Ở phiên sáng, áp lực cung tiếp tục đè nặng lên CP bất động sản và nhóm ngành liên quan như xây dựng và thép. Sự suy yếu của nhóm ngành kể trên tác động tiêu cực lên nhóm CP ngân hàng và CK. Diễn biến không thuận lợi này khiến cho VN Index không còn động lực tăng điểm, thậm chí còn giảm sâu xuống dưới mốc 1.030 điểm.
Sắc đỏ duy trì trong toàn bộ thời gian của phiên sáng và nửa đầu phiên chiều. Tuy nhiên, ở thời điểm “nhạy cảm” 14 giờ của thị trường, dòng tiền bất ngờ được đẩy mạnh vào nhóm CP bất động sản.
Sự hồi phục của nhóm ngành này trở thành động lực cho sự “đồng khởi” đi lên ở các nhóm ngành còn lại. Kết phiên hôm nay 8-3, VN Index tăng mạnh 11,34 điểm, tương đương 1,09%, lên 1.049,18 điểm.
Toàn sàn HoSE có 256 mã tăng, 123 mã giảm và 80 mã đi ngang. Phía rổ VN30, số mã tăng chiếm áp đảo với 27 mã, trong khi số mã giảm là 3 mã gồm: MWG, PLX và SAB.
Theo thống kê, các mã CP giao dịch tích cực nhất trong rổ VN30 là VPB (tăng 4,3%), PDR (tăng 4,9%), SSI (tăng 2,1%), TPB (tăng 1,9%), VRE (tăng 2,4%), MSN (tăng 2,7%), BID (tăng 2,3%), BVH (tăng 1,4%), ACB (tăng 2%), GAS (tăng 1,3%).
Phiên hôm nay, khối ngoại tiếp tục gia tăng khối lượng giao dịch, với tổng giá trị mua là 2.100 tỷ đồng, tổng giá trị bán ra là 1.707 tỷ đồng, tương đương giá trị mua ròng hơn 394 tỷ đồng.
Việc dòng tiền trở lại trong đợt khớp lệnh ATC giúp thanh khoản của sàn HoSE tăng nhẹ so với phiên trước. Cụ thể, có hơn 510 triệu CP được chuyển nhượng thành công, tương đương giá trị giao dịch đạt 8.537 tỷ đồng. Tính trên toàn thị trường, tổng giá trị giao dịch đạt 9.750 tỷ đồng.
HNX Index và UPCoM Index cũng có phiên giao dịch khởi sắc với số điểm tăng lần lượt là 1,18 điểm (0,57%) và 0,32 điểm (0,42%).