Cơ hội lớn cho doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Sự hồi phục rõ rệt của thị trường trong 4 tháng đầu năm 2022 đã và đang tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.
Sức cầu của thị trường đã tăng trở lại
Sức cầu của thị trường đã tăng trở lại
Theo Bộ Công thương, trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng.
Điều này xuất phát từ việc tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát và bắt đầu có xu hướng giảm sâu, các hoạt động trong lĩnh vực du lịch được khôi phục, nhiều chương trình kết nối cung - cầu, giao thương được tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp cũng đang dần phục hồi.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4-2022 đã đạt 455,5 ngàn tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 1.777 ngàn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Tại TPHCM - nơi ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch lần thứ 4 - nhưng tới nay theo báo cáo của UBND TPHCM, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4 đã đạt 95.612 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, ngành lưu trú và ăn uống tăng 12,12% so với tháng trước, dịch vụ lữ hành tăng 18,6% so với tháng trước.
Theo các chuyên gia, đây là những con số rất khả quan, cho thấy nhu cầu thị trường đã dần phục hồi, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ. Và thực tế cũng cho thấy, doanh thu của nhiều doanh nghiệp sản xuất bán lẻ đã tăng mạnh trong quý 1-2022.
Chẳng hạn, Vinamilk đạt doanh thu 13.878 tỷ đồng, tăng 5%; Tập đoàn Kido có doanh thu thuần quý 1-2022 đạt 2.879 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động sau thời gian kinh doanh kém khả quan thì trong quý 1-2022 đã đạt doanh thu thuần hợp nhất 36.467 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ…
Đáng chú ý, trong các đợt nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hay 30-4 và 1-5 mới đây, doanh thu bán lẻ của nhiều siêu thị ghi nhận tăng vọt nhờ sức cầu tăng cao. Điển hình là dịp 30-4 và 1-5 vừa qua các kênh bán lẻ như Co.opmart, Co.opXtra, Emart, Aeon… đã ghi nhận lượng khách hàng tới mua sắm tăng 30-50% so với dịp cuối tuần bình thường - cho thấy những chương trình kích cầu các nhà bán lẻ đưa ra thực sự thu hút người dân.
Theo Bộ Công thương, dự báo nhu cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm phòng tương đối cao, đảm bảo người tiêu dùng có thể tham gia thị trường mua sắm an toàn hơn; việc mở cửa du lịch trở lại sẽ kích thích mua sắm, tiêu dùng, đồng thời triển vọng về tiêu dùng trong nước sẽ sáng sủa hơn do sản xuất phục hồi, người lao động trở lại làm việc, thu nhập gia tăng.
Tuy nhiên thời gian tới, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng đối mặt với những khó khăn như nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là bất ổn từ xung đột Nga - Ukraine. Bên cạnh đó, giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu đầu vào của sản xuất dự báo tiếp tục tăng cao, khiến giá hàng hóa trong nước tăng gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Các tin khác