Thừa thắng xông lên chăng…
Nông dân trúng mùa, lúa bán được giá, thị trường EU rộng mở với nhiều ưu đãi, các thị trường truyền thống tăng cầu một phần do ảnh hưởng dịch bệnh. Hơn 30 năm quay lại thị trường xuất khẩu gạo kể từ khi Nam kỳ lục tỉnh xưa đã từng tạo ra những thương hiệu gạo Sài Gòn xuất đi nhiều quốc gia, gạo Việt đang ở vị thế mới đáng trân trọng.
Tổng lượng gạo xuất khẩu 8 tháng năm 2020 ước đạt 4,5 triệu tấn, giảm 1,7% so cùng kỳ 2019, nhưng đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% giá trị. Giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao nhất trong 10 năm qua, cơ cấu gạo xuất khẩu từ chủ yếu gạo thô, chất lượng thấp sang gạo phẩm cấp cao, chất lượng tốt chiếm đa số.
TS. Trần Hữu Hiệp
Tâm lý phấn khởi cho rằng, nên phát động nông dân cố gắng cao nhất để phát triển sản xuất, tận dụng thời cơ, gia tăng diện tích, không sợ thừa, không sợ ế. Thực tế các địa phương đã có những động thái gia tăng sản xuất, nâng diện tích lúa Thu-Đông vùng ĐBSCL từ 720.000ha theo kế hoạch lên 800.000ha để tăng sản lượng lúa lên 4,4 triệu tấn thóc. Vụ Thu-Đông lâu nay luôn là vụ lúa khá bấp bênh, nay một số địa phương xác định là vụ ăn chắc, thậm chí còn được xem là vụ chính như một cách thừa thắng xông lên.
Nên chuyển từ lượng sang chất
Nên chuyển từ lượng sang chất
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, không nên ăn xổi, ở thì, thậm chí khuyên thận trọng, không nên “xui dại” nông dân. Xét ở đầu vào sản xuất lúa đúng là còn nhiều yếu tố bấp bênh. Hiện nay, hầu như các tiểu vùng sản xuất lúa của ĐBSCL đều cần trữ nước ngọt ở 2 vùng rốn lũ trước đây là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.
Tài nguyên nước và phù sa được xem là lợi thế đang đứng trước nhiều thách thức phụ thuộc ngày càng lớn yếu tố thượng nguồn (vận hành và tiến độ xây dựng hệ thống thủy điện, các dự án chuyển nước dòng chính), trong khi hiện tượng “mùa nước nổi” tự nhiên của vùng thưa thớt, vắng bóng và gần như biến mất là thách thức lớn. Cùng với đó là tác động tích lũy liên hoàn do nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở và những bất cập như khai thác cát, nước ngầm trong nội vùng, mặt trái của hệ thống đê bao… cũng là thách thức đặt ra.
Nhìn tổng thể, ngành hàng lúa gạo Việt Nam không dễ dàng vượt qua sức ì, nếu sản xuất nông nghiệp theo lối mòn tư duy nặng đầu vào, nhẹ đầu ra, tăng điện tích, mùa vụ, sản lượng các mặt hàng nông sản, đặc biệt không đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng khắt khe theo các phân khúc thị trường.
Độ khó và tính cạnh tranh trên thương trường ngày càng lớn. Nhìn từ 2 phía, sân nhà - thị trường Việt Nam và sân khách - thị trường xuất khẩu, nông sản vùng ĐBSCL đang gặp khó. Thực tế này đòi hỏi cơ quan hoạch định cơ chế, chính sách, pháp luật, định ra quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng được các cam kết EVFTA và EVIPA và yêu cầu hội nhập không thể đứng ngoài cuộc.
Không nên cứng nhắc duy trì hoặc gia tăng đột biến diện tích lúa và xuất khẩu gạo số lượng lớn. Cần linh hoạt chuyển đổi theo thị trường. Các kết quả nghiên cứu đang được đề xuất liên quan việc chủ động bố trí sản xuất lúa phù hợp ở 3 tiểu vùng sinh thái gắn với thị trường tiêu thụ. Cần kiên trì với cuộc chuyển đổi từ “chén cơm đầy đến chén cơm ngon”.
Trồng lúa digital, tại sao không
Trồng lúa digital, tại sao không
Những tín hiệu tích cực từ ngành hàng gạo Việt cho thấy bước chuyển mới. Và Việt Nam đang tích cực xây dựng hạ tầng công nghệ, chuyển đổi kỹ thuật số, xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, ban hành nhiều chính sách quan trọng để tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế số.
Không chỉ nỗ lực của Chính phủ, đã có những doanh nghiệp tiên phong, nhiều nông dân đồng bằng đang hiện thực hóa nền kinh tế số trên những cánh đồng, vườn cây, ao cá. Nhiều ứng dụng cách đây vài năm như chuyện đùa, nay là sự thật, minh chứng cho kinh tế số trong nông nghiệp.
Bằng việc ứng dụng viễn thám cho đồng ruộng, công nghệ sinh học tuyển chọn giống lúa, kỹ thuật canh tác, quản lý đồng ruộng, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch, tiêu thụ, cách tiếp cận cho cuộc chuyển đổi từ gạo thô sang gạo digital - kỹ thuật số. Qua công nghệ số, mã vạch, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng nông sản bày bán tại các siêu thị. Công nghệ số tạo dựng niềm tin người tiêu dùng và góp phần xây dựng các chuỗi giá trị nông sản từ đồng ruộng đến bàn ăn.
Làm việc với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh quá trình chuyển đổi cần tư duy mới, tầm nhìn dài hạn, hiện thực hóa bằng các giải pháp, biện pháp ngắn hạn, nhưng yêu cầu xuyên suốt phải liên tục đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng được truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Đây là điều cần được quan tâm nhưng chưa thật sự được đầu tư bài bản. Bởi lẽ nền tảng pháp lý, thể chế hiện hành chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, kết quả đổi mới sáng tạo thông qua các mô hình kinh tế chia sẻ. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng, các ứng dụng nền tảng như điện toán đám mây, công nghệ vệ tinh, viễn thám… chưa đủ sức tạo ra hệ sinh thái lý tưởng cho các ứng dụng nền tảng.
Thực tế sự tiếp cận vùng, theo chuỗi ứng dụng công nghệ, phát huy đổi mới sáng tạo và những ưu thế của kinh tế số, kinh tế chia sẻ không xa lạ với nông dân và người tiêu dùng thời gian gần đây, qua các ứng dụng trực tuyến truy xuất nguồn gốc nông sản, kiểm xuất quy trình canh tác, điều khiển tự động... Nhưng “lúa gạo digital” cần chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ các tác nhân tham gia quy trình trong mối quan hệ gắn bó công nghệ, thị trường, lợi ích. Phải kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng gạo từ sản xuất, chế biến đến các kênh phân phối bằng pháp luật và chất lượng quản lý.
Nông dân đang cần tập hợp lại cùng với các doanh nghiệp đủ mạnh phát triển sản xuất theo các chuỗi giá trị được quản lý từ đầu vào đến đầu ra. Vị thế của cường quốc số 1 thế giới về xuất khẩu không phải không cần, nhưng quan trọng hơn là những giá trị nó mang lại. |