Biến đổi khí hậu cực đoan đã buộc các quốc gia phải có những cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, và đây cũng là nền tảng cho sự ra đời của kinh tế xanh. Điều này buộc các doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc.
Ông VŨ ĐỨC GIANG, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Nỗ lực giảm phát thải trong sản xuất
Ông Vũ Đức Giang |
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, các DN trong ngành dệt may Việt Nam đang nỗ lực rất lớn nhằm giảm phát thải trong sản xuất. Việc này đảm bảo tính tuân thủ của toàn ngành với COP26 mà Thủ tướng Chính phủ đã ký với các nước trên toàn cầu. Nỗ lực của các DN đang được cụ thể hóa trong từng hành động.
Nếu như trước đây các DN đốt nồi hơi bằng than, dầu, củi… thì nay hầu hết chuyển đổi sang sử dụng các sản phẩm nồi hơi bằng điện. Đây là một trong những nỗ lực lớn của DN, vì khi chuyển đổi thì chi phí sẽ tăng từ 14-15%.
Song hành với đó, các DN còn đảm bảo nhiệm vụ phát triển nguồn lực đi đôi với phát triển công nghệ nhằm đảm bảo khả năng thích ứng cho mục tiêu phát triển chung. Theo đó, việc đào tạo nguồn nhân lực đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các DN không chỉ muốn có được lực lượng lao động có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, còn phải có khả năng sử dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại.
Cùng với hạ tầng công nghệ, hạ tầng nhà xưởng cũng được DN rất quan tâm. Điều này không chỉ mang đến môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động (thông qua việc đầu tư hệ thống làm mát), mà còn giúp tuân thủ tốt các yêu cầu của Luật Môi trường (liên quan hệ thống xử lý nước thải)… Cuối cùng là để đáp ứng các yêu cầu của các nhãn hàng, từ đó DN mới có được đơn hàng.
Để hỗ trợ DN nhất là trong bối cảnh khó khăn về đơn hàng, cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các chính sách, quy định mới cần bám sát và phù hợp với hoạt động thực tế. Không nên đưa ra những quy định tạo áp lực tuân thủ lớn cho DN mà quy định phòng cháy chữa cháy mới là một thí dụ.
Cuối cùng không thể thiếu vai trò của các cơ quan truyền thông với những thông tin chuẩn xác và kịp thời để hỗ trợ tốt nhất cho DN và cả cơ quan quản lý nhà nước.
Ông VŨ MẠNH HÙNG, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn: Nguồn vốn cho sản xuất xanh rất lớn
Ông Vũ Mạnh Hùng |
Nằm trong kế hoạch giảm khí thải carbon theo hướng phát triển kinh tế xanh giai đoạn 2023-2030, Tập đoàn Hùng Nhơn chủ động hợp tác đầu tư với các tập đoàn lớn trên thế giới có thế mạnh về công nghệ. Đơn cử là việc Hùng Nhơn bắt tay liên doanh với Tập đoàn De Heus (Hà Lan), đầu tư xây dựng chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại các tỉnh Tây nguyên và Tây Ninh.
Tại các dự án này, chúng tôi áp dụng công nghệ chăn nuôi 4.0 xuyên suốt trong quá trình chăn nuôi, giúp kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi, tối ưu hóa hiệu suất; hệ thống giết mổ heo và sản xuất phân bón hữu cơ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các tổ chức quốc tế.
Hiện tất cả các dự án của Hùng Nhơn đều được ứng dụng công nghệ tiên tiến với quy trình khép kín từ con giống, thức ăn, cho đến chế biến giết mổ theo tiêu chuẩn ISO, Global GAP và các tiêu chuẩn chuyên ngành quốc tế khác.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững, gần như toàn hệ thống chuồng trại của chúng tôi đều sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, giúp giảm phát thải carbon so với việc sử dụng nguồn điện truyền thống.
Theo tôi để các DN có thể tham gia vào hành trình này, đi xa và đi sâu hơn nữa nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhiều thị trường nhập khẩu, rất cần sự hỗ trợ về lãi suất khi vay vốn, bởi kinh tế xanh đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư không hề nhỏ cho rất nhiều hạng mục.
Ông ĐẶNG QUỐC HÙNG, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi: Cần có quỹ hỗ trợ DN
Hiện nay nhiều thị trường nhập khẩu nhất là các thị trường lớn, khó tính như Mỹ hay châu Âu đều có những yêu cầu về sản xuất xanh, giảm phát thải với sản phẩm nhập khẩu. Vì thế, muốn xuất khẩu DN Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Tuy nhiên, phần nhiều các DN Việt vẫn bị hạn chế bởi quy mô nhỏ, nhân sự ít, nguồn vốn có hạn nên muốn đạt được các yêu cầu của các nhà nhập khẩu thực sự là thách thức lớn.
Có mấy điểm khó của DN mà tôi muốn nêu ở đây. Thứ nhất việc nắm bắt và hiểu rõ các yêu cầu của nhà nhập khẩu. Thứ hai, muốn sản xuất xanh, muốn giảm phát thải trước hết DN phải có vốn cải tiến trang thiết bị, công nghệ, nhưng vốn ở đâu.
Tất nhiên một bộ phận các DN lớn có đủ tiềm lực sẽ không bị khó trước các yêu cầu này. Do vậy cần có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước. Trước hết hỗ trợ để các DN nắm bắt rõ được các yêu cầu về giảm phát thải, về sản xuất xanh của Việt Nam nói riêng và của các nước trên thế giới nói chung.
Quan trọng nhất là Nhà nước cần có quỹ hỗ trợ để DN mạnh dạn đầu tư cải tiến công nghệ tiến đến sản xuất xanh, bởi từ hiểu đến bắt tay vào thực hiện cần có vốn. Quỹ này sẽ đưa ra các mức lãi suất ưu đãi phù hợp cho DN.