Thông tư liên tịch 44/2013/TTLT-BCT- BKHCN (Thông tư 44) quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội cho các DN thép nội củng cố lại thị phần trên sân nhà.
Lành mạnh thị trường
Ngày 31-12-2013, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành Thông tư 44 quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2014. Theo đó, nhà nhập khẩu thép trong nước sẽ phải công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm thép (tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực) trong hợp đồng nhập khẩu.
Việc đánh giá các tiêu chuẩn phải được thực hiện bởi các tổ chức trong nước do Bộ Công Thương chỉ định hoặc các tổ chức nước ngoài đã được bộ này xác nhận, công nhận năng lực. Căn cứ trên các tiêu chuẩn được công bố, các lô hàng sẽ được thực hiện đánh giá phù hợp tiêu chuẩn trước khi nhập khẩu.
Đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất thép trong nước phải công bố sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định tại Thông tư 28/2012/TT-BKHCN. Trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tổ chức, cá nhân sản xuất thép trong nước có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng (tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam, tiêu chuẩn quốc gia của các nước, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực) cho sản phẩm, hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, khẳng định: “Đây là một văn bản quan trọng, qua đó sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Không chỉ đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng mà còn đưa sản xuất thép theo đúng các quy chuẩn về chất lượng”. Đồng tình với ý kiến này, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Việt, thẳng thắn: “Tôi đánh giá cao thông tư này. Đây là một quyết định mang tính chiến lược cho sự phát triển của ngành thép Việt Nam nhằm đưa ngành thép đến một tương lai bền vững”.
Nói thêm về vấn nạn thép nhập khẩu gây ảnh hưởng đến các sản phẩm thép có chất lượng, ông Thái cho biết hiện nay thép nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là thép Trung Quốc và đa phần kém chất lượng. Vì với những sản phẩm có chất lượng, khi nhập vào Việt Nam giá thành cũng không thể rẻ và không dễ cạnh tranh với hàng sản xuất trong nước.
Ở nhiều nước ASEAN, họ kiểm soát chất lượng hàng trong nước và xuất khẩu rất khắt khe, vì vậy thép từ ASEAN rất ít vào thị trường Việt Nam. Thậm chí ngay cả những DN sản xuất thép có chất lượng tốt của Trung Quốc cũng không xuất sang Việt Nam vì giá khó cạnh tranh” - ông Thái chia sẻ.
Trên thực tế, nhiều DN trong ngành sản xuất thép cũng cho rằng cái DN lo lúc này không phải hàng tồn kho mà chính là sự cạnh tranh không lành mạnh của thép nhập. Chính vì thế, việc kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu sẽ là một bước tiến quan trọng giúp lành mạnh hóa thị trường. “Hội đồng Gang thép Đông Nam Á cũng đánh giá đây là một giải pháp khả thi” - ông Sưa nhấn mạnh.
Không ảnh hưởng đến DN nội
Mặc dù được đánh giá cao, nhưng một số DN vẫn nêu ra một số vấn đề trong Thông tư 44 mong các cơ quan nhà nước xem xét điều chỉnh như: người nhập khẩu phải có hợp đồng trước với người sử dụng, đây được đánh giá là một điều kiện khó và chỉ phù hợp với một vài loại thép đặc thù. Ngoài ra, thời gian thông quan cũng phải quy định cụ thể hơn. Song điều lớn hơn, nhận được nhiều sự quan tâm hơn đó là theo thông tư này sản xuất trong nước cũng phải phù hợp quy chuẩn. Việc này liệu có làm khó cho các DN nội hay không khi vẫn còn những lo ngại quanh vấn đề trình độ công nghệ của các DN trong nước.
“Sản xuất thép chất lượng chính là cách tốt nhất để bảo vệ thị trường trong nước. Chính vì thế nếu cơ sở, DN nào công nghệ lạc hậu cũng nên dẹp bớt” - ông Thái nói. Dưới góc nhìn của hiệp hội, ông Sưa cho rằng ngay trong quy hoạch phát triển ngành thép cũng có yêu cầu phải loại bỏ những cơ sở sản xuất lạc hậu.
Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân, Quảng Ninh. |
Tuy nhiên, ông Sưa có cái nhìn lạc quan hơn cho các DN trong nước khi cho rằng hiện nay nhiều đánh giá chưa thực sự chính xác về trình độ công nghệ của các DN trong ngành thép. Hiện nay bức tranh trong ngành thép đã khác nhiều, trình độ công nghệ của DN Việt Nam cũng ngang ngửa các nước ASEAN. “Chúng tôi cũng có một số dự án đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng trong nhiều nhà máy sản xuất thép Việt Nam và kết quả khá khả quan, nhiều phần chúng ta còn hơn cả Thái Lan” - ông Sưa nói.
Trong những buổi phổ biến thông tư, khá nhiều DN cũng đồng tình rằng việc thông tư có hiệu lực không ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước. Có thể thấy, thép vốn là nguyên liệu chính đảm bảo độ bền cho các công trình xây dựng. Vì thế việc đảm bảo chất lượng thép vô cùng quan trọng. Một thời gian dài, thị trường không đi vào nề nếp, những sản phẩm kém chất lượng làm ảnh hưởng nặng nề đến uy tín và kinh doanh của DN trong nước. Chính vì thế, không chỉ các DN, hiệp hội mà cả người tiêu dùng cũng mong chờ thời điểm Thông tư 44 chính thức có hiệu lực.