Lo vốn ngoại thống lĩnh
9 tháng năm 2019, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào doanh nghiệp (DN) fintech Việt Nam chiếm 36% tổng vốn của cả khu vực, cao hơn mức 0,4% của năm 2018. Tuy nhiên, con số có thể giảm trong thời gian tới. Bởi trong dự thảo lấy ý kiến thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN dự kiến tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các NĐTNN tại các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT (bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp) ở mức 49%.
Đại diện đơn vị TGTT True Money cho rằng, việc hạn chế vốn như vậy không phù hợp, vì các dịch vụ TGTT là dịch vụ mới, các công ty này vẫn trong giai đoạn đầu tư và chịu lỗ. Thời hạn giấy phép 10 năm là khá ngắn nên cũng khó thu hồi vốn. Đối với lĩnh vực này NĐT trong nước ít quan tâm hoặc còn rụt rè, quy định như vậy sẽ ảnh hưởng đến NĐTNN hiện hữu cũng như trong tương lai. Phía VNPT EPAY cho rằng, cần cân nhắc ảnh hưởng đến sự phát triển của các đơn vị TGTT khi áp dụng quy định này, đồng thời đề xuất làm rõ khái niệm sở hữu gián tiếp trên cơ sở phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và cần bổ sung cơ chế kiểm soát tỷ lệ này.
Hiện các tổ chức TGTT tích cực đưa ra kiến nghị, vì đa số các công ty trong nước này đều có đối tác nước ngoài nắm phần lớn vốn điều lệ. Đơn cử tại VNPT EPAY, Tập đoàn UTC Investment và Korea Omega Invesment Corp sở hữu 70% cổ phần. Tại Ngân Lượng, MOL Access Portal Sdn. Bhd đã mua và sở hữu 50% cổ phần. Hay ví điện tử True Money trước đây là dự án của CTCP 1PAY, ra đời từ sự hợp tác của MOG Việt Nam (từng là đơn vị chủ quản của 1PAY) và Tập đoàn Ascend Thái Lan, nhưng sau đó 90% vốn của 1PAY đã thuộc sở hữu của Ascend.
Hiện nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đang đổ ngày càng mạnh vào các tổ chức TGTT. Điển hình là SoftBank Vision Fund và Quỹ GIC của Chính phủ Singapore rót gần 300 triệu USD vào Tập đoàn VNLIFE, công ty mẹ của VNPAY. Theo đó, VNLIFE đã gia nhập nhóm các “kỳ lân’, tức các công ty khởi nghiệp tư nhân với mức định giá từ 1 tỷ USD trở lên.
Đầu năm 2019, một fintech có tiếng tăm là M-Service (đơn vị chủ quản ví MoMo) cũng đã gọi vốn thành công 100 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C từ công ty quỹ tư nhân toàn cầu Warburg Pincus. Trước đó, đơn vị này đã nhận khoản đầu tư 5,8 triệu USD từ Goldman Sachs Investment Partners và 28 triệu USD từ Standard Chartered Bank.
Theo NHNN, hiện 5 công ty fintech chiếm 90% thị phần thanh toán đều có vốn ngoại trên 30%, thậm chí có DN tới 90%. Với thực trạng như vậy, nếu hạn chế, đương nhiên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến các tổ chức này nói riêng và thị trường thanh toán nói chung.
Thời điểm nào phù hợp?
Thời điểm nào phù hợp?
Xét trên thực tế hiện nay, tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐTNN tại các tổ chức tín dụng (TCTD) 30% và tại các công ty đại chúng 49%, trong khi đại đa số DN fintech vượt mức này. NHNN cũng đã từng giải thích, nguyên nhân của tình trạng này do chưa có quy định về điều kiện của NĐTNN đầu tư vào lĩnh vực TGTT trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Vì vậy, các cơ quan đăng ký đầu tư (cụ thể là Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hà Nội và TPHCM) đã chấp thuận đề nghị của một số tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT chuyển nhượng cổ phần cho NĐTNN, với các tỷ lệ khác nhau chủ yếu dựa trên đề xuất của các đơn vị này.
Trong dự thảo tờ trình xây dựng nghị định của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt đưa ra vào tháng 7-2018, NHNN đã đề cập đến 2 phương án để lựa chọn nhằm quản lý vấn đề này. Phương án 1: không hạn chế tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại tổ chức TGTT, tùy thuộc vào tiềm lực kinh doanh của từng DN để tự quyết định vấn đề này. Phương án 2: chấp thuận chủ trương tham gia góp vốn của NĐTNN vào tổ chức TGTT, nhưng có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu.
Thực tế, việc hướng dẫn cụ thể điều kiện cho NĐTNN trong lĩnh vực thanh toán do tổ chức không phải là NH tham gia cung ứng, hoặc đưa ra quan điểm rõ ràng của cơ quan quản lý chuyên ngành về lĩnh vực này nhằm bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, giúp DN thuận lợi trong quá trình thực hiện. Mặt khác, hoạt động TGTT có liên quan đến hoạt động NH, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia dịch vụ, cũng như ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong chính sách tiền tệ quốc gia. Nên trong dự thảo nghị định, NHNN đã thể hiện rõ quan điểm muốn siết lại tỷ lệ này với mức 49%.
Ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc Ví MoMo, chia sẻ về mặt quản lý nhà nước, quy định này là cần thiết để bảo vệ các nhà sáng lập fintech Việt Nam nắm giữ quyền kiểm soát chi phối DN. Tuy nhiên, quy định này đưa ra chưa đúng thời điểm, khi hiện vẫn chưa có trường hợp thật sự thành công hay đi đến tận cùng để giúp cho lĩnh vực fintech nói chung và TGTT nói riêng.
“Tất cả DN kể cả MoMo hiện vẫn còn đang ở giai đoạn khởi nghiệp nên vẫn có rủi ro, rất cần kỹ thuật lẫn nguồn vốn của NĐTNN. Nguồn vốn đó sẵn sàng chấp nhận rủi ro đường dài hơn so với quan điểm đầu tư ngắn hạn trong nước. Vì vậy, trong 1-2 năm tới nên tạo điều kiện để các DN khởi nghiệp được phát triển, sau đó Nhà nước có thể cân nhắc việc kiểm soát vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này” - ông Đức đề xuất.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc hạn chế tỷ lệ để hỗ trợ các công ty TGTT đảm bảo an ninh cho hệ thống tiền tệ nên có thời hạn áp dụng. Chẳng hạn áp dụng tỷ lệ này trong vòng 3 năm tới, nếu vẫn đảm bảo được an ninh tiền tệ có thể nới giãn tỷ lệ mức lên trên 49%. Theo đó các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT được cấp phép trước ngày nghị định sửa đổi có hiệu lực, có tỷ lệ vốn góp của NĐTNN cao hơn 49%, sẽ được duy trì cho đến khi có sự thay đổi NĐTNN hoặc hết thời hạn giấy phép cung ứng dịch vụ TGTT.
Lý do NHNN muốn hạn chế tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại các công ty fintech vì lo ngại vấn đề lũng đoạn hệ thống tiền tệ và mất an ninh hệ thống tiền tệ. Điều này đúng nhưng sẽ cản trở việc đầu tư các công ty fintech và chắc chắn sẽ ảnh hưởng hệ thống thanh toán. TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính |