Chuỗi cung ứng thực phẩm gặp khó thời Covid-19

(ĐTTCO) - Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng khó khăn với hàng chục triệu người mất việc. Cộng đồng dân cư nhiều khu vực trên thế giới, nhất là những cư dân đô thị, chiếm hơn một nửa dân số thế giới đang gặp không ít khó khăn liên quan việc cung ứng thực phẩm do biên giới nhiều nước đóng cửa.

Các nước Tây Âu thiếu hụt trầm trọng nhân lực trong nông nghiệp

Các nước Tây Âu thiếu hụt trầm trọng nhân lực trong nông nghiệp

Các đô thị lớn dễ bị tổn thương

GS Chris Chris Elliot tại Đại học Queen ở Belfast (Bắc Ireland) trong bài viết đăng trên Twitter cho rằng, sự gián đoạn lớn của hệ thống cung cấp thực phẩm toàn cầu sẽ xảy ra do đại dịch Covid-19. Vào giữa tháng 3, đại dịch gia tăng ở hầu hết các quốc gia khiến xảy ra tình trạng tranh nhau mua và tích trữ thực phẩm ở một số nơi càng đẩy tình hình cung ứng thêm căng thẳng. Đến đầu tháng 4, FAO cho biết hệ thống phân phối thực phẩm toàn cầu vẫn đang vận hành tốt, các loại thực phẩm cơ bản như gạo, ngũ cốc, bánh mì và rau quả cơ bản được cung cấp tốt và giá cả thấp.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đối với các quốc gia công nghiệp lớn, nơi có dân cư tập trung đông ở các trung tâm đô thị, chuỗi cung ứng thực phẩm có thể dễ bị tổn thương hơn. Đối với các nền kinh tế nặng về nông nghiệp, chuỗi cung ứng có xu hướng ngắn và đơn giản sẽ ít gặp khó khăn hơn. Chưa kể nhiều quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp đã hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu nông sản để đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong nước. Hàng loạt nước đã ngừng xuất khẩu gạo và mới nhất là Nga, nhà sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới, đã ngưng xuất khẩu các loại ngũ cốc chế biến như kiều mạch, gạo và bột yến mạch.

Tây Âu đưa người từ thành thị đến nông trại

Hiện khắp Tây Âu đang khốn khổ tìm nhân công cho ngành nông nghiệp sau khi biên giới giữa các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đóng cửa đã bóp nghẹt dòng lao động nước ngoài. Theo Washington Post, vào thời điểm này, EU đang đối mặt với thiếu hụt trầm trọng lao động nông nghiệp từ làm đồng đến các khâu thu hoạch, lưu trữ và phân phối nông sản bởi các trang trại trên khắp Tây Âu phụ thuộc nặng nề vào lao động đến từ Đông Âu. Măng tây ở Đức bắt đầu thối rữa trên đồng và dâu tây Pháp cũng chung số phận vì không có người thu hoạch. Các nước châu Âu cho biết hiện có đủ thực phẩm tồn kho nhưng lo ngại nếu đại dịch kéo dài, tình hình sẽ khó khăn hơn.

Một số quốc gia đang cố gắng huy động người dân chuyển sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Các nhà lãnh đạo Pháp đã kêu gọi người dân tại các thành phố đến vùng nông thôn làm việc. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Didier Guillaume tuần trước kêu gọi phong trào đoàn kết quốc gia để duy trì cung ứng thực phẩm. Ông cho biết các trang trại của Pháp đang thiếu 200.000 nhân công và yêu cầu nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, tiếp tân trong khách sạn, tiệm làm tóc và những người đang nghỉ việc đăng ký làm việc ở trang trại. Chính phủ Tây Ban Nha, Bỉ, Italy và Anh cũng đưa ra các lời kêu gọi tương tự.

Cái khó là sự di chuyển ồ ạt lực lượng lao động từ thành thị về nông thôn sẽ phá hỏng quy định hạn chế ra khỏi nhà nhằm tránh lây lan Covid-19. Đức đã cấm sử dụng nhân viên thời vụ trong nông nghiệp vì lo ngại họ sẽ mang virus SARS CoV-2 tới các trang trại. Bộ Thực phẩm và Nông nghiệp Đức ước tính thiếu 300.000 nhân công làm nông nghiệp do quy định đóng cửa biên giới.

Tuy nhiên, xem ra do thiếu hụt lao động nông nghiệp nên Đức cũng đang tìm cách đưa người từ thành thị về nông thôn như các nước khác. Với việc các nhà hàng phải đóng cửa để hạn chế lây lan Covid-19, nông dân châu Âu có thể chuyển một số sản phẩm của họ vào siêu thị, giúp tránh khả năng thiếu hụt thực phẩm. Nhưng điều đó cũng đòi hỏi có thêm nhân công trong nhiều khâu khác.

Các tin khác