Theo báo cáo "Khủng hoảng và chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi" do Deloitte vừa công bố, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh một số hành động nhất định. Những dữ liệu từ báo cáo cho thấy có 69% các doanh nghiệp được khảo sát cho biết đại dịch đã thúc đẩy đáng kể quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong doanh nghiệp của họ. Điều này không chỉ châm ngòi mà còn làm bùng nổ tốc độ áp dụng công nghệ.
Có 61% các doanh nghiệp mong đợi hình thành các quan hệ đối tác và liên minh mới. 60% doanh nghiệp được hỏi tin rằng chuỗi cung ứng cần được thiết kế lại do hậu quả trực tiếp của đại dịch.
Nói riêng về chuỗi cung ứng, báo cáo cho thấy nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các mạng lưới cung ứng gắn kết hơn, không chỉ xem xét đến tính hiệu quả mà còn tính tới khả năng phục hồi và nguồn dự phòng khi có bất trắc xảy ra.
Doanh nghiệp phân tích sự phụ thuộc lẫn nhau của chuỗi cung ứng, từ đó đầu tư vào chuỗi cung ứng kỹ thuật số, giúp có thể lường trước, phán đoán và phản ứng tốt hơn với những thay đổi bất ngờ.
Deloitte nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp tư nhân đang trong quá trình xây dựng khả năng phục hồi, đều tập trung vào 7 yếu tố chính, gồm chiến lược, tăng trưởng, vận hành, công nghệ, lực lượng lao động, nguồn vốn và xã hội.
Theo ông Bùi Tiến Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Deloitte Private - Deloitte Việt Nam: "Từ kết quả của báo cáo và theo quan sát của chúng tôi, có nhiều điều điểm tương đồng giữa cách mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam xác định lại ưu tiên, và hành động trong giai đoạn này".
Ông Minh lấy ví dụ các nhà lãnh đạo đều cho rằng mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này, là phải nâng cao năng suất lao động và họ tin là việc này có thể thực hiện tốt.
Về việc chuyển đổi số, tuy là chỉ là ưu tiên thứ hai trong giai đoạn này, nhưng sẽ là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu và sẽ không còn là sự lựa chọn của doanh nghiệp nếu muốn tăng trưởng.
Tại Việt Nam, việc thực hiện chuyển đổi số ở phần lớn các doanh nghiệp mới đang dừng ở mức chuyển đổi nhận thức. Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc chuyển đổi số gặp nhiều trở ngại, do thách thức về công nghệ và ngân sách dành cho việc chuyển đổi số.
Tuy nhiên, Deloitte Việt Nam cho rằng qua kinh nghiệm tư vấn của mình, những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công thường bắt đầu từ việc thay đổi tư duy của lãnh đạo. Tiếp đến là xây dựng cơ sở hạ tầng (như xây dựng quy trình vận hành, quy chế doanh nghiệp), đào tạo nhân sự. Công nghệ là yếu tố tính đến cuối cùng.
Cũng theo báo cáo lần này của Deloitte, các rủi ro liên quan đến Covid-19 là những mối quan tâm hàng đầu trong 12 đến 36 tháng tới, trong đó nhóm doanh nghiệp quan ngại nhất đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Những rủi ro do đại dịch có thể bao gồm sức khỏe của nhân viên, khả năng vận hành từ xa, đứt gãy chuỗi cung ứng, khả năng phục hồi kinh doanh.
Theo đánh giá của ông Ivan Phạm, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ quản trị rủi ro Deloitte Việt Nam, trong bối cảnh chung về quản trị rủi ro ở Việt Nam, đa số các doanh nghiệp đang làm theo góc độ kinh nghiệm và tự phát, chưa có cơ chế, phương pháp luận để đánh giá, xử lý giám sát tất cả những rủi ro.
Báo cáo "Khủng hoảng và chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi" là báo cáo thứ ba của Deloitte trong năm nay về thị trường doanh nghiệp tư nhân trên toàn cầu. Báo cáo đã chỉ ra việc nhiều doanh nghiệp tư nhân tin họ trở nên kiên cường hơn sau đại dịch, bất chấp những thách thức to lớn trên thị trường trong năm qua.
Báo cáo lần này của Deloitte cũng cho thấy những người tham gia khảo sát ở tất cả khu vực đều cho rằng, tài trợ của Chính phủ để bù đắp các tác động của đại dịch đến nền kinh tế là hình thức hỗ trợ quan trọng nhất, để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng.