Chung sức chăm lo tết cho công nhân: Cú sốc kép cuối năm

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh sau 2 năm chống chọi vượt qua đại dịch Covid-19, người lao động (NLĐ) đã không còn tích lũy, việc bị bồi thêm cú sốc mất việc, giảm việc ngay khi tết cận kề đang khiến bao nỗi lo toan chồng chất.
Chị Phạm Thị Tem (tạm trú huyện Củ Chi, TPHCM) lo lắng khi mất việc gần tết Ảnh: NGÔ BÌNH
Chị Phạm Thị Tem (tạm trú huyện Củ Chi, TPHCM) lo lắng khi mất việc gần tết Ảnh: NGÔ BÌNH

Đảo chiều bất ngờ

Sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, bước sang năm 2022, chị Phạm Thị Tem (quê Cà Mau) và hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TPHCM) hối hả làm lụng. Đơn hàng dồn dập, đầu năm, DN còn bỏ nhiều chi phí để tuyển thêm 1.500 công nhân. Không khí sản xuất lúc đó rất gấp rút, việc làm không xuể. Nhưng, tình thế đảo ngược hoàn toàn vào quý 4. Đơn hàng giảm đột ngột vào tháng 10, đến đầu tháng 11, DN bất ngờ thông báo cho nghỉ việc hơn 1.400 NLĐ, trong đó có chị Tem, người đã gắn bó gần 10 năm với DN. “Trước kia, lương trung bình của tôi khoảng 8 triệu đồng/tháng, tằn tiện chi tiêu cũng còn một khoản gửi về quê nhờ ngoại lo cho con ăn học. Cuối năm định tăng ca có thêm tiền về quê mà giờ mất việc khi tết cận kề, mọi dự định tan tành cả, quá sốc”, chị Phạm Thị Tem chia sẻ. Hơn một tháng qua, chị Tem phải đi làm thời vụ nhiều việc khác nhau từ rửa chén đến hái ớt để kiếm sống qua ngày.

Cũng rơi vào cảnh thất nghiệp khi gần tết, sau khi Công ty TNHH May Sun Kyoung Việt Nam (quận 12, TPHCM) giải thể, chị Giang Kim Châu (quê Trà Vinh) đành làm thời vụ là tỉa lá cho vườn hoa ở quận 12, tiền công 25.000 đồng/giờ. Buổi tối, chị nhận cắt chỉ gia công cho một cơ sở may khác để kiếm thêm thu nhập. “Nghĩ đến tết lại rầu, cũng là về quê đón tết nhưng sao ê chề quá”, chị Châu chua xót.

Theo Tổng cục Thống kê, DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trên cả nước tăng 33,2%, gấp gần 1,5 lần DN rút lui khỏi thị trường; tổng số lao động đăng ký của các DN tăng 15,9%. So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân của NLĐ quý 3-2022 tăng 30,1%, tương ứng tăng 1,6 triệu đồng. “Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay, bên cạnh các DN tiếp tục sản xuất, kinh doanh tốt, tuyển dụng thêm NLĐ, đã xảy ra tình trạng nhiều DN ở các ngành nghề, địa phương, đặc biệt là ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử... gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng dẫn đến hàng trăm ngàn NLĐ bị giảm giờ làm, mất việc làm”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phác thảo bức tranh và đánh giá “đây là vấn đề lớn, rất đáng quan tâm vì ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận NLĐ và gia đình họ”.

Cùng cầm cự

Đang thời điểm cuối năm nhưng hoạt động tại Nhà máy ống thép Hòa Phát (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) khá vắng vẻ, chỉ 10 NLĐ làm việc cầm chừng. Ông Bùi Tấn Hữu, Giám đốc Nhà máy ống thép Hòa Phát, cho biết, nguyên vật liệu nhập từ châu Âu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chiến sự Nga - Ukraine. Lúc trước, nguyên liệu nhập khoảng 7-8 tuần là có hàng thì hiện nay phải mất 5-6 tháng mới về đến Việt Nam. Không những thế, chi phí tăng 20-30% gây sức ép lên DN. 3 tháng cuối năm, nhà máy phải giảm 60% công suất. Theo ông Bùi Tấn Hữu, áp lực lớn nhất của nhà máy hiện giờ là duy trì công việc của NLĐ, để công nhân gắn bó với DN. Bởi nếu công nhân thất nghiệp, không có thu nhập, họ sẽ rời bỏ DN, sau này đơn vị lại phải tuyển dụng mới và phải mất chi phí đào tạo. Vì vậy, nhà máy bố trí cho 520 NLĐ làm việc cầm chừng, 50% NLĐ luân phiên nghỉ việc trong 1 tuần.

