CIEM: Cải cách mạnh mẽ để kinh tế thị trường đi vào thực chất

(ĐTTCO)-Quá trình chuyển đổi nền kinh tế ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tong đó, sự phối hợp, tương tác giữa Nhà nước, thị trường và xã hội còn bất cập, đặc biệt giữa Nhà nước và thị trường.
Khu vực kinh tế tư nhân phát triển thiên về số lượng và chất lượng phát triển thì hạn chế. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vienam+)
Khu vực kinh tế tư nhân phát triển thiên về số lượng và chất lượng phát triển thì hạn chế. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vienam+)

Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Điều này đòi hỏi những cải cách mạnh mẽ, sâu rộng để nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ hơn, có trách nhiệm xã hội và môi trường.

Nhóm chuyên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) kiến nghị tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam," do CIEM tổ chức, ngày 28/3.

Chuyển đổi nền kinh tế chậm

Tiến sỹ Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng Ban Nghiên cứu Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) nhấn mạnh quá trình chuyển đổi nền kinh tế ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Trong đó, sự phối hợp, tương tác giữa Nhà nước, thị trường và xã hội còn bất cập.

Theo bà, thời gian qua, hiệu lực-hiệu quả quản lý của nhà nước mặc dù đã có cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; quá trình cải thiện môi trường kinh doanh thậm chí có xu hướng chững lại và thiếu đồng bộ.

“Trong nền kinh tế, các loại thị trường đã hình thành nhưng chậm phát triển, đặc biệt là về đất đai. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển thiên về số lượng và chất lượng phát triển thì hạn chế. Kết quả có thể nhìn thấy tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm và có xu hướng phụ thuộc ngày càng lớn vào khu vực FDI. Mặt khác, các vấn đề xã hội và môi trường phát sinh ngày càng nhiều,” bà Luyến chỉ ra.

Làm rõ sự can thiệp của Nhà nước

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh cần làm rõ sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường ở mức độ nào.

Ông Tuấn cho rằng nhiều bộ, ngành đưa ra các thông tư với mục tiêu quản lý và đây là sai lầm bởi quản lý chỉ là phương tiện chứ không phải mục tiêu. Hơn nữa, phương tiện quản lý đã tạo ra sự “đắt đỏ” cùng với chi phí phát sinh.

“Trong đó, chi phí trực tiếp là việc thực thi và tuân thủ quy định. Chi phí gián tiếp là cơ hội kinh doanh và kém cạnh tranh của hàng hóa,” ông Tuấn nêu ra.

Theo ông Tuấn, vai trò của Nhà nước hiện nay chưa rõ ràng. Ví dụ như trong lĩnh vực quản lý đất đai, Nhà nước chưa thể hiện cụ thể là đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý hay người sử dụng đất. Thêm vào đó, tình trạng lợi ích các ngành vẫn tồn tại và có sự chồng chéo trong quản lý, giữa các văn bản pháp luật. Điều này dẫn tới những rào cản trong phát triển doanh nghiệp tư nhân (như sự đối xử bất bình đẳng giữa khu vực kinh tế này với doanh nghiệp nhà nước hay khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Do đó, ông Tuấn đề xuất một số giải pháp phát triển doanh nghiệp tư nhân giai đoạn tới, như xây dựng khu pháp lý bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, quyền hợp đồng…; Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đồng thời đẩy mạnh chống tham nhũng, nhũng nhiễu, đổi mới cách thức quản lý, chuyển sang hậu kiểm, quản lý rủi ro…

Để tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, bà Luyến khuyến nghị cần tiếp tục đổi mới tư duy và định hình rõ hơn về mô hình nền kinh tế thị trường cũng như làm rõ các nội hàm cốt yếu và mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường cùng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kế đến, bà Luyến đề xuất cần tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội cũng như cải cách sở hữu và phát triển các lực lượng sản xuất, đặc biệt là kinh tế tư nhân.

"Một nội dung quan trọng khác là phát triển các thị trường nhân tố sản xuất để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo cạnh tranh công bằng và có trật tự cũng như các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường và sinh thái,” bà Luyến nói.

Các tin khác