bộ phận nghiên cứu của SSI nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng phục hồi nhanh và vững chắc với mức tăng rất tốt trong 4 tháng đầu năm, bất chấp làn sóng Covid thứ 3 bùng phát vào cuối tháng 1. Làn sóng thứ 4 đã bùng phát ở một số địa phương cần phải theo dõi sát sao, khả năng chống chịu của Việt Nam một lần nữa được thử thách”.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, thông tin dịch bệnh cũng chỉ đơn giản đồng nghĩa với việc các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng sẽ được đẩy mạnh hơn, tiền rẻ sẽ nhiều hơn, thời gian rảnh rỗi để “đánh chứng” sẽ gia tăng.
Điều này đã được chứng minh một lần trong nửa sau năm 2020. Trong 4 tháng đầu năm 2021, số lượng tài khoản cá nhân mở mới 336.314 tài khoản. Để so sánh cả năm 2020 - thời kỳ bùng nổ đội quân nhà đầu tư F0 - số lượng tài khoản cá nhân mới cũng chỉ 392.527 tài khoản.
Doanh nghiệp niêm yết ít bị tác động
Doanh nghiệp niêm yết ít bị tác động
Việc TTCK “nhờn” với ảnh hưởng của Covid không phải chỉ là những suy luận cảm tính. Kiểu suy luận này có thể đúng ở thời điểm quý II và III-2020, khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực sự bị ảnh hưởng và phản ánh bằng yếu tố định lượng lên báo cáo tài chính. TTCK tăng bùng nổ và tạo sự tách biệt giữa yếu tố đầu cơ và yếu tố cơ bản lúc đó.
Tuy nhiên tác động của Covid đối với doanh nghiệp niêm yết thực sự đã được xác nhận là nhỏ, sau những gì thể hiện ở quý IV-2020 và nhất là quý I-2021. Nếu quý IV-2020 lợi nhuận phục hồi mạnh nhờ các yếu tố hỗ trợ, thì quý I-2021 là tăng trưởng khi dịch bệnh được kiểm soát. Hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa gần như bình thường trở lại và doanh nghiệp lập tức làm ăn hiệu quả hơn.
Với doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE, 43% có doanh thu tăng trưởng vượt 20% trong quý I-2021. Đặc biệt, ở khía cạnh lợi nhuận, 58% doanh nghiệp đạt tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. Bức tranh kết quả kinh doanh quý I trên sàn HNX tương tự khi có hơn 50% doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng trên 20%.
Tổng hợp của CTCK Rồng Việt xác nhận gần 80% ngành nghề đạt tăng trưởng lợi nhuận dương. Ngành dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản và bảo hiểm dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận.
Ngành ngân hàng và bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt 80% và 26%. Một số ngành ghi nhận lợi nhuận âm bao gồm xây dựng và vật liệu, tiện ích công cộng và truyền thông.
Như vậy nếu bức tranh kết quả kinh doanh quý I-2021 thể hiện khả năng phục hồi và tăng trưởng của doanh nghiệp tích cực, rõ ràng những ảnh hưởng xấu nhất của Covid đã ở phía sau.
Việt Nam sẽ không quay lại tình trạng giãn cách toàn xã hội như hồi 2020, mà kiên định mục tiêu kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy tăng trưởng. Bối cảnh 2021 cũng có chuyển biến lớn so với 2020, rõ nét nhất là tốc độ tiêm chủng tăng mạnh, nhiều thị trường nhập khẩu chính hàng hóa của Việt Nam như Mỹ, EU đã dỡ bỏ phong tỏa, tiến tới bình thường hóa hoạt động xã hội.
Điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước cũng tích cực hơn, khi mức tăng trưởng bán lẻ hàng hóa phục hồi rất nhanh trong 5 tháng đầu năm 2021.
TTCK đang trong chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ dài hạn nhưng không có nghĩa đà tăng sẽ kéo dài mãi. Tuy vậy, việc tăng giảm theo chu kỳ cũng không phải do thị trường phản ứng với nỗi ám ảnh về làn sóng Covid thứ 4.
Những điều chỉnh ngắn hạn trên cơ sở cung cầu vẫn được nâng đỡ bởi yếu tố nền tảng cơ bản là lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng tích cực.