Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn

(ĐTTCO) - Theo giới phân tích, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản trầm lắng, thì kênh chứng khoán vẫn là lựa chọn hàng đầu hiện nay.

Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn

Các yếu tố hỗ trợ

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 đợt giảm lãi suất điều hành trong nửa đầu năm 2023, đánh dấu sự đảo chiều chính sách tiền tệ trong nước nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Lãi suất hạ nhiệt là thông tin tích cực đối với CK, bởi nó giúp giảm chi phí cơ hội khi đầu tư và giảm áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp niêm yết.

Cũng trong năm 2023, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, bao gồm: Nghị định 12/2023/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp giữ lại một phần tiền thuế trong thời gian nhất định để bổ sung nguồn vốn kinh doanh; Nghị định 44/2023/NĐCP về giảm thuế VAT từ 10% còn 8% đối với một số loại hàng hóa và dịch vụ; Nghị định 41/2023/NĐ-CP giảm 50% thuế trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước; Nghị định 24/2023/NĐ-CP về tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Các chính sách tài khóa đang được triển khai sẽ có tác động tích cực tới cầu tiêu dùng trong nước, qua đó cải thiện kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp đang niêm yết như xây dựng hạ tầng, sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ và đóng góp vào sự phục hồi chung của nền kinh tế.

Đáng chú ý, kênh trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng sôi động hơn trong năm 2023, do Chính phủ tích cực đi vay để tài trợ cho chính sách tài khóa mở rộng. Trong thời gian tới, kênh TPCP sẽ hấp dẫn dòng vốn đầu tư của các định chế tài chính, nhà đầu tư (NĐT) tổ chức nhờ xu hướng lãi suất giảm và thanh khoản cải thiện.

Tiền gửi tiết kiệm xuống thấp sẽ kéo dòng tiền dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng mức lợi suất cao hơn. Xu hướng này đã dần rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024, giới đầu tư CK đón thêm nhiều thông tin vĩ mô tích cực. Đầu tiên là hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục ghi nhận sự phục hồi tích cực với kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 5,4%.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự phục hồi tích cực trong nửa đầu tháng 1, với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 29,79 tỷ USD (tăng 5,4%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 15,09 tỷ USD (tăng 4,1%), kim ngạch nhập khẩu đạt 14,07 tỷ USD (tăng 6,8%).

Nhờ đó thặng dư thương mại đạt 0,38 tỷ USD. Như vậy, kể từ tháng 9-2023 đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi rõ rệt.

Điểm sáng kế tiếp là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính đến ngày 20-1, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của NĐT nước ngoài đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, trong tháng 1-2024 có 190 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 24,2%) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD (tăng 66,9%). Sự tăng mạnh về số dự án cùng sự xuất hiện của dự án quy mô lớn (hơn 600 triệu USD), là một trong những nhân tố chính thúc đẩy FDI tăng mạnh.

Cùng với xu hướng tích cực của vốn đăng ký, vốn giải ngân cũng rất khả quan khi các NĐT nước ngoài giải ngân được 1,48 tỷ USD (tăng 9,6%).

CK không còn rủi ro giảm sâu

Để dự báo về CK 2024, chuyên gia phân tích của VinaCapital là Michael Kokalari, dẫn giải về diễn biến của thị trường trong năm vừa qua. Theo đó, thông tin lãi suất huy động giảm cùng với các biện pháp Chính phủ đã áp dụng để hỗ trợ thị trường TPDN trong nước vào tháng 3-2023, đã khiến cho TTCK tăng tới mức 25% (so với đầu năm) trong vòng 6 tháng tiếp đó, mặc cho nền kinh tế vẫn còn yếu trong giai đoạn đó.

Đến tháng 9-2023, NHNN đã siết chặt chính sách tiền tệ khi tiền VNĐ mất giá 4% (so với đầu năm), khiến cho VN Index điều chỉnh giảm 16%. Tuy nhiên, với việc VN Index kết thúc năm 2023 với mức tăng 12% (tính bằng VNĐ) và 9% (tính bằng USD), là tín hiệu khả quan cho TTCK năm 2024.

Từ diễn biến của năm 2023, chuyên gia phân tích Michael Kokalari, cho rằng lãi suất sẽ ổn định trong năm 2024 và NĐT sẽ tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận và định giá CP. Điều này sẽ hỗ trợ cho đà tăng giá CP. Theo đó, lợi nhuận của các công ty niêm yết sẽ phục hồi từ không tăng trưởng trong năm 2023 lên mức tăng trưởng 10-15% trong năm 2024.

Thêm vào đó, định giá rẻ của thị trường và một vài yếu tố hỗ trợ khác sẽ thúc đẩy thị trường tăng vào đầu năm 2024. Cụ thể, việc triển khai hệ thống giao dịch KRX mới trong quý I sẽ giúp giải quyết một số vấn đề kỹ thuật, có thể giúp Việt Nam được nâng hạng từ “thị trường cận biên” lên “thị trường mới nổi” bởi FTSE Russell trong khoảng thời gian cuối năm.

Thêm nữa, sự tăng trưởng yếu của nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp vào nửa đầu năm 2023, có thể sẽ dẫn đến mức lợi nhuận tăng vọt của các công ty trong cùng kỳ 2024.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã tăng đều trong suốt năm 2023, gấp đôi từ mức tăng 3,3% so với cùng kỳ trong quý I lên mức tăng 6,7% trong quý IV. Sự tăng trưởng này là đáng khích lệ, vì đồng nghĩa với việc phục hồi kinh tế đang trên đà và tăng trưởng thấp trong giai đoạn đầu năm 2023 sẽ tạo ra những mức lợi nhuận tăng vọt của các công ty trong cùng kỳ 2024 và sẽ thu hút sự chú ý của NĐT đến CK.

Dù dự báo lợi nhuận của các công ty niêm yết sẽ phục hồi, nhưng theo ông Michael Kokalari, lợi nhuận giữa các ngành sẽ có khác biệt lớn. Thí dụ, lợi nhuận của các công ty tiêu dùng niêm yết đã giảm hơn 20% năm ngoái do người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu ít hơn, có thể sẽ tăng hơn 30% năm nay khi tâm lý và chi tiêu hồi phục. Tương tự, lợi nhuận của các nhà phát triển BĐS có thể phục hồi từ mức giảm 50% năm ngoái lên mức tăng hơn 100% năm nay, nhờ sự hồi phục của thị trường BĐS.

Dự báo về nhóm ngành trong năm 2024, các chuyên gia từ CTCK VNDirect (VNDS), khuyến nghị NĐT có thể gia tăng tỷ trọng CP khi mặt bằng lãi suất trong nước đã hạ nhiệt rõ nét. Các nhóm ngành thường có hiệu suất tốt trong giai đoạn đầu lãi suất hạ nhiệt gồm: tài chính, công nghệ, công nghiệp, vật liệu xây dựng và tiêu dùng thiết yếu.

Bên cạnh đó, NĐT cần ưu tiên nắm giữ nhóm CP hưởng lợi từ đầu tư công như: xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, cảng hàng không, BĐS khu công nghiệp. NĐT cũng cần đưa vào danh sách theo dõi và sẵn sàng nâng tỷ trọng với nhóm CP được hưởng lợi rõ nét từ chính sách giảm thuế VAT như: tiêu dùng, bán lẻ, thực phẩm, đồ uống.

Các tin khác