Dễ gây hiểu nhầm
Theo dự thảo Bộ quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc do Bộ LĐ-TB-XH, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng soạn thảo, được sự tham vấn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có 3 hình thức QRTD tại nơi làm việc, gồm: quấy rối mang tính thể chất, gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; QRTD bằng lời nói gồm: lời nói trực tiếp, qua điện thoại, hoặc phương tiện điện tử có nội dung tính dục hoặc ngụ ý tình dục, những lời đề nghị, những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục; QRTD phi lời nói, gồm ngôn ngữ cơ thể, trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử, như nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, cử chỉ ngón tay…
Đáng chú ý, một số hành vi như: nháy mắt liên tục, nhìn gợi tình… khiến nhiều người băn khoăn, tranh cãi về cách hiểu khác nhau. Anh Mai Văn T., kỹ sư công nghệ thông tin tại Hà Nội, băn khoăn: “Do đặc thù công việc phải thường xuyên làm việc trên máy tính nên mình có cái tật hay nháy mắt, nhiều khi rất mặc cảm, tự ti ở chỗ đông người, nhất là với người lạ. Giờ mà quy định hành vi nháy mắt liên tục là QRTD thì dễ gây hiểu lầm, từ phản xạ tự nhiên thành hành vi QRTD thì không thỏa đáng”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia bình đẳng giới, cho rằng những quy định đưa ra phải phù hợp với tình hình thực tiễn và phải hiệu quả. Nếu đưa quá nhiều nội dung, chi tiết vào bộ quy tắc chỉ thêm rối, không xử lý được lại thành phản tác dụng. “Các quy tắc, tiêu chuẩn đưa ra thực hiện tiêu chuẩn phải phù hợp với văn hóa, truyền thống của Việt Nam. Nếu khó và rối thì doanh nghiệp không thực hiện được.
Hành vi QRTD tại nơi làm việc đã được quy định rõ trong bộ luật Lao động 2019, chúng ta đã có nghị định hướng dẫn nghiêm cấm và xử phạt hành vi này. Do đó, chỉ cần các cơ quan, đơn vị đưa các điều khoản vào thực hiện trong nội quy của cơ quan, đơn vị đáp ứng được yêu cầu luật định là đủ, không cần thiết phải có bộ quy tắc ứng xử”, bà Hồng bày tỏ.
Cũng cho rằng một số hành vi đưa ra trong dự thảo dễ gây hiểu nhầm trong dư luận, khó có cơ sở pháp lý để thực thi, PGS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học, nêu quan điểm: “Các khái niệm đưa ra trong bộ quy tắc ứng xử phải chuẩn xác, chuẩn mực thì mới có thể áp dụng được trong thực tiễn. Dự thảo đưa ra các khái niệm mơ hồ như: nháy mắt liên tục, nhìn gợi tình… người đọc hiểu đa nghĩa, không đạt được sự thống nhất giữa các bên sẽ gây hiểu nhầm, không khéo có thể bị lợi dụng viện dẫn những hành vi đó để vu khống, bôi nhọ, kiện tụng nhau vì mục đích cá nhân”...
Cần hiểu đúng bản chất
Trước những ý kiến trái chiều trong dư luận, ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay bộ quy tắc được xây dựng dựa trên các nguyên tắc, quy chuẩn pháp luật của quốc tế cũng như các khuyến nghị của ILO về môi trường tại nơi làm việc. Bộ quy tắc này được khuyến nghị áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; dù sản xuất hay kinh doanh, dịch vụ; cả khu vực công và khu vực tư nhân; bất kể quy mô.
Do đặc điểm đặc thù của lĩnh vực này, một số vấn đề không được pháp luật quy định một cách cụ thể, cần có thêm tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nhằm giúp các bên hiểu đầy đủ về vai trò của mình trong việc phòng, chống QRTD tại nơi làm việc, xây dựng quy định nội bộ về nhận diện, phòng ngừa và xử lý hành vi QRTD.