Thiếu đơn hàng từ nhiều tháng qua nên Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng (TP Đà Nẵng) từ cao điểm 1.200 NLĐ đã không còn đủ việc làm cho 500 NLĐ, đành phải ngừng hoạt động. Chị Huỳnh Xuân Phương (46 tuổi, ngụ quận Liên Chiểu, công nhân công ty) kể, tình hình “quay xe” rất nhanh. Trước đó, mỗi tháng chị được nhận 1,4 triệu đồng tiền thưởng tăng thêm. Cách đây 2 tháng, số tiền rớt còn… 200.000 đồng/tháng và tổng thu nhập của chị Phương chỉ 5 triệu đồng/tháng. NLĐ rất thấu hiểu tình cảnh DN, dù lương thấp vẫn gắng bám trụ, nào ngờ công ty giải thể. Chị Phương chạy khắp nơi tìm việc nhưng bị từ chối vì đa phần chỉ nhận người dưới 35 tuổi. Chị Phương ráng ở lại ít hôm để lấy sổ bảo hiểm rồi về quê...

Bỏ phố về quê

Tại Bình Dương và Đồng Nai, nhiều NLĐ đã và đang tính đường về quê nghỉ tết sớm. Nhiều công nhân cho biết, gọi là nghỉ tết cho dễ nghe, chứ thực ra là mất việc hoặc giảm việc dẫn tới lương thấp, không còn sức bám trụ ở đô thị.

Chúng tôi ghé một khu trọ gần 30 phòng trên địa bàn phường Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, thấy có hơn 10 phòng trống không, công nhân đã trả phòng từ tháng 11 để về quê do công việc bấp bênh. Với người ở lại, lòng cũng rối bời. Chị Tăng Thị Trúc Ly (27 tuổi, công nhân Công ty Premier Global Việt Nam) kể, từ tháng 7-2022 đến nay, công ty thiếu đơn hàng nên việc lúc có lúc không, thu nhập mỗi tháng chỉ hơn 5 triệu đồng, giảm gần một nửa. Với mức thu nhập này, thực sự rất khó ở lại đô thị.

Trong khu trọ hơn 30 phòng trên đường Bùi Văn Hòa thuộc phường Long Bình (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), mới 9 giờ sáng, chị Phạm Thị Tuyết Lan (30 tuổi, ngụ TP Biên Hòa), công nhân Công ty Chang Shin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), đã rời nhà máy trở về phòng trọ vì hết việc. Pha vội gói mì tôm ăn cầm cự, chị Lan cho hay, hơn 3 tháng nay, mức lương chỉ còn 5 triệu đồng/tháng, giảm một nửa. “Chồng tôi đã nghỉ làm công nhân, chuyển sang chạy xe ôm, bán hàng online để trang trải tiền trọ, tiền ăn, tiền gửi về quê lo học phí cho con”, chị Lan tâm sự và cho biết nếu tình trạng này tiếp diễn, vợ chồng sẽ về quê tìm việc làm.

Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Hệ lụy rất lớn, khó khăn vắt qua năm 2023

Tình trạng DN bị cắt giảm đơn hàng, NLĐ bị mất việc, giảm việc để lại hệ lụy rất lớn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đến gần. Sau 2 năm chống chọi với đại dịch, NLĐ đã không còn tích lũy, việc chịu thêm cú sốc về việc làm và thu nhập sẽ “đánh gục” không ít NLĐ, đặc biệt là lao động yếu thế. Tình hình sản xuất, kinh doanh của DN còn gặp khó khăn, đơn hàng tiếp tục bị cắt giảm có thể đến hết quý 1, thậm chí quý 2-2023. Dự kiến, sẽ có 667 DN tiếp tục giảm giờ làm của 271.736 NLĐ và 88 DN cắt giảm 15.769 NLĐ trong vài tháng tới.

Ông CHU MẠNH SINH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Gia tăng rút BHXH một lần

Nhiều DN cắt giảm giờ làm, cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng, nên tình trạng NLĐ đổ xô đăng ký thủ tục rút BHXH một lần gia tăng thời gian gần đây. Năm 2022, ước khoảng 895.500 NLĐ rút BHXH một lần, tăng 3,7% so cùng kỳ. Đời sống của NLĐ gặp nhiều khó khăn, có trường hợp chỉ biết trông chờ vào tiền rút BHXH một lần, bất chấp sẽ mất lương hưu trông cậy lúc tuổi già.

Các tin khác