Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Vũ Long đã ký văn bản đồng ý thông qua việc sử dụng vốn vay, bảo lãnh thẻ tín dụng tại Vietcombank, với tổng hạn mức tín dụng 10.000 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của VND.
VND đánh bóng thương hiệu?
Sở dĩ thông tin này gây xôn xao vì thông thường ít có doanh nghiệp (DN) công bố rõ kế hoạch vay vốn tại nhà băng. Và điều quan trọng nữa Vietcombank đang có mức vốn điều lệ 47.325 tỷ đồng, khoản vay do VND công bố chiếm 21% vốn điều lệ của NH này.
Cho đến thời điểm hiện tại, Vietcombank chưa có phản hồi về thông tin này nên thực hư vẫn chưa rõ. Hiện cũng có luồng ý kiến cho rằng, có thể đây chỉ là quyết định “đơn phương” của VND về kế hoạch vay vốn hoạt động, chưa phải là quyết định song phương giữa VND và Vietcombank.
Nếu chỉ là quyết định đơn phương, vậy VND đang tính toán gì? Phải chăng VND muốn thông qua đó để làm an lòng cổ đông, tạo niềm tin, giữ vững thương hiệu với thị trường trong bối cảnh nhiều khó khăn bủa vây?
Hồi tháng 4 vừa qua, nội bộ VND đã có một thay đổi khá lớn, bà Phạm Minh Hương thôi chức Chủ tịch HĐQT sau 17 năm, nhưng chuyển sang ngồi vào vị trí Tổng giám đốc của VND. Sự "đảo vai" này đã diễn ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về sự khó khăn của VND do các khách hàng lớn gặp vấn đề, nên cần sự lèo lái tốt hơn trong hoạt động điều hành.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý I-2023, doanh thu hoạt động của VND đạt 1.290 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế giảm đến 81,6% chỉ còn 140,5 tỷ đồng.
Mối quan hệ zizac với Trung Nam
Hiện VND cũng đang ôm khối lượng trái phiếu DN (TPDN) khá lớn. Mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) trong báo cáo tài chính quý I cho thấy VND đang nắm giữ 9.800 tỷ đồng TPDN, cùng với đó là hơn 1.300 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đã niêm yết và chưa niêm yết.
Ngoài ra, giới đầu tư trên thị trường đều biết VND là một trong số các đối tác chính thu xếp phát hành TP cho CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group). DN này đã liên tục chậm trả nợ thanh toán TPDN suốt thời gian vừa qua.
CEO VND Phạm Minh Hương đã thừa nhận với cổ đông tại đại hội thường niên 2023, cổ phiếu VND gần như gắn liền với câu chuyện của Trung Nam. Dù các giao dịch của VND với Trung Nam đều được nghiên cứu kỹ và đồng bảo lãnh phát hành với Vietcombank. Và cũng như các DN khác, Trung Nam chịu nhiều áp lực sau sự cố liên quan đến TPDN xảy ra cuối năm ngoái, VND phải mua lại khá nhiều TP để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, bao gồm cả Trung Nam.
Thực tế, TP của Trung Nam do VND và Vietcombank bảo lãnh. Do vậy, nếu Trung Nam mất khả năng trả nợ đúng hạn thì Vietcombank phải trích lập dự phòng rủi ro và hạch toán lỗ cho khoản bảo lãnh này.
Một yếu tố bất lợi nữa cho Vietcombank là lô TP Trung Nam mà VND đang nắm nếu có rủi ro thanh toán thì ngân hàng này phải thanh toán một phần lãi thay cho Trung Nam. Lúc này nảy sinh ra vấn đề là Vietcombank cấp tín dụng cho VND để VND lấy vốn bơm cho Trung Nam. Trung Nam sử dụng nguồn vốn này để trả nợ cho VND. Như vậy, Vietcombank mặc nhiên được "giải thoát" khỏi rủi ro về TP của Trung Nam.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ ngược lại thì Vietcombank đang là "con tin" của VND. Đó là việc VND thế chấp lô TP Trung Nam để vay 10.000 tỷ đồng từ Vietcombank. Khi đó, VND đã gán được khoản nợ khó đòi này cho Vietcombank.
Vietcombank giải trình thế nào?
Về vay nợ, tổng nợ phải trả của VND khá lớn với 22.374 tỷ đồng ở thời điểm cuối quý I. Trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 18.400 tỷ đồng và vay trái phiếu dài hạn 400 tỷ đồng. Với một bức tranh như vậy ở thời điểm hiện tại, rất khó tin được là VND được một NHTM có vốn nhà nước uy tín như Vietcombank cấp một hạn mức tín dụng lớn như vậy.
