Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM: Nghị quyết 54 chưa như kỳ vọng

(ĐTTCO) - Sau hơn 4 năm triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả đạt được chưa như kỳ vọng.

Cán bộ UBND huyện Bình Chánh, TPHCM giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cán bộ UBND huyện Bình Chánh, TPHCM giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hạn chế quyền chủ động

Thực hiện Nghị quyết 54, HĐND TPHCM đã quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy hoạch với gần 1.850ha cho 32 dự án; quyết định 6 dự án đầu tư nhóm A sử dụng ngân sách TPHCM và triển khai thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được 131 tỷ đồng. Cơ chế ủy quyền cho các ngành và địa phương giúp giảm bớt thủ tục hành chính. Chính sách chi thu nhập tăng thêm đã tạo được động lực làm việc cho đội ngũ cho cán bộ công chức, viên chức.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả khả quan, sau hơn 4 năm triển khai, hầu hết các cơ chế chính sách đặc thù về quản lý tài chính trong Nghị quyết 54 nhằm tăng nguồn thu của TPHCM đều chưa được tận dụng. Cụ thể, Quốc hội trao quyền cho TPHCM hưởng toàn bộ số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước thay vì phải phân cấp nguồn thu với Trung ương. Thế nhưng, mãi tới năm 2021, Bộ TN-MT mới ban hành thông tư hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Trước đó, do chưa có hướng dẫn, TPHCM chưa thể ban hành quyết định cổ phần hóa với các doanh nghiệp này.


TPHCM cũng chưa thu được khoản 50% tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý theo quy định tại Điều 5, Nghị quyết 54. Tới nay, mới chỉ có 2 cơ sở nhà đất thuộc diện này được Bộ Tài chính duyệt cho bán, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Một số loại thuế, phí cũng chưa thể tăng, hoặc thu rất khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. TPHCM cũng chưa ban hành được các loại phí để điều chỉnh hành vi, tăng thu ngân sách đầu tư phát triển, như phí thẩm định hồ sơ đăng ký chứng nhận quyền sử dụng đất, phí tạm giữ tang vật tại các kho bãi đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Nhìn lại bối cảnh thực hiện Nghị quyết 54, GS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, cho rằng, Nghị quyết 54 ra đời nhằm tháo gỡ cho TPHCM 5 vấn đề, trong đó có phần giúp TPHCM về nguồn lực. Nhưng nguồn lực về ngân sách thì mãi tới năm 2022 TPHCM mới được điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 21%. Việc bán tài sản công, cổ phần hóa cũng chưa thực hiện được nên nguồn lực không tăng. TPHCM có 5 năm để thực hiện Nghị quyết 54, trong đó 2 năm đầu là công tác chuẩn bị để 3 năm sau “tăng tốc”, nhưng đó cũng là thời gian TPHCM gặp dịch bệnh rất khó khăn. Nhìn lại thời gian thực hiện Nghị quyết 54, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nhận định, một trong những khó khăn là quyền chủ động của địa phương còn hạn chế. Cơ chế nói chung vẫn còn nặng tính xin - cho.

Chưa phân cấp triệt để

Theo TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), Nghị quyết 54 chỉ đạt được kết quả ban đầu, không như kỳ vọng. Trước tiên là nhiều nội dung Nghị quyết 54 chưa phân cấp triệt để, tức là đã “cho phép” nhưng cho không dứt khoát, TPHCM chưa được quyền chủ động thực hiện mà vẫn phải ra Trung ương xin thêm cơ chế. TS Thái Thị Tuyết Dung dẫn chứng, Nghị quyết cho phép TPHCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TPHCM để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TPHCM. Tuy nhiên, thực tế là TPHCM không thể chủ động trong việc này, mà phải qua rất nhiều thủ tục hành chính, phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản. Nếu các quy định này không thay đổi, thì cơ chế tự chủ của TPHCM cũng khó thực hiện.

Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM: Nghị quyết 54 chưa như kỳ vọng ảnh 1TPHCM cần thêm nguồn lực để giải quyết tốt các bài toàn kẹt xe, ngập nước. Trong ảnh, các phương tiện ùn ứ trên quốc lộ 1A, quận 12. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bên cạnh đó, TPHCM không có sự chủ động về ngân sách để có những kế hoạch dài hơi, trong khi để phát triển bền vững và ổn định, chính quyền cần biết được ngân sách trong 5-10 năm sẽ có bao nhiêu, được tự chủ chi bao nhiêu, lúc đó mới hoạch định được kế hoạch phát triển và đầu tư. Thực tế, TPHCM đã phải rất vất vả để đề xuất và được chấp thuận tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữa Trung ương và TPHCM từ 18% lên 21% và tỷ lệ này cũng chỉ được giữ trong vài ba năm, còn tới đây thì phải… tiếp tục đề xuất. Chiếu theo các quy định của Nghị quyết 54, TS Thái Thị Tuyết Dung cũng cho rằng TPHCM chưa được tự chủ trong việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nhất là chủ động việc thành lập các đơn vị trực thuộc, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Đặc biệt, TS Thái Thị Tuyết Dung phân tích, mối quan hệ giữa Nghị quyết 54 với các đạo luật chuyên ngành chưa tạo thành một “nguyên tắc tuân thủ” thống nhất. Dù điều 7, Nghị quyết 54 đã quy định nguyên tắc áp dụng văn bản, nhưng thực tế khi có sự khác nhau giữa nghị quyết và luật, nhiều trường hợp nghị quyết này không được ưu tiên áp dụng. Từ những phân tích trên, TS Thái Thị Tuyết Dung cho rằng, dự thảo Nghị quyết mới cần tránh việc đi vào giải quyết những vấn đề riêng lẻ, đề xuất trao quyền nhỏ giọt, thiếu thống nhất. Cần đề xuất trao quyền mang tính đột phá, bổ sung quy định cho TPHCM chủ động hoàn toàn trong ngân sách, chủ động trong huy động các nguồn lực xã hội hóa.

 Phân cấp triệt để, toàn diện cho TPHCM

Tại buổi làm việc với UBND TPHCM cuối tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, vấn đề cốt lõi trong Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho TPHCM. Theo Bộ trưởng, quan trọng nhất của Nghị quyết này là phải có cơ chế rõ ràng để phân cấp triệt để và toàn diện cho TPHCM. “Suy cho cùng, TPHCM không đòi hỏi gì ngoài cơ chế, mà cơ chế thì phân cấp, phân quyền là cái gốc của vấn đề”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bà VĂN THỊ BẠCH TUYẾT, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM: Cần chủ động, quyết liệt hơn


TPHCM đề xuất Trung ương cơ chế phân cấp, phân quyền và thực tế đã rút ngắn được thời gian thực hiện một số thủ tục. Nhưng với những thủ tục thuộc thẩm quyền của mình thì TPHCM lại thực hiện chậm.

Đơn cử như việc xin chuyển mục đích sử dụng đất lúa chẳng hạn. Cơ chế đặc thù của Nghị quyết 54 đã trao quyền cho TPHCM được quyết định việc này, nhờ đó, thay vì mất 6 tháng để chờ ý kiến Thủ tướng, thì từ năm 2018 TPHCM đã thông qua được 32 dự án. Tuy nhiên, các bước triển khai sau đó lại chậm, khiến các dự án này đều chậm tiến độ. TPHCM cần có sự chủ động hơn, quyết liệt hơn, chuẩn bị tốt hơn để phát huy hiệu quả của cơ chế chính sách đặc thù.


TS BÙI NGỌC HIỀN, Trưởng Phòng Quản lý khoa học, thông tin, tư liệu (Học viện Cán bộ TPHCM): Khó huy động trong đầu tư do thí điểm


Ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 làm cho TPHCM kiệt quệ về kinh tế, gián đoạn nhiều chương trình, kế hoạch phát triển, trong đó có các đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 54. Mặt khác, sự kết hợp trong xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách được quy định thí điểm tại Nghị quyết 54 cũng bộc lộ nhiều vấn đề, dẫn tới một số cơ chế, chính sách không thực hiện được. Sự quyết liệt trong triển khai thực hiện của một số cơ quan, đơn vị của TPHCM chưa cao, cộng với sự tác động, chi phối bởi các vấn đề phát sinh khác (đặc biệt như dịch Covid-19) làm cho nhiều cơ chế, chính sách được quy định thí điểm trong Nghị quyết 54 có độ trễ, thậm chí chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, nguồn lực của TPHCM ít, trong khi tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM thấp, cùng với những cơ chế chính sách tài chính - ngân sách được quy định trong Nghị quyết 54 không có nhiều đột phá, một số cơ chế, chính sách khó thực hiện, phụ thuộc vào các cơ quan Trung ương. Một nội dung quan trọng là do tính “thí điểm” thiếu ổn định nên TPHCM khó thực hiện nhiều chủ trương như quy định về vay hoặc huy động trong đầu tư… Thực tiễn này làm cho hiệu quả chung của Nghị quyết 54 chưa cao.

Các tin khác