TS. Tô Xuân Phúc: 'Thuế carbon đặt ra thách thức mới cho doanh nghiệp Việt'

(ĐTTCO) - Biến đổi khí hậu cực đoan đã buộc các quốc gia phải có những cam kết về giảm phát thải khí nhà kính. Đây cũng là nền tảng cho sự ra đời tài chính xanh, trong đó tín chỉ carbon là thị trường nhiều tiềm năng

Chế biến cà phê.
Chế biến cà phê.
TS. Tô Xuân Phúc: 'Thuế carbon đặt ra thách thức mới cho doanh nghiệp Việt' ảnh 1

Trao đổi với ĐTTC, TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình chính sách thương mại lâm sản, Tổ chức Forest Trends (Mỹ), nhận xét biến đổi khí hậu (BĐKH) cực đoan đã buộc các quốc gia phải có những cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, và đây cũng là nền tảng cho sự ra đời tài chính xanh, trong đó tín chỉ carbon là thị trường nhiều tiềm năng. Điều này buộc các doanh nghiệp (DN) không thể đứng ngoài cuộc.

PHÓNG VIÊN: - Câu chuyện thuế carbon và thị trường tín chỉ carbon đã được các nước phát triển trên thế giới đề cập tới trong nhiều năm qua, hiện cũng là vấn đề đang “nóng” ở Việt Nam khi chúng ta đã có những cam kết ở cấp cao về vấn đề này. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

TS. TÔ XUÂN PHÚC: - Thuế carbon là công cụ đang được các nước, đặc biệt là những nước phát triển áp dụng. Việc sử dụng công cụ này có mục tiêu hạn chế các hoạt động sản xuất có mức phát thải cao. Đây là công cụ tốt để hạn chế phát thải ra môi trường, giảm tác động của BĐKH. Tuy nhiên, công cụ này vẫn còn một số tranh cãi, đặc biệt là tại các nước đang và kém phát triển, bởi giảm hoạt động phát thải có nghĩa hạn chế các hoạt động kinh tế.

Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Đạo luật Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) áp dụng từ ngày 1-10-2023. Mục tiêu của CBAM là chặn việc nhập khẩu hàng hóa có hàm lượng carbon cao hơn mức EU quy định từ các quốc gia bên ngoài khối, thông thường từ quốc gia chưa có các quy định chặt chẽ về hàm lượng carbon trong sản phẩm. Trước mắt, các nhóm mặt hàng nằm trong sự kiểm soát của CBAM, bao gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và khí hydrogen.

EU quyết định áp dụng CBAM chia làm 2 giai đoạn, gồm giai đoạn chuyển đổi từ ngày 1-10-2023 đến 1-1-2026. Trong giai đoạn này, các nhà nhập khẩu nhóm mặt hàng nêu trên từ các quốc gia bên ngoài EU cần khai báo phát thải khí nhà kính trong các hàng hóa nhập khẩu, nhưng chưa đánh thuế.

Trong giai đoạn chuyển đổi này, EU sẽ cân nhắc khả năng mở rộng các nhóm mặt hàng cần kiểm soát. Giai đoạn tiếp theo từ 1-1-2026, nhà nhập khẩu cần khai báo hàm lượng carbon trong sản phẩm nhập khẩu, cần tính chứng chỉ CBAM và phải trả tiền cho Chính phủ tại quốc gia trong EU, nơi hàng hóa được nhập khẩu.

Giá của chứng chỉ được xác định dựa trên mức giá carbon trung bình hàng tuần, theo hình thức đấu giá trong hệ thống “trao đổi hạn ngạch phát thải của EU” đang được vận hành. Dự kiến mức giá phải trả cho chứng chỉ CBAM sẽ ngày càng tăng.

- Cùng với CBAM, EU cũng đã thông qua quy định về chống mất rừng và suy thoái rừng (EUDR). Điều này sẽ tác động như thế nào đến DN xuất khẩu của Việt Nam, thưa ông?

