Ngành thủy sản của Việt Nam, điển hình là sản phẩm cá da trơn được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ xung đột thương mại nếu biết nắm bắt cơ hội. Cụ thể, trong gói đánh thuế của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị áp mức thuế 10%.
Năm 2017, cá rô phi Trung Quốc chiếm gần 45% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Hoa Kỳ, trong khi cá tra, basa chỉ chiếm gần 25%. Diễn biến này mở ra cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá tra, basa sang Hoa Kỳ để giành giật thị phần sụt giảm từ cá rô phi của Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, năm 2017 lần đầu tiên quốc gia này vượt Hoa Kỳ để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất sản phẩm cá tra của Việt Nam. Bên cạnh đó, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với sản phẩm cá tra đang ngày một tăng lên. Mặc dù các sản phẩm thủy sản Hoa Kỳ xuất khẩu vào Trung Quốc đang bị áp thuế trả đũa không phải là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như tôm hùm, ngao, cua…, nhưng việc giá các mặt hàng này tăng lên do thuế, có thể khiến người tiêu dùng Trung Quốc phải cân nhắc hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm thay thế khác, trong đó có thể có cá tra của Việt Nam.
Như vậy, nếu chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc tiếp tục leo thang, xuất khẩu cá tra của Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh sang cả 2 thị trường này. Kết hợp với đề xuất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ mới đây về việc công nhận cá tra của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang quốc gia này, là những thông tin mang tính hỗ trợ rất lớn cho DN sản xuất cá tra.
Theo báo cáo toàn cảnh chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc vừa được CTCK Bảo Việt (BVSC) công bố, ngoài thủy sản và dệt may, các DN đồ gỗ nội thất cũng hưởng lợi từ sự kiện này. Theo đó, các đơn hàng đồ gỗ nội thất có thể sẽ chuyển từ các nhà máy tại Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam.
Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 7,6 tỷ USD gỗ và các sản phẩm gỗ, trong đó riêng thị trường Hoa Kỳ đạt 3,2 tỷ USD. Như vậy, chiến tranh cũng mở ra cơ hội nhận được thêm các đơn hàng xuất khẩu cho DN sản xuất đồ gỗ nội thất như CTCP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, CTCP Hợp tác kinh tế và Xuất nhậu khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần siết chặt quản lý, tránh tình trạng đồ gỗ nội thất Trung Quốc mượn Việt Nam như một nước trung chuyển để tìm đường xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc cũng có những hành động đáp trả và đậu tương là mặt hàng được nhắm tới đầu tiên, bởi đây là sản phẩm ngành nông nghiệp Hoa Kỳ xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc, với 37,5 triệu tấn năm 2017. Thuế tăng khiến giá đậu tương và ngô của Hoa Kỳ xuất khẩu vào Trung Quốc tăng theo, giảm sức cạnh tranh của mặt hàng này. Kể từ khi chiến tranh thương mại bùng phát, giá đậu tương và ngô của Hoa Kỳ đã giảm khoảng 12%.
Giá đậu tương và ngô giảm là cơ hội cho DN các nước khác phải nhập khẩu đậu tương và ngô mua được giá rẻ. Năm 2017, Việt Nam phải nhập khẩu 1,5 tỷ USD ngô và 707 triệu USD đậu tương. Trong đó, đậu tương nhập nhiều nhất là từ Hoa Kỳ (330 triệu USD) và Argentina (250 triệu USD), còn ngô nhập nhiều nhất từ Argentina (764 triệu USD) và Brazil (464 triệu USD). Với diễn biến mới từ giá đậu tương và giá ngô Hoa Kỳ, nhiều khả năng các DN Việt Nam sẽ chuyển hướng sang tăng nhập khẩu đậu tương và ngô từ quốc gia này với giá rẻ hơn. Như vậy, các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam như CTCP Tập đoàn Masan, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam có thể là đối tượng hưởng lợi.