Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, trong những năm gần đây và đặc biệt trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nổi lên như một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN và thu hút đáng kể lượng vốn đầu tư trung hạn từ nước ngoài.
Để thúc đẩy tăng trưởng và với nhiều chính sách hỗ trợ, Chính phủ cùng các bộ, ngành chức năng đã tập trung nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, hướng tới việc đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia có nền kinh tế số, phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu trong hội nhập.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, từng nhiều lần khẳng định những chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu và trước tác động của công cuộc hội nhập đỉnh cao như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); đặc biệt là làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cùng những diễn biến bất thường về địa chính trị, địa kinh tế, biến đổi khí hậu và dịch bệnh... đang đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, hiện đại hóa về công nghệ và tái cấu trúc chiến lược phát triển để thay đổi mô hình hoạt động.
"Các doanh nghiệp dù ở quy mô nào, dù lớn-nhỏ-vừa đều phải hướng tới những chuẩn mực quốc tế về đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững, bao trùm và kinh doanh có trách nhiệm hơn. Thế giới của ngày hôm nay sẽ không còn là thế giới của ngày hôm qua. Vị thế địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên, nguồn lao động dồi dào và với chi phí thấp sẽ không còn là những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Đổi mới, sáng tạo phải là trái tim của nền kinh tế Việt Nam và đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ doanh nghiệp, trong đó số hóa trong quản trị hoạt động doanh nghiệp là điều cần sự quan tâm thích đáng," ông Lộc nhấn mạnh.
Thực tế nếu trước đây, việc quản trị doanh nghiệp được hỗ trợ bởi một số phần mềm đơn lẻ như kế toán, bán lẻ, quản lý kho... thì hiện nay, các doanh nghiệp đang hướng tới giải pháp quản trị tổng thể và đồng nhất mọi hoạt động của doanh nghiệp. Giải pháp này sẽ đem lại sự linh hoạt và đáp ứng được những thay đổi liên tục về quy mô cũng như cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo nên một cuộc đua tranh khốc liệt về công nghệ giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Dù hoạt động trong lĩnh vực nào, nếu không tham gia vào tiến trình này để giúp hoạch định chiến lược, quản lý tài chính, nhân lực, sản xuất và marketing nhằm tối ưu hóa nguồn lực, tiết kiệm chi phí để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thì chắc chắn, doanh nghiệp sẽ bị tụt hậu và khó có thể bắt kịp xu thế phát triển.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định dịch COVID-19 diễn ra khi nền kinh tế thế giới và Việt Nam đứng trước những xu thế và tư tưởng phát triển mới, như lối sống, cách sống, cách phát triển bền vững và bao trùm, thế giới số, xã hội số và nền kinh tế số... Ngay trong bão dịch, càng nhận ra những dấu hiệu của quá trình ấy. Có cả cơ hội và sự sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.
"Đó là việc chuyển đổi sản phẩm sao cho phù hợp với những đòi hỏi mới của thị trường. Phương thức kinh doanh cũng cần đổi mới, kinh tế số và thương mại điện tử đang lên ngôi. Cách tiếp thị, gắn kết giữa các đối tác và với thị trường cũng đang có sự chuyển dịch đáng kể. Do đó, doanh nghiệp cần tích cực hơn nữa trong chuyển đổi số để hòa cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị, tăng cường kết nối và lựa chọn các đối tác hiệu quả trong mạng lưới sản xuất toàn cầu," chuyên gia Võ Trí Thành chia sẻ.
Cụ thể hơn, theo ông Vũ Tú Thành, Thành viên Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, qua đại dịch COVID-19 lần này có thể thấy những tác động không đồng đều của dịch bệnh theo từng khu vực. Châu Á là khu vực có sức chống chịu tốt hơn, trong đó ASEAN là điểm sáng ở châu Á và Việt Nam là một quốc gia điển hình.
Xét về mức độ chuyển đổi số, những doanh nghiệp truyền thống ít tận dụng các nền tảng số và các giải pháp công nghệ số sẽ chịu tổn thương nặng nề nhất. Doanh nghiệp có mức độ chuyển đổi số cao lại chịu tác động tiêu cực nhẹ hơn, thậm chí còn tăng trưởng tốt hơn. Những điều ấy để thấy rõ thực tế rằng nền tảng số sẽ đem lại nhiều cơ hội mới cho các hoạt động sản xuất kinh doanh số của các doanh nghiệp.
Báo cáo thường niên về Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 của Google, Temasek và Bain Company cho thấy lượng khách hàng tham gia các nền tảng số tăng 41% ở Việt Nam - mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á hiện nay.
Doanh nghiệp có thể tìm thấy 74% khách hàng mới trên các nền tảng số ở các khu vực đô thị và các nhóm hàng hóa, dịch vụ được giao dịch qua Internet hay các nền tảng số cũng ngày càng gia tăng về tỷ lệ và số lượng...
Việt Nam đang dẫn đầu khu vực về tỷ lệ tăng trưởng người dùng mobile banking app và số lượng các dịch vụ liên quan tới tài chính số, ngân hàng số, chăm sóc sức khỏe số cũng không ngừng được cải thiện.
Từ những thực tế ấy, các doanh nghiệp không thể "bình chân như vại" và cần sớm có nhận thức đúng đắn để nhanh chóng bắt kịp xu hướng phát triển bằng cách đổi mới, ông Thành nhấn mạnh.
Từ góc độ ngân hàng, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết khi hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp ngày càng phát triển và quốc tế hóa, việc thực hiện giao dịch nhanh và hiệu quả sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu.
Tính liền mạch và an toàn của thanh toán số cho phép doanh nghiệp lập kế hoạch kinh doanh tốt hơn, tiết kiệm chi phí đáng kể và tối ưu hóa nguồn tài chính.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% trong số 760.000 doanh nghiệp tại Việt Nam. Việc áp dụng các phương thức thanh toán hiện đại sẽ góp phần giúp doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng.
Việc số hóa các quy trình vận hành và quản lý tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn và tiếp tục vươn lên trong khu vực và trên toàn cầu.
Qua thực tiễn doanh nghiệp, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cho hay về mặt chiến lược, Vingroup luôn thực hiện triệt để 5 nguyên tắc trong mọi hoạt động kinh doanh. Đó là hạt nhân hóa, chuẩn hóa, đơn giản hóa, tự động hóa và hiệu quả hóa nhằm nâng cao yếu tố con người, hiệu quả kinh doanh và chuẩn hóa quy trình quản trị.
Trong những năm qua, Vingroup đã không ngừng đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, hướng tới việc xây dựng một nền tảng thống nhất, lấy công nghệ số làm nền móng... để cho ra đời những sản phẩm "Made in Vietnam" và từng bước tạo lập, xây dựng một hệ sinh thái "Make in Vietnam," qua đó khơi dậy niềm tự hào và hãnh diện cho các nhà sản xuất cũng như cả người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa Việt Nam
Ngoài những lĩnh vực đã đầu tư, Vingroup đang tập trung phát triển các dự án bất động sản công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu khi các nhà sản xuất dịch chuyển vào Việt Nam từ Trung Quốc.