Cơ hội tái cấu trúc ngành du lịch TPHCM sau hợp nhất

(ĐTTCO) - TPHCM mới sau khi chính thức hợp nhất với các địa phương không chỉ gia tăng về diện tích và dân số, mà còn kiến tạo nên một không gian kinh tế, du lịch đặc biệt. 

Cơ hội tái cấu trúc ngành du lịch TPHCM sau hợp nhất

Theo đánh giá của Sở Du lịch, đây là thời điểm mà TPHCM đứng trước một cơ hội vàng để tái cấu trúc ngành du lịch, chuyển dịch từ phát triển theo vùng riêng lẻ sang mô hình tích hợp, đa trung tâm, bền vững.

Trong phạm vi địa lý mới, TPHCM hiện sở hữu 681 tài nguyên có khả năng trở thành điểm đến du lịch, với cấu trúc trải rộng và phân vùng rõ ràng theo tính chất: từ đô thị, làng nghề, công nghiệp, ven sông đến biển đảo. Không gian đô thị nổi bật với hệ thống di sản kiến trúc, bảo tàng hiện đại, chợ truyền thống, ẩm thực đường phố, không gian sáng tạo và lễ hội là nơi phát triển mạnh các tour MICE, city tour, du lịch văn hóa và các sản phẩm du lịch đêm.

Đáng chú ý, với dân số hơn 14 triệu người, TPHCM mới trở thành thị trường du lịch nội tỉnh lớn nhất cả nước, không chỉ về số lượng mà còn về độ phân hóa nhu cầu.

Ngoài ra, TPHCM còn có lợi thế vượt trội về hạ tầng giao thông và dịch vụ như: Sân bay quốc tế Long Thành khi đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian từ quốc tế đến trung tâm đô thị và các vùng biển nghỉ dưỡng chỉ còn 30-45 phút.

Các tuyến cao tốc liên vùng như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Chơn Thành kết nối hiệu quả các không gian đô thị, công nghiệp và ven biển, tạo thành trục hành lang phát triển du lịch theo cung đường chuyên đề. Hệ thống cảng biển, logistics, giao thông thủy nội địa và các tuyến sông lớn như sông Sài Gòn, Nhà Bè đang mở ra dư địa phát triển du lịch đường sông.

Song song đó, với gần 93.000 phòng lưu trú, từ khách sạn cao cấp đến homestay, resort sinh thái, cùng hệ thống trung tâm mua sắm, bệnh viện quốc tế, sân golf, khu giải trí... TPHCM hoàn toàn có khả năng đón tiếp song song khách nội địa quy mô lớn và khách quốc tế cao cấp.

Ngành du lịch Thành phố đang hoàn thiện các nhóm sản phẩm đặc trưng, tổ chức theo trục trải nghiệm liên kết. Nổi bật là hành trình “Từ phố theo sông ra biển”, kết nối các không gian đô thị trung tâm, vùng sinh thái ven sông và vùng nghỉ dưỡng biển trong một tuyến liên tục; hay chuỗi “Văn hóa biển”, tái định vị các điểm đến ven biển gắn với tín ngưỡng, di sản và sinh thái. Các sản phẩm chuyên đề như ẩm thực, du lịch đêm, làng nghề cũng đang từng bước được phát triển nhằm cá nhân hóa trải nghiệm.

Bên cạnh đó các sự kiện lớn cũng được nâng tầm và định vị lại như Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM (ITE HCMC) tiếp tục là đầu mối kết nối thị trường quốc tế và khu vực. Tuần lễ Du lịch Thành phố được mở rộng quy mô toàn vùng, gắn với sản phẩm mới và điểm đến mới.

Lễ hội Sông nước TPHCM, Giải Marathon quốc tế TPHCM và các chuỗi lễ hội văn hóa cũng sẽ góp phần tái định vị hình ảnh năng động, sáng tạo và giàu bản sắc.

Các tin khác