PHÓNG VIÊN: - Thưa Bộ trưởng, Việt Nam hiện là Đối tác Chiến lược Toàn diện với 9 quốc gia gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp và Malaysia. Vậy Việt Nam được hưởng lợi gì khi nâng cấp quan hệ với những quốc gia này?
Bộ trưởng NGUYỄN HỒNG DIÊN: - Khi trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện với các quốc gia lớn, Việt Nam thu được rất nhiều lợi ích quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư và hợp tác quốc tế. Mỗi quốc gia đối tác mang đến những cơ hội và lợi thế riêng cho Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và phát triển công nghệ, qua đó nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Đầu tiên là việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Tôi lấy thí dụ trong giai đoạn 2020-2023, mặc dù nền kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều biến động, trong đó có “di chứng” của đại dịch Covid-19, song Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 355,5 tỷ USD. Đặc biệt xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này.
Các quốc gia đối tác này không chỉ giúp Việt Nam gia tăng thương mại, mà còn thu hút nguồn FDI từ các doanh nghiệp (DN) có tầm vóc quốc tế, đặc biệt từ các quốc gia có tiềm lực như Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Đơn cử như Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn FDI lũy kế đạt 85,8 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn FDI).
Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai không chỉ đóng góp vào việc phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, mà còn giúp Việt Nam gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và điện tử.
Hợp tác với các đối tác này không chỉ giúp Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp, mà còn nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải thiện năng lực công nghệ. Nhật Bản và Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam thông qua các khoản vay ODA cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng tái tạo và công nghệ.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các quốc gia như Hàn Quốc, đã giúp Việt Nam gia tăng giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu. Đơn cử Samsung đóng góp tới 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu từ các sản phẩm điện tử và công nghệ cao.
Việc hợp tác với các quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh, còn giúp Việt Nam gia tăng vị thế trong mạng lưới sản xuất quốc tế. Bởi các tập đoàn lớn từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các ngành điện tử và sản xuất linh kiện.
Điều này tạo cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu và nâng cao cạnh tranh quốc gia. Các đối tác chiến lược như Australia, đã đóng góp quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam. Hơn 36.000 sinh viên Việt Nam hiện đang học tại Australia, giúp cải thiện năng lực lao động và phát triển giáo dục tại Việt Nam.
- Được biết hiện nay cả 9 nước là Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam đều đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA). Vậy trong bối cảnh cạnh tranh thương mại cũng như địa chính trị gay gắt như hiện nay, các nội dung trong Đối tác Chiến lược Toàn diện và các FTA có xuất hiện sự “tương khắc” không mong muốn không, thưa Bộ trưởng?
- Tôi cho rằng, trong “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình”, Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện và có thêm các FTA sẽ cộng hưởng rất nhiều lợi ích. Thí dụ, với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và các nước ASEAN, đều cam kết tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển thương mại và đầu tư, trong đó các FTA đóng vai trò quan trọng.
FTA giúp tạo ra các ưu đãi về thuế quan, mở rộng cơ hội xuất khẩu và giảm bớt rào cản thương mại, trong khi các Đối tác Chiến lược Toàn diện thúc đẩy sự hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực khác như chính trị, an ninh và văn hóa, từ đó tạo dựng một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác kinh tế. Tương tự, các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP và các thỏa thuận song phương, giúp Việt Nam dễ dàng tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các ngành mũi nhọn như dệt may, điện tử, và nông sản.
Bên cạnh đó, các Đối tác Chiến lược Toàn diện không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn, mà còn tạo ra cơ hội để Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, từ đó giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống và đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, sự kết hợp giữa các đối tác chiến lược và FTA giúp Việt Nam giảm thiểu nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các quốc gia khác, đồng thời tăng cường sự ổn định trong quan hệ thương mại quốc tế.
- Thưa Bộ trưởng, để khai thác được các lợi ích của cả Đối tác Chiến lược Toàn diện lẫn các FTA, Bộ Công Thương đã có những chính sách cụ thể gì?
- Việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với các nước lớn mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt nền kinh tế Việt Nam đối diện với không ít thách thức, như các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; chính sách bảo hộ sản xuất nội địa của các siêu cường kinh tế và các biện pháp rào cản thương mại; các rào cản phi thuế và biện pháp phòng vệ thương mại làm gia tăng chi phí và hạn chế khả năng xuất khẩu của các DN Việt Nam.
Trước những thách thức này, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều biện pháp và chính sách nhằm biến thách thức thành cơ hội. Trước hết tận dụng, khai thác hiệu quả các FTA. Để làm được điều này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phổ biến và hướng dẫn các DN về các cam kết và cách thức tận dụng ưu đãi từ các FTA, mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác chiến lược; triển khai các biện pháp hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, nhất là các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Một vấn đề quan trọng nữa là hỗ trợ DN và bảo vệ lợi ích hợp pháp của DN Việt Nam tại nước ngoài. Để làm điều này, Bộ Công Thương sẽ chủ động hỗ trợ DN ứng phó hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường quốc tế, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và giúp DN vượt qua các rào cản thương mại.
Cuối cùng, đó là đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho DN khi tham gia vào thị trường toàn cầu.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng! Chúc Bộ trưởng năm 2025 sức khỏe, hanh thông trong điều hành.