Được biết, cuộc họp bất thường này chỉ tập trung vào nội dung trình phương án chào bán cổ phần để bù đắp phần âm vốn điều lệ. Nhưng với tình hình hiện nay, chào bán cổ phần để tăng vốn rõ ràng là một vấn đề rất khó khả thi với DongABank.
Kỳ vọng cổ đông hiện hữu góp thêm vốn
Theo tờ trình công bố trước ĐHCĐ bất thường năm 2019, DongABank cho biết đã thuê Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) đánh giá thực trạng tài chính và xác định giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ của NH tại thời điểm 31-12-2018.
Theo số liệu đã kiểm toán của EY, kết quả hoạt động của DongABank tại thời điểm cuối năm 2018 có lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm. Để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, đảm bảo có giá trị thực của vốn điều lệ đạt mức vốn tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định 3.000 tỷ đồng, DongABank phải thực hiện bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo đáp ứng quy định của pháp luật.
Theo DongABank, với tình hình hoạt động hiện nay, NH chỉ có thể thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ. Nhưng NH cũng không thể thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, vì không đáp ứng các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật chứng khoán 70/2006/QH11, là hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Do đó, NH chỉ có thể chọn hình thức phát hành còn lại là chào bán cổ phần riêng lẻ.
Từ thông tin tờ trình cho thấy, DongABank đã đặt nhiều kỳ vọng vào sự hỗ trợ từ cổ đông hiện hữu trong đợt phát hành này khi xác định đây là đối tượng chào bán ưu tiên. Chỉ khi cổ đông hiện hữu đăng ký mua cổ phần không đủ số lượng chào bán theo phương án trên, NH mới phát hành cho nhà đầu tư (NĐT) bên ngoài.
Thật ra cũng dễ hiểu, vì thời điểm này, chỉ có những cổ đông hiện hữu mới cân nhắc có nên tiếp tục chấp nhận phương án tăng vốn, đầu tư thêm tiền để giữ quyền kiểm soát NH hay không. Còn với NĐT bên ngoài, mua cổ phiếu DongABank có lẽ là điều sẽ hiếm ai lựa chọn.
Muốn tăng cũng không dễ
Muốn tăng cũng không dễ
Tăng vốn là yêu cầu đặt ra đối với tất cả các NHTM trong thời điểm này. Song với trường hợp đặc thù như DongABank, vấn đề tăng vốn vẫn được nhận diện là dự tính vô cùng khó khăn. Trước khi rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, DongABank đã phát hành 500.000.000 cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tương đương đạt vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng.
Còn tại tờ trình này, nhà băng này không công bố số cổ phần dự kiến chào bán để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, mà chỉ cho biết chào bán đủ số lượng cổ phần để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ đáp ứng bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần. Song cơ quan điều tra trước đó đã xác định, tại thời điểm ngày 31-12-2015, vốn chủ sở hữu của DongABank âm 25.451 tỷ đồng. Như vậy, lượng cổ phần NH muốn phát hành đợt này không nhỏ.
Kể từ khi được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt cho đến nay, DongABank không công bố các báo cáo tài chính. Thông tin về hoạt động kinh doanh của NH được công bố thông qua hội nghị sơ kết, tổng kết hoạt động hàng năm và thông cáo báo chí nhưng cũng không có nhiều hoạt động được thể hiện, vì khi bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, theo quy định NH không được cho vay, chỉ tập trung thu hồi nợ đến hạn, nợ xấu.
Kết thúc 6 tháng năm 2019, tổng huy động vốn đạt 63.450 tỷ đồng, chỉ tăng 4,3% so với đầu năm và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018. Thu hồi nợ có vấn đề cả gốc và lãi đạt 1.870 tỷ đồng, lũy kế từ thời điểm 8-2015 đến 6-2019 thu được 16.350 tỷ đồng.
Đầu tháng 10, lãnh đạo NH này đã có bài trả lời phỏng vấn báo chí cho biết các tỷ lệ an toàn thanh khoản, khả năng chi trả tính đến ngày 31-8-2019 luôn cao hơn quy định của NHNN. Tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 19,27%, tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày tiếp theo đối với VNĐ 80,4%, và tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày tiếp theo đối với ngoại tệ đạt 79,07%.
Tuy nhiên, huy động vốn của nhà băng này đã có sự sụt giảm so với hồi tháng 6. Tính đến ngày 31-8-2019, huy động vốn chỉ đạt 62.286 tỷ đồng, tăng 2,35% so với đầu năm. Điều này cho thấy vấn đề đảm bảo thanh khoản của DongABank cũng gặp không ít khó khăn.
Để cổ đông đầu tư vốn với tình hình hoạt động như vậy rõ ràng là một vấn đề đầy thách thức. Trong bối cảnh như vậy, kể cả cổ đông hiện hữu chắc chắn cũng sẽ cân nhắc kỹ về việc có nộp thêm tiền để “cứu” NH hay giữ quyền kiểm soát hay không.
Hơn nữa phải nhắc lại, vào cuối năm 2013, DongABank được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu với giá 10.000đ/cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tuy nhiên sau đó lại công bố hủy bỏ kết quả đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Nguyên nhân hủy bỏ theo một công ty chứng khoán tại TPHCM, việc tăng vốn thất bại bắt nguồn từ việc giá phát hành bằng mệnh giá, trong khi giá giao dịch trên OTC thấp hơn mệnh giá (chỉ khoảng 8.500 đồng/cổ phiếu), đồng thời thanh khoản của cổ phiếu này trên OTC cũng rất thấp.
Lần này, DongABank cũng vẫn tiếp tục dự tính phát hành với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong khi đó, theo dõi trên sàn OTC những ngày đầu tháng 10, cổ phiếu của nhà băng này được chào bán giá 3.200 đồng/cổ phiếu và chào mua chỉ với giá 2.800 đồng/cổ phiếu. Với giá phát hành cao gấp 3 lần giá giao dịch, liệu các cổ đông hiện hữu hay các NĐT bên ngoài có sẵn sàng chi tiền để mua cổ phiếu với mục đích bù đắp vốn chủ sở hữu hay không cũng là vấn đề được đặt ra.
Nhưng có lẽ trước khi đưa ra phương án chào bán cổ phần này, DongABank cũng đã lường trước các khả năng có thể xảy ra. Ngay trên tờ trình, HĐQT NH cho biết, trường hợp cổ đông không thông qua phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ; hoặc không có cổ đông hiện hữu, NĐT bên ngoài đăng ký mua cổ phần; hoặc cổ đông hiện hữu, NĐT bên ngoài có đăng ký mua cổ phần nhưng không mua đủ lượng cổ phần cần chào bán; hoặc cổ đông hiện hữu, NĐT bên ngoài đã đăng ký mua cổ phần nhưng không nộp tiền đúng thời hạn, HĐQT sẽ báo cáo Ban kiểm soát đặc biệt DongABank, NHNN để NHNN xem xét tái cơ cấu NH theo phương án khác theo quy định của pháp luật.
Giới đầu tư đang bàn luận rằng, nếu không tăng được vốn như kỳ vọng, phải chăng có thể sẽ có một cuộc chuyển giao bắt buộc diễn ra. Vì theo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các TCTD năm 2017, chuyển giao bắt buộc nằm trong các phương án tái cơ cấu TCTD được kiểm soát đặc biệt.