Tuy nhiên, thái độ im lặng của Vietcombank cũng đưa đến suy đoán thứ 2, có thể đây là sự thật. Vì các số liệu cho thấy, VND có uy tín rất lớn với đa số NH trong nhóm Big 4: BIDV là chủ nợ lớn nhất của VND khi cho vay đến 4.687 tỷ đồng, Vietcombank là chủ nợ lớn thứ 2 đang cho vay 3.697 tỷ đồng, VietinBank cũng đang cho vay 599 tỷ đồng.
Còn trong câu chuyện về TPDN, CEO của Phạm Minh Hương, cho biết VND đồng bảo lãnh phát hành với Vietcombank tại dự án ở Đắk Lắk của Trung Nam và một số hoạt động huy động vốn khác. Vậy giả sử có sự hợp tác cung cấp tín dụng như VND công bố, chúng ta lại phải nhìn câu chuyện ở một góc độ khác.
Nếu gói vay này được Vietcombank “gật đầu”, tổng dư nợ của VND tại đây sẽ lên gần 13.700 tỷ đồng, chiếm 29% vốn điều lệ của NH. Con số này vượt quá mức quy định về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của NH. Quan trọng nữa là các nhà băng vẫn khăng khăng cho rằng “đốt đuốc” tìm khách hàng đúng chuẩn để cho vay. Trong khi đó, VND với "bức tranh" về hoạt động kinh doanh chưa "đẹp" lại được cấp hạn mức khủng đến 10.000 tỷ đồng.
Điều này phải chăng là quá bất công với toàn thể DN nói chung? Như vậy, giảm mạnh lãi suất thời gian qua ai sẽ là người hưởng lợi?
Giả sử nếu Vietcombank duyệt cho VND vay, đồng nghĩa với tiền từ NH chảy mạnh sang lĩnh vực chứng khoán, trong khi đây là một trong các lĩnh vực rủi ro. Chưa kể đến việc những tài sản đảm bảo VND đưa ra rất rủi ro.
Bởi cùng với quyết định vay vốn ở trên, VND cũng công bố quyết định đồng ý thông qua việc sử dụng tài sản thanh khoản cao thuộc sở hữu của công ty (gồm tiền gửi không kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và các tài sản thanh khoản cao khác theo quy định của Vietcombank theo từng thời kỳ) được Vietcombank chấp thuận và phù hợp với quy định để thế chấp, cầm cố cũng như các hình thức bảo đảm khác cho nghĩa vụ của VND tại Vietcombank.
Thực ra “nếu hay giả sử” rằng Vietcombank cho VND vay cũng có cơ sở, bởi lẽ VND đồng bảo lãnh phát hành với Vietcombank tại dự án ở Đắk Lắk của Trung Nam. Trong khi đó, Vietcombank cùng Trung Nam Group đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện từ đầu năm 2022.
Vậy thời điểm hiện tại, những “tài sản thanh khoản cao thuộc sở hữu của VND” được liệt kê khá nhiều nhưng VND sẽ chọn khoản nào để làm tài sản thế chấp? Phải chăng là dùng TPDN nhưng liệt kê một loạt tài sản khác kèm theo để lấp liếm? Bởi lẽ không ai lại công bố sẽ dùng tiền gửi không kỳ hạn thế chấp để vay vốn NH.
Trường hợp NH chấp nhận dùng TPDN thế chấp cho vay thì quá rủi ro, vì mục đích vay bổ sung vốn lưu động là ngắn hạn, trong khi khả năng các DN, nhất là Trung Nam thanh toán các lô TP vẫn khó dự đoán.
Hy vọng quyết định ở trên chỉ là ý chí đơn phương của VND. Vì lâu nay vai trò của các NHTM có vốn nhà nước vẫn là thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, là lực lượng chủ lực trong hỗ trợ nền kinh tế, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên cũng như sản xuất kinh doanh, chứ không phải là rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro hay cho vay theo hình thức đầu cơ tiền tệ như vậy.
Trên thực tế, nếu Vietcombank cho VND vay cũng có cơ sở, bởi lẽ VND đồng bảo lãnh phát hành với Vietcombank tại dự án ở Đắk Lắk của Trung Nam. Trong khi đó, Vietcombank và Trung Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện từ đầu năm 2022.