Điều đó cho thấy, việc nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch GPLX đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông. Và câu chuyện Bộ Công an hay Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm trong việc quản lý đào tạo, sát hạch GPLX cũng không nằm ngoài mục tiêu làm thế nào để hạn chế được tai nạn giao thông có nguyên nhân từ chất lượng tài xế.
Việc đặt vấn đề Bộ Công an hay Bộ GTVT quản lý đào tạo, sát hạch GPLX trong thời điểm hiện nay không phải không có lý. Việc tách thành 2 luật riêng biệt là Luật Bảo đảm an toàn giao thông và Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sẽ phân định cụ thể hơn trách nhiệm của các bên, trong đó ngành công an sẽ chịu trách nhiệm về lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông, quản lý người lái và phương tiện; còn ngành giao thông tập trung về đầu tư, phát triển hạ tầng, xây dựng cầu đường.
Việc chuyển sang Bộ Công an quản lý cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập trong công tác quản lý đào tạo sát hạch GPLX trong thời gian qua, có thể ngăn ngừa được những chuyện bi hài từng xảy ra như cụt chân, nghiện ma túy, đang bị truy nã, thậm chí đang thi hành án trong tù nhưng vẫn được cấp, đổi GPLX, hay việc trung tâm có phương tiện học lái cũ nát, giáo viên không đạt chuẩn vẫn đào tạo lái xe… Tuy nhiên, cần lường trước những hệ lụy của việc chia tách để tránh gây ra lãng phí nguồn lực xã hội và gây nên những rối loạn không nhỏ trong quá trình chuyển đổi.
Trong 1-2 năm trở lại đây, ngành GTVT đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó có việc biên soạn bộ giáo trình đào tạo lái xe sát hơn với thực tiễn, nội dung và số giờ học lái xe cung cấp đầy đủ kiến thức về pháp luật và kỹ năng cho người học. Dữ liệu quản lý người lái và phương tiện cũng đang được xây dựng theo hướng liên thông giữa các bộ ngành liên quan để thuận tiện cho công tác xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính trong thủ tục cấp, đổi GPLX trực tuyến cũng được người dân đánh giá cao. Nếu chuyển quyền quản lý sang Bộ Công an, những kết quả tích cực này cần được tiếp quản như thế nào? Thêm nữa, Bộ GTVT đã ban hành nhiều quy phạm pháp luật, như Thông tư 38, buộc các cơ sở đào tạo phải nâng tầm chất lượng.
Hiện cả nước có 328 cơ sở đào tạo lái ô tô và 121 trung tâm sát hạch lái xe. Các đơn vị đã và đang đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, cabin điện tử và thiết bị giám sát thời gian, quãng đường học. Công nghệ để nhận dạng và theo dõi các trung tâm sát hạch lái xe cũng đã lắp đặt camera giám sát đầy đủ để truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Nguồn lực mà các đơn vị bỏ ra đầu tư không nhỏ, nếu chuyển quản lý sang ngành công an thì việc khai thác các trung tâm này sẽ ra sao để không lãng phí nguồn lực xã hội, không tạo thêm áp lực cho ngành khi phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến bộ máy, nhân lực, kinh phí. Mặc dù trước đây ngành công an đã từng quản lý lĩnh vực này nhưng đã cách đây 25 năm, hiện nhu cầu xã hội rất lớn, việc đảm bảo chất lượng đào tạo sát hạch đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng nhân lực vật lực lớn.
Đặc biệt, người dân cũng có quyền đặt câu hỏi, khi Bộ Công an nắm quyền quản lý, liệu tiêu cực có còn xảy ra trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch GPLX, bởi trên thực tế, những tiêu cực trong xử lý vi phạm giao thông của ngành công an vẫn chưa được xử lý triệt để, còn gây bức xúc dư luận. Bên cạnh đó, người dân cũng rất quan tâm là mình sẽ được hưởng lợi gì sau khi chuyển đổi cơ quan quản lý? Bởi dù ngành giao thông hay công an chủ trì thì người dân cũng đều mong muốn công tác đào tạo, sát hạch GPLX được thay đổi tích cực, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và xu thế hội nhập quốc tế, xây dựng cơ cấu chi phí đào tạo hợp lý hơn, thuận lợi cho người dân hơn so với hiện tại. Và dù cơ quan nào quản lý, mục tiêu cuối cùng đạt được vẫn là phải giảm thiểu tai nạn giao có nguyên nhân từ chất lượng người lái.