PHÓNG VIÊN: - Bà có thể chia sẻ thêm thông tin về cơ hội cho các DN Việt Nam tại thị trường Canada?
Bà ĐỖ THỊ THU HƯƠNG: - Hiện nguồn hàng tiêu dùng của Canada dựa vào nguồn nhập khẩu là chủ yếu, trong đó 50% nhập từ Hoa Kỳ, còn lại từ các khu vực khác như khu vực Mỹ Latin và châu Á. Tuy nhiên, nhập khẩu hàng từ Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% tổng nhu cầu nhập khẩu của Canada.
Nếu xét quy mô thị trường, Canada chỉ bằng 1/10 quy mô thị trường Hoa Kỳ, nhưng giá trị nhập khẩu trên đầu người của Canada lại gấp đôi Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, xã hội Canada chủ yếu là dân nhập cư với lượng người gốc châu Á khá lớn, trong đó cộng đồng người Việt Nam có khoảng 250.000 người với nhu cầu lương thực thực phẩm rất cao. Đây là đặc điểm lợi thế có thể khai thác cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Nền kinh tế của Canada trong 2 năm gần đây tăng trưởng tốt và điều này làm cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng cao hơn. Hiện chính phủ Canada đang có nhu cầu đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc nhập khẩu từ Hoa Kỳ, và Việt Nam là một trong những quốc gia các DN Canada quan tâm muốn đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và cả đầu tư. |
- Nhưng làm sao để các DN, nhất là DNNVV Việt Nam có thể tiếp cận thị trường tiềm năng này? Phía Thương vụ Việt Nam có hỗ trợ như thế nào, thưa bà?
- Hiện nay Thương vụ Việt Nam tại Canada đang làm việc với Tổ chức TFO của Canada, để thực hiện một vài dự án hỗ trợ đưa hàng Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường Canada, trong đó đối tượng được hưởng lợi nhiều trong các dự án này là các DNNVV, đặc biệt Canada còn có chính sách ưu tiên các DN nữ.
Cụ thể, chúng tôi hỗ trợ các DN Việt Nam sang tham dự các hội chợ tại Canada với tư cách người tham quan, sau đó sẽ cùng TFO mời các nhà nhập khẩu, kinh doanh trong cùng lĩnh vực của nhóm DN Việt Nam đến gặp gỡ, làm việc. Đặc biệt, Tổ chức TFO có mô hình business matching online, để các DN cùng ngành có thể chia sẻ, gặp gỡ nhau trước đó thông qua mạng internet.
Ngoài ra cũng có một vài tổ chức hỗ trợ nữa của Canada đang xây dựng các mô hình chợ online, nhằm hỗ trợ các DNNVV của Việt Nam và Canada kết nối, bởi không chỉ DNNVV của Việt Nam mà các DNNVV của Canada cũng cần được hỗ trợ. Hy vọng khi các dự án này đi vào hoạt động, chúng tôi có thể giới thiệu các DN Việt Nam tham gia với chi phí hợp lý.
Với lượng người gốc châu Á khá lớn tại Canada, trong đó có Việt Nam
sẽ là lợi thế cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam
sẽ là lợi thế cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam
Đó là những nỗ lực hỗ trợ của Thương vụ cũng như một vài kênh đầu mối tại Canada để các DN Việt Nam có thể tham khảo khi muốn tiếp cận thị trường này. Tuy nhiên, do nguồn lực của các Tham tán, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế, nên chúng tôi không thể đảm bảo hỗ trợ hết các yêu cầu của DN.
Vì vậy chúng tôi mong muốn các DN Việt Nam hãy tham gia tích cực, phân tích, tìm hiểu kỹ hơn thị trường để có những bước tiến vững chắc vào thị trường này. Thí dụ, khi DN Canada đến làm việc với Thương vụ Việt Nam tìm hiểu thị trường, cách làm của họ hoàn toàn chủ động.
Họ đã tìm hiểu rất rõ ngành hàng liên quan đến lĩnh vực tại Việt Nam, biết về hiệp hội ngành hàng, nhắm đến các khách hàng tiềm năng tại Việt Nam. Khi đến họ chỉ nhờ thương vụ kiểm chứng những thông tin có chính xác chưa, thông qua Thương vụ giúp họ liên hệ, kết nối với những đối tác mong muốn.
- Vừa qua thị trường Canada nổi lên tình trạng lừa đảo từ các nhà nhập khẩu. Vậy DN Việt Nam cần làm gì để bảo vệ mình?
- Đúng là gần đây hiện tượng một số DN Canada đến Việt Nam làm ăn sau đó nhận tiền, nhận hàng rồi bỏ trốn ngày càng phổ biến. Như trong năm 2016 đã có 10 DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam bị đối tác lừa đảo với một số tiền không nhỏ.
Thời gian gần đây chúng tôi cũng nhận được một số đề nghị của DN Việt Nam liên quan đến xác minh đối tác. Liên quan đến vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh đến 2 khía cạnh quan trọng. Thứ nhất, DN cần thẩm định đối tác kỹ trước khi ký hợp đồng, chuyển tiền, chuyển hàng. Cái này giống như phòng bệnh rất quan trọng.
Nếu khi ký hợp đồng với khách hàng mới, còn nghi ngờ về tính pháp lý, khả năng tài chính đối tác, DN Việt Nam có thể thông qua thương vụ để nhờ xác minh. Khi đó chúng tôi sẽ xác minh xem DN đó có tồn tại thật không, hiện còn kinh doanh không và nếu trong điều kiện cho phép chúng tôi có thể tới tận địa chỉ DN xem thực tế có tồn tại không.
Ngoài ra, chúng tôi cũng làm việc với cơ quan thuế của nước sở tại để biết công ty này có nợ đọng thuế trong thời gian qua hay không. Cũng có thêm một cách nữa là hiện nay một số tổ chức tài chính lớn có bán báo cáo tài chính của DN, đơn vị Việt Nam có thể mua để xem năng lực tài chính của đối tác.
Với những trường hợp khi sự việc đã xảy ra rồi (đối tác nhận hàng không thanh toán tiền), chúng tôi chỉ có thể tìm cách liên hệ nếu DN phía Canada còn hoạt động để làm cầu nối 2 bên đàm phán với nhau.
Vì trong lúc ký hợp đồng có thể đối tác cố ý lừa DN Việt Nam, nhưng cũng có trường hợp DN Việt Nam sơ sót không đọc kỹ nên bị thiệt hại. Còn với trường hợp DN không tồn tại hoặc phá sản, chỉ còn cách đưa ra tòa án. Trong khả năng có thể của mình, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức giúp DN Việt Nam.
- Xin cảm ơn bà.