Dự thảo được bổ sung, cập nhật dựa trên Bộ quy tắc ứng xử về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc được ban hành năm 2015. Tuy nhiên, khi đăng tải trên truyền thông đã có những cách hiểu chưa đúng bản chất, gây hiểu nhầm. “Nếu chỉ là nháy mắt vui vẻ thì đâu có sao, hành vi nháy mắt, nhìn gợi tình chỉ bị coi là QRTD khi người thực hiện và hành vi không nhận được sự đồng tình, đồng thuận của người tiếp nhận”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo ông Bình, việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc là cần thiết, bởi những lợi ích mang lại mà nhiều người chưa biết. “Trước hết là vì lợi ích của các doanh nghiệp, thực hiện tốt cam kết về QRTD tại nơi làm việc cũng là một trong những điều kiện giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu các nhãn hàng hoặc thị trường khi muốn tham gia vào thị trường xuất khẩu hàng hóa EU, Mỹ, Nhật... Các nhãn hàng còn đưa ra các quy định khắt khe, chi tiết hơn nhiều, Việt Nam hội nhập lâu rồi, vì lợi ích các doanh nghiệp cần cam kết mạnh mẽ thực hiện nghĩa vụ phòng, chống QRTD tại nơi làm việc”...
Cần thiết nhưng phải phù hợp văn hóa Việt Nam
Là cơ quan đại diện cho quyền lợi người lao động tham gia xây dựng và góp ý vào dự thảo, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho rằng cần thiết phải có bộ quy tắc ứng xử. Đây được coi là chuẩn mực đạo đức, hành vi quấy rối đưa ra trong bộ quy tắc ứng xử phù hợp với chuẩn mực quốc tế...
“Nhiều người cho rằng nháy mắt, nhìn gợi tình không phải là hành vi QRTD… nhưng trong một môi trường làm việc chúng ta phải tôn trọng đồng nghiệp, những hành vi khiến cho đồng nghiệp khó chịu, bối rối đó cần phải được nhắc nhở và phải được quy định trong bộ quy tắc ứng xử. Những hành vi này thế giới đã công nhận và cũng đã được đánh giá, phân tích, làm rõ rằng những hành vi đó có thể coi là QRTD”, bà Ngân chia sẻ.
Trước ý kiến quy định thiếu tính thực tiễn, bà Ngân bày tỏ: “Tại Việt Nam, lâu nay, QRTD tại nơi làm việc như một vùng cấm, không đụng chạm đến. Tuy nhiên, nếu cứ lúc nào coi nó là cấm, khó xác định, không có quy định cụ thể thì sẽ không bao giờ nhận diện được các hành vi QRTD tại nơi làm việc. Khi có quy định rõ ràng, nhận diện được hành vi QRTD thì người lao động dù là nam hay nữ đều được bảo vệ cả về mặt thể chất lẫn tinh thần”.
Bày tỏ sự ủng hộ phải có bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, nhấn mạnh: “Các nước đều có luật, có quy tắc ứng xử hoặc có nội dung quy định, hướng dẫn nghiêm cấm hành vi QRTD tại nơi làm việc. Tại Việt Nam, việc ban hành bộ quy tắc về QRTD tại nơi làm việc là cần thiết, tài liệu thiết thực hướng dẫn tại những nơi phát sinh quan hệ lao động, không hề tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Từ bộ quy tắc này, các cơ quan đơn vị có thể đưa vào nội dung, quy ước nơi công sở giúp cho thực hiện luật dễ dàng hơn...”.
Tuy nhiên, bà Hồng cũng cho rằng, một số từ ngữ sử dụng trong dự thảo chưa thật sự chuẩn gây ra sự hiểu lầm. “Thay vì dùng từ nháy mắt liên tục, nhìn gợi tình, chúng ta có thể thay bằng từ có cái nhìn khiếm nhã, dung tục… Dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến, tôi cho rằng ban soạn thảo cũng nên tiếp thu, sử dụng từ ngữ sát nghĩa, phù hợp với văn phong, văn hóa của Việt Nam sẽ tránh gây sự hiểu lầm”, bà Hồng nói.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, dự thảo đang được lấy ý kiến và dự kiến sẽ được trình 3 bên ký kết, ban hành trong quý 2 hoặc quý 3/2022. Đây là khuyến nghị chính thức của 3 bên, vì vậy cần có sự đồng thuận, thống nhất về mặt nội dung từ các bên để đảm bảo chất lượng, phù hợp với quy định của bộ luật Lao động và thực tiễn khi triển khai và áp dụng.
Về chế tài xử lý hành vi QRTD tại nơi làm việc, theo ông Bình, tùy tính chất, mức độ có thể xử lý nhiều hình thức, tầng nấc khác nhau. Đầu tiên, có thể xử lý theo vi phạm kỷ luật lao động như: khiển trách, kỷ luật, sa thải; sau đó, có thể xem xét xử lý vi phạm hành chính, hoặc nghiêm trọng hơn có thể xử lý hình sự.