- EUDR được EU thông qua vào tháng 12 năm ngoái và bắt đầu áp dụng vào quý II năm nay. Một trong những nội dung cốt lõi của EUDR là EU sẽ cấm các công ty nhập vào thị trường này các sản phẩm bất hợp pháp và gây mất rừng. Hiện 7 nhóm mặt hàng (và sản phẩm được làm từ mỗi nhóm này) chịu sự kiểm soát của EUDR, bao gồm dầu cọ, ca cao, cà phê, gỗ, cao su, thịt bò và đậu tương. Thời điểm EU đánh giá về mất rừng và suy thoái rừng có liên quan tới những hoạt động sản xuất các nhóm mặt hàng này là 31-12-2020.

Khi EUDR có hiệu lực, các công ty nhập khẩu và thương mại lớn của EU sẽ có 18 tháng để chuẩn bị, trong khi các nhà nhập khẩu có quy mô nhỏ có 24 tháng. Các công ty từ EU khi nhập khẩu cần đưa ra cam kết thực hiện trách nhiệm giải trình của họ.

Các cam kết này bao gồm thông tin chi tiết về tên công ty nhập khẩu, sản phẩm nhập khẩu, tên sản phẩm, ngày sản xuất, lượng nhập khẩu, địa điểm mảnh đất nơi hàng hóa được sản xuất, các bằng chứng về sự tuân thủ với các yêu cầu tại quốc gia sản xuất cũng như các yêu cầu từ EU, bằng chứng không liên quan tới mất rừng và suy thoái rừng.

Dựa vào những thông tin nêu trên, các nhà nhập khẩu thực hiện việc đánh giá rủi ro liên quan tới các khía cạnh tuân thủ, rủi ro trong vi phạm các quyền đối với người bản địa, rủi ro trong khâu sản xuất, tính phức tạp của chuỗi cung. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu cần cung cấp thông tin về các cơ chế mà họ áp dụng nhằm giảm thiểu các rủi ro đã được xác định.

Nếu các nhà nhập khẩu không hoàn thành các nghĩa vụ này sẽ không được phép mang hàng hóa vào EU. Trước mắt, Việt Nam có 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng nằm trong diện kiểm soát của EUDR, bao gồm gỗ, cà phê và cao su.

Một trong những đặc điểm quan trọng trong khâu sản xuất hàng hóa ở Việt Nam là nhỏ lẻ, manh mún, bởi chủ yếu do các nông hộ đảm nhận. Do đó, để đáp ứng các yêu cầu của EUDR, DN khi xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ nông hộ cần thu thập các thông tin, bằng chứng đầy đủ về diện tích, địa điểm, tình trạng pháp lý… của họ, trong khi nhiều hộ còn thiếu các thông tin này. Bên cạnh đó, việc thu thập các thông tin này đòi hỏi nguồn lực lớn từ DN. Đây là thách thức rất lớn cho DN Việt trong tương lai.

- DN Việt cần làm gì trước những thay đổi mới này, và việc tuân thủ quy định mới của EU sẽ mang lại cơ hội gì cho họ, thưa ông?

- EUDR là quy định quan trọng của EU nhằm mục tiêu chống mất rừng và suy thoái rừng, đặc biệt tại các quốc gia nhiệt đới. Hiện một số nước phát triển, bao gồm Mỹ, Canada và Anh cũng đang nghiên cứu mô hình này của EU, và rất có thể các quốc gia này sẽ áp dụng các cơ chế tương tự như EUDR. Điều này sẽ có tác động vô cùng lớn tới DN Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng nằm trong các quy định này nói riêng, cũng như tới toàn bộ chuỗi cung về các hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.

DN nên thu thập thông tin về chuỗi cung hiện tại của họ, đặc biệt thông tin từ các nông hộ sản xuất, để xác định tình trạng thực tế chuỗi cung của họ. Sau đó, DN nên tiếp cận và nghiên cứu kỹ các yêu cầu của EUDR, xác định các thuận lợi, khó khăn trong việc đáp ứng với các yêu cầu này.

Từ đó, DN đưa ra lộ trình cụ thể, huy động và tìm kiếm nguồn lực, tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan, nhằm đáp ứng các yêu cầu của EUDR. Mặt khác, việc tuân thủ các yêu cầu của EUDR sẽ giúp DN Việt duy trì và mở rộng thị trường trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông.

EUDR sẽ tác động lớn tới DN Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng nằm trong các quy định này nói riêng, cũng như tới toàn bộ chuỗi cung về các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Các tin khác