Ông Khánh dẫn chứng TTCK Mỹ hay tài sản số đều giảm mạnh, nhưng TTCK trong nước chỉ giảm trong phiên 24-2 rồi bật tăng lại ngay hôm sau, bất chấp chiến sự vẫn đang diễn ra.
Mức giảm của ngày giảm điểm cũng nhẹ hơn nhiều so với thị trường các nước khác. Thậm chí, một số ngành nghề, lĩnh vực như năng lượng, tiêu dùng còn được hưởng lợi.
Tuy nhiên trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong ngắn hạn TTCK chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng phần nào bởi chiến sự, mức độ không quá mạnh, song sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong trung và dài hạn.
Bởi lẽ cuộc chiến rồi sẽ qua đi, nhưng hậu quả của nó với kinh tế sẽ còn lâu dài trong bối cảnh các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới đang chạy đua tăng lãi suất cũng như thắt chặt tiền tệ. Đặc biệt, những tài sản được xếp vào nhóm kênh đầu tư an toàn như vàng sẽ hút được dòng tiền của nhà đầu tư (NĐT) với mục đích trú ẩn, giảm rủi ro.
PHÓNG VIÊN: - Ông có thể giải thích rõ hơn về tác động của xung đột Nga - Ukraine đến nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng?
Ông PHAN DŨNG KHÁNH: - Chiến sự có thể mang tính thời điểm, nhưng tác động về lâu dài là điều chúng ta cần phải quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng nhờ cuộc chiến này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các NHTW khác sẽ xem xét thay đổi lại chính sách tiền tệ của mình theo hướng không tăng lãi suất, thậm chí quay lại nới lỏng tiền tệ hỗ trợ kinh tế, từ đó tiếp thêm năng lượng cho thị trường tài chính.
Thế nhưng, NHTW sẽ bị mắc kẹt trong tình huống tiến thoái lưỡng nan khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, giá dầu chạm mốc 100USD/thùng, cùng với việc cuộc chiến Nga - Ukraine có thể tiếp tục cao hơn trong thời gian tới sẽ gây áp lực lạm phát lớn hơn.
Bên cạnh đó, Nga và Ukraine đóng vai trò khá lớn trong việc cung cấp các sản phẩm quan trọng cho thế giới, đặc biệt với lĩnh vực công nghệ - nền tảng quan trọng để tiến lên thời đại 4.0.
Theo thống kê, Nga hiện chiếm tới 45% nguồn cung Palladium toàn cầu và 35% Palladium tại Mỹ được nhập khẩu từ Nga. Palladium được sử dụng chủ yếu trong sản xuất cảm biến và bộ nhớ. Còn Ukraine đang cung cấp cho Mỹ hơn 90% khí Neon bán dẫn, thành phần quan trọng cho các tia laser được sử dụng trong sản xuất chip xử lý. Thực tế, từ tháng 12-2021 căng thẳng của 2 nước đã khiến giá Palladium tăng 52%.
Năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea, chi phí sản xuất đèn Neon từng tăng 600% chỉ sau 1 đêm. Ngoài ra, Nga còn nắm giữ lượng khai thác Niken rất lớn, nếu nguồn cung bị gián đoạn hoặc giá tăng cao, pin xe điện và các thiết bị liên quan khác sẽ khan hiếm và tăng giá. Chỉ riêng ngành xe điện đã có mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay là 122% vào năm 2021.
Do đó, nếu cuộc chiến sớm kết thúc thì hậu quả của nó với kinh tế sẽ còn lâu dài. Theo đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga có thể khiến các chính sách tiền tệ, tài khóa phải thay đổi, sẽ có tác động phần nào đến thị trường. Đặc biệt những tài sản được xếp vào nhóm kênh đầu tư an toàn như vàng sẽ hút được dòng tiền với mục đích trú ẩn, giảm rủi ro.
- Ông có lời khuyên gì cho NĐT trong bối cảnh TTCK đang chịu nhiều yếu tố tác động hiện nay, và họ có nên mua vàng ở thời điểm này?
- Theo tôi, NĐT ngắn hạn vẫn có thể lướt sóng nhóm cổ phiếu (CP) đang được hưởng lợi như như năng lượng, hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu, công nghệ, tài chính...
Tuy nhiên, nên chia danh mục ra và bổ sung những CP phòng thủ, có yếu tố nền tảng. Đồng thời, hạn chế tối đa việc vay mượn, margin vào lúc này. Với những NĐT trung, dài hạn, đây chính là thời điểm cơ cấu danh mục đầu tư vào những mã CP có nền tảng tốt để nắm giữ dần.
Phương pháp nên sử dụng là bình quân giá chi phí đầu tư theo thời gian (DCA), thay vì "tất tay" hay sử dụng đòn bẩy tài chính (margin). Không thể kỳ vọng thị trường không có biến động, nhưng chúng ta có thể tự đào tạo bản thân và xây dựng chiến lược đầu tư linh hoạt cho các thời kỳ khác nhau của thị trường. Khi đó, sẽ không còn bị sự biến động của thị trường, những đội nhóm lừa đảo làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tài chính của mình.
Thời điểm này NĐT cá nhân không nên mua vàng nếu có ý định chỉ nắm giữ trong ngắn hạn. Cần lưu ý chênh lệch giá vào những thời điểm thị trường nóng đều được nới rộng ra rất nhiều.
Với giá mua bán và cả chênh lệch với thế giới hiện đã lên tới 12-13 triệu đồng/lượng, việc nắm giữ trong ngắn hạn lại càng rủi ro. Do đó, NĐT nếu không có ý định nắm giữ dài hạn và có dự định mua mới chỉ nên có tỷ trọng nhất định.
Tùy vào độ tuổi và sự chịu đựng rủi ro NĐT chỉ nên phân bổ tỷ lệ đầu tư vào vàng 10-50%. Đặc biệt, NĐT không nên sử dụng tiền vay để mua vàng hoặc chỉ nắm giữ hầu hết là vàng trong danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên, NĐT đã mua ở mức giá thấp trước các đợt biến động gần đây có thể giữ thêm 1-2 năm.
- Ông nhận định thế nào về xu hướng bán ròng của khối ngoại trong thời gian tới?
- Theo tôi, xu hướng này sẽ khó thay đổi, NĐT nước ngoài vốn có truyền thống bán ròng 2 năm qua trong ngắn hạn, khi tình hình thế giới ngày càng bất ổn hơn việc mua ròng của họ cũng khó ổn định. Các NĐT tổ chức lại càng đặc biệt thận trọng hơn, do đó khó kỳ vọng họ có thể giải ngân mạnh trở lại trong thời gian tới.
Chiến lược của khối ngoại ở thời điểm hiện tại và trong thời gian tới vẫn là tái cơ cấu đầu tư. Chẳng hạn, họ sẽ chuyển tiền sang những nhóm ngành an toàn, phòng thủ, phục vụ thiết yếu và xả bớt những nhóm rủi ro.
- Xin cảm ơn ông.
Cuộc chiến rồi sẽ kết thúc nhưng hậu quả của nó với kinh tế còn lâu dài, trong bối cảnh các NHTW đang chạy đua tăng lãi suất cũng như thắt chặt tiền tệ. |