Cổ phiếu bán lẻ đối mặt làn sóng bán tháo

(ĐTTCO) - Kết quả kinh doanh sa sút là nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu (CP) bán lẻ mất đi sức hấp với nhà đầu tư (NĐT). Đặc biệt, trong bối cảnh sức mua kém như hiện tại, CP bán lẻ khó có cơ hội bứt phá, thậm chí có nguy cơ bị bán tháo mạnh hơn sau mùa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý I năm nay.
Chuỗi Bách hóa Xanh của MWG liên tục lỗ tính từ năm 2016 đến nay và phải tạm đóng cửa hàng trăm điểm.
Chuỗi Bách hóa Xanh của MWG liên tục lỗ tính từ năm 2016 đến nay và phải tạm đóng cửa hàng trăm điểm.

Nhu cầu tiêu dùng suy giảm

Suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến sức chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam. Nguyên nhân do hoạt động xuất khẩu suy giảm, dẫn đến thu hẹp thời gian làm việc người lao động và khiến thu nhập khả dụng thấp hơn. Việc suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt đối với hàng tiêu dùng không thiết yếu, đã thể hiện rõ trong kết quả tài chính của các công ty bán lẻ.

Hầu hết công ty bán lẻ trong ngành điện thoại, điện máy đều phải vật lộn với nhu cầu giảm đột ngột, kết hợp với mức nền cao trong cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến kết quả hoạt động kém trong quý này.

Báo phân tích về ngành bán lẻ vừa được CTCK Rồng việt (VDSC) công bố, đã cho thấy bức tranh khá ảm đạm của các doanh nghiệp bán lẻ đang niêm yết. Với các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp (trang sức), người tiêu dùng tương đối miễn nhiễm với các vấn đề liên quan đến thu nhập, nhưng các sản phẩm tiêu dùng lâu bền, bao gồm nhưng không giới hạn ở điện thoại, máy tính và máy tính xách tay… vốn dễ thay đổi theo nhu cầu của họ, đã bị ảnh hưởng đáng kể trong quý IV-2022.

Các nhà bán lẻ trong phân khúc bị tác động tiêu cực kể trên, với điển hình là 2 ông lớn CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) và CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT).

Doanh nghiệp sa sút

BCTC quý IV-2022 vừa được MWG công bố phần nào cho thấy những khó khăn doanh nghiệp này đang đối mặt. Cụ thể, lợi nhuận trong kỳ giảm mạnh 60,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 619 tỷ đồng, mức thấp trong nhiều năm trở lại đây. Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận ròng của MWG đạt 4.102 tỷ đồng (giảm 16%).

Tuy nhiên, những con số khiến cổ đông “bật ngửa” về doanh nghiệp, là những khoản lỗ khủng từ các chuỗi bán lẻ “tích tụ” trong nhiều năm lần đầu được hé lộ.

Đơn cử, chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh (BHX) với lỗ tính thuế của chuỗi tăng liên tục từ 2016 đến 2020. Dù mức thua lỗ giảm xuống 966 tỷ đồng trong năm 2021, nhưng bất ngờ tăng vọt lên 2.744 tỷ vào năm 2022. Với khoản lỗ mới nhất của năm 2022, tổng lỗ thuế 7 năm từ khi thành lập của BHX lên gần 7.200 tỷ đồng.

Tương tự, chuỗi nhà thuốc An Khang của MWG trong năm 2022 cũng ghi nhận lỗ thuế 306 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế từ 2019 đến nay gần 320 tỷ đồng. Tại thị trường Campuchia, chuỗi bán lẻ di động Bluetronics của MWG cũng lỗ liên tục từ năm 2017 đến nay.

Đáng chú ý, trong 2 năm 2021-2022, Bluetronics lỗ 187 tỷ đồng và 330 tỷ đồng. Sự sa sút của MWG còn thể hiện qua thương vụ thâu tóm CTCP Thế giới số Trần Anh (TAG). Sau khi về tay MWG (tháng 1-2018), từ mức doanh thu hàng ngàn tỷ đồng của hơn 30 cửa hàng, đến nay TAG chỉ ghi nhận mức doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm, trong khi lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động tài chính. Trong thông báo mới vừa phát đi cuối tuần trước, MWG tuyên bố sẽ đóng cửa 2 chuỗi cửa hàng AVASport và Bluetronics.

BCTC quý IV-2022 của FRT cũng là bức tranh với gam màu tối. Theo đó, lợi nhuận sau thuế trong kỳ chỉ đạt 80 tỷ đồng, giảm 253 tỷ đồng (tương đương 76%) so với cùng kỳ 2021. Theo giải trình của doanh nghiệp này, nguyên nhân do quý IV-2021 nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng điện tử như laptop, iPad phục vụ nhu cầu làm việc và học tập trong mùa Covid-19 tăng cao.

Trong khi đó, ở quý cuối của năm 2022, doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy nguồn cung do các nhà máy tại Trung Quốc đóng cửa.

Đặc biệt nhu cầu hàng hóa giảm bởi các yếu tố vĩ mô không thuận lợi khi lạm phát và lãi suất tăng. Lãi suất tăng kéo theo chi phí tài chính của FRT tăng 64% so với cùng kỳ.

Áp lực lên giá CP

2022 cũng là năm nhiều công ty bán lẻ đã trải qua những thay đổi chiến lược quan trọng. Một số phải tạm dừng kế hoạch mở rộng để bảo toàn nguồn lực tài chính trước chính sách kinh tế thắt chặt, trong khi những công ty khác giảm biên lợi nhuận gộp để thúc đẩy doanh số bán hàng trong môi trường nhu cầu yếu.

Thậm chí, các doanh nghiệp bán lẻ còn gây sốc khi mạnh tay cắt giảm hơn 7.000 lao động (tương đương 4%) trong vòng 3 tháng, như trường hợp của MWG. Cho dù MWG tuyên bố đây là con số do nhầm lẫn, nhưng sự bất ổn trong ngành đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng ngành và tạo áp lực giảm giá lên giá CP khi NĐT đẩy mạnh xả hàng.

Sau khi những thông tin kể trên bị tiết lộ, CP của doanh nghiệp này bị bán ra khá mạnh và điều chỉnh giảm trong 6 phiên liên tục, từ xấp xỉ 48.000 đồng, xuống còn 42.000 đồng (tương đương 12,5%). Đặc biệt, nếu so với mức giá ở thời điểm cách đây hơn 1 năm là 80.000 đồng, MWG đã bị “bốc hơi” khoảng 50% giá trị.

Tương tự, thời điểm hoàng kim nhất của FRT (tháng 5-2022), CP của doanh nghiệp này tăng vọt lên gần 160.000 đồng. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh liên tục đi xuống kể từ quý IV-2022, FRT “cắm đầu” trước áp lực bán tháo từ cổ đông nắm giữ và có thời điểm giảm xuống sát mốc 70.000 đồng, tương đương mức giảm hơn 55%. Một doanh nghiệp bán lẻ đang niêm yết khác là CTCP Thế giới số (DGW) cũng ghi nhận mức giảm lên đến 44,3%, so với mức giảm chỉ 18,2% của VN Index trong 6 tháng qua.

Theo dự báo của giới phân tích, khả năng phục hồi của hoạt động xuất khẩu sẽ thúc đẩy nhu cầu trên thị trường lao động và tiêu dùng trong nước từ quý II. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi lợi nhuận của các công ty bán lẻ sẽ chậm hơn so với tốc độ phục hồi của nền kinh tế, vì người tiêu dùng sẽ cần thời gian để tích lũy lại khoản tiết kiệm và lấy lại niềm tin vào sức mua của mình.

Tuy nhiên, trước khi đón nhận những tín hiệu tích cực này, nhóm CP bán lẻ sẽ phải đối mặt với làn sóng bán tháo sắp tới của NĐT, khi BCTC quý I được công bố với những con số còn tiêu cực hơn so với quý trước đó.

Với lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022, nhiều cổ đông hy vọng HĐQT của MWG ngừng các kế hoạch phát hành CP ESOP. Theo cổ đông, chính sách này chỉ phục vụ cho lợi ích của Ban lãnh đạo, trong khi cổ đông nắm giữ thua lỗ nặng do CP “cắm đầu”.

Các tin khác