Chứng khoán Việt “thấm đòn” từ rủi ro ngoại biên

(ĐTTCO) - Những hy vọng về việc giảm áp lực lạm phát khiến Fed mềm mỏng hơn trong việc tăng lãi suất, đã tạo nên nhịp phục hồi khá rõ nét của chứng khoán toàn cầu cũng như Việt Nam trong tháng 7 và tháng 8. 
Tuy nhiên, cú sốc mới trong vài ngày qua với số liệu lạm phát lõi của Mỹ vẫn tăng bất chấp giá dầu giảm, lại khiến nỗi ám ảnh quay lại. Mặc dù các số liệu vĩ mô của Việt Nam tiếp tục rất tích cực, nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước lại đang chao đảo trước các biến số ngoại biên.
Sức đề kháng có giới hạn
Số liệu lạm phát tháng 8 của Mỹ mới công bố ngay trước thềm cuộc họp của Fed trong tháng 9 phát đi tín hiệu đáng lo ngại. Các định chế đầu tư hàng đầu thế giới lẫn các nhà kinh tế học đều đang lên tiếng cảnh báo về áp lực lạm phát sẽ còn tăng nữa với vòng xoáy giá cả và tiền lương, thậm chí có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2023.
Trong khi tại Việt Nam lại trái ngược, khi động lực tăng trưởng sản xuất vẫn tiếp tục với tháng thứ 11 liên tiếp, chỉ số PMI trên 50 điểm; xuất khẩu tháng 8 tăng 22,1% so với cùng kỳ; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 0,8% trong tháng 8; CPI chỉ tăng 2,9% trong tháng 8 so với cùng kỳ. Dự báo tăng trưởng GDP quý III và cả năm 2022 vẫn được duy trì rất cao.
Yếu tố nội tại lạc quan trên đã tạo sức đề kháng nhất định, giúp TTCK Việt Nam điều chỉnh trễ một nhịp so với thế giới: VN Index đạt đỉnh vào cuối tháng 8-2022 và chỉ thực sự điều chỉnh từ ngày 7-9. Trong khi đó chỉ số S&P500 đại diện TTCK Mỹ đạt đỉnh từ 16-8 và giảm liên tục cho đến nay với biên độ -10,4%, trong khi VN Index giảm khoảng 6,8%.
Tuy vậy sức đề kháng cũng có giới hạn, TTCK Việt Nam đang phản ánh rõ hơn những áp lực từ rủi ro ngoại biên, mà trước mắt từ đợt tăng lãi suất tháng 9 và các tháng cuối năm 2022 của Fed có thể mạnh hơn thị trường kỳ vọng.
Cụ thể, áp lực tăng giá đồng USD đang đè nặng lên VNĐ, và để giữ được tỷ giá tương đối ổn định trong nhiều tháng qua đã có sự hy sinh nhất định về ngoại tệ. Báo cáo vừa công bố của Công ty Chứng khoán ACB ước tính, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính chỉ còn 89 tỷ USD.
Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay liên tục trong kỳ tháng 9 và các tháng kế tiếp, sức ép này sẽ tiếp tục gia tăng. Điều này lại được “tiếp tay” bởi rủi ro các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU và Mỹ giảm tăng trưởng, thậm chí suy thoái, có thể khiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm.
Chứng khoán Việt “thấm đòn” từ rủi ro ngoại biên ảnh 1 Diễn biến tỷ giá USD/VNĐ từ đầu năm 2022. Cặp giá mua vào và bán ra của ngân hàng thương mại cho thấy đà tăng giá của USD dù vẫn trong biên độ trần/sàn của Ngân hàng Nhà nước. Nguồn Wichart
TTCK đang chiết khấu rủi ro dài hạn
Mặc dù gần đây liên tiếp có những đánh giá dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn rất tích cực trong năm 2022, cũng như lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng trong khoảng 20-25%, nhưng TTCK thực tế lại không nhìn vào các con số trước mắt. Lợi nhuận doanh nghiệp có thể vẫn cao theo con số hiện tại nhưng là do có lợi thế từ đầu năm. Tăng trưởng lợi nhuận các quý cuối năm đang giảm dần và sang năm 2023 có thể gặp khó khăn. 
Mặt khác, TTCK cũng đang “mắc kẹt” trong cuộc chiến chống lạm phát nhập khẩu như mới nói ở trên. Và để giữ cho đồng nội tệ không bị mất giá dưới áp lực tăng lãi suất khắp nơi trên thế giới, thì câu chuyện tăng trưởng tín dụng sẽ phải “hy sinh”.
Không phải ngẫu nhiên TTCK lại điều chỉnh mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước phân bổ “room” tín dụng hồi đầu tháng 9 này. Thực ra TTCK nhận ra rằng “miếng bánh” tín dụng đã không to thêm, mà chỉ được “cấu” từ chỗ này sang chỗ khác. Minh chứng là cổ phiếu ngân hàng lập tức lao dốc không phanh khi nhà đầu tư lo ngại dư địa tăng trưởng lợi nhuận sụt giảm.
Khả năng cho vay từ kênh ngân hàng bị giới hạn cũng sẽ khiến các dòng tiền bị rút mạnh hơn từ tất cả các kênh khác, mà TTCK là tiêu biểu. Doanh nghiệp lớn nhỏ sẽ không còn tiền nhàn rỗi để bỏ vào chứng khoán như giai đoạn 2020 tới đầu 2022 nữa.
Có thể thấy thanh khoản trên TTCK đang sụt giảm cực mạnh khi một phần tiền đổ ngược lại sản xuất, một phần được rút ra trả nợ trái phiếu doanh nghiệp trước hạn và một phần bị hút vào khối lượng cổ phiếu khổng lồ mới phát hành ào ạt trong 2 năm qua. Từ chỗ giao dịch trung bình liên tục 35.000-40.000 tỷ đồng/ngày, hiện chỉ còn loanh quanh 10.000-15.000 tỷ đồng/ngày.
Ngày 21-9 Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản có thể là tin xấu cuối cùng trong ngắn hạn, nhưng đó chỉ là một bước đi mới của rủi ro ngày càng cao hơn trong cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu. Thông điệp của Fed vẫn là kiên quyết kiềm chế lạm phát bất chấp “đau thương”, nghĩa là tốc độ tăng sẽ còn tương đương mức này trong các lần kế tiếp.
Vì vậy nhìn vào dài hạn, TTCK Việt Nam đã đạt đỉnh của chu kỳ tăng trưởng “bull-market” vào đầu tháng 4-2022 sau khi VN Index đã tăng 131% kể từ điểm khởi đầu chu kỳ là đáy tháng 3-2020. Chu kỳ suy thoái “bear-market” luôn đi kèm với các rủi ro vĩ mô, kéo dài hàng năm và chỉ kết thúc khi các rủi ro được giải tỏa, chẳng hạn căng thẳng địa chính trị chấm dứt làm giảm giá nhiên liệu và hàng hóa cơ bản, chuỗi cung ứng được hàn gắn...
Trong chu kỳ đi xuống dài hạn đó, vẫn có các nhịp tăng ngược chiều nhưng đó chỉ là phản ứng ngắn hạn hoặc trung hạn, chứ không thay đổi được xu thế chính nếu các động lực của nó chưa thay đổi. 
TTCK Việt Nam đang phản ánh rõ hơn những áp lực từ rủi ro ngoại biên, mà trước mắt là đợt tăng lãi suất tháng 9 và các tháng cuối năm 2022 của Fed có thể mạnh hơn thị trường kỳ vọng.

Các tin khác