Sau khi Chính phủ có hàng loạt chính sách siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp như Nghị định 153 và Nghị định 65, nhóm CP bất động sản bị bán tháo và điều chỉnh mạnh. Bởi đây là nhóm ngành có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp rất lớn, chỉ đứng sau ngân hàng.
Chính vì vậy, việc Nghị định 08 vừa ban hành với quy định cho phép doanh nghiệp giãn thời hạn thanh toán tối đa 2 năm không khác gì “liều thuốc giải” cho các doanh nghiệp đang chịu áp lực vốn để chi trả số trái phiếu tới hạn.
Lực cầu đổ vào nhóm bất động tăng đột biến ngay từ những phút đầu tiên của phiên sáng, giúp cho nhiều rơi vào trạng thái “cháy hàng”. Thậm chí, nhóm CP bất động sản chiếm số lượng áp đảo trong danh sách nhóm CP tăng trần của sàn HoSE.
Tại thời điểm sau 11 giờ, toàn sàn HoSE có 13 mã tăng trần, trong đó nhóm CP bất động sản có đến 9 mã tím gồm: DIG, DXG, SCR, HQC, NVL, LDG, PDR, HPX, IJC.
Sắc xanh từ nhóm bất động sản lan ra khắp bảng điện với gần 300 mã tăng trong khi số mã giảm chưa đầy 70 mã.
Cũng tại thời điểm sau 11 giờ, VN Index ghi nhận số điểm tăng hơn 15 điểm (tương đương 1,5%) lên 1.040 điểm.
Bước sang phiên chiều, áp lực cung bất ngờ gia tăng ở tất cả các nhóm ngành khiến cho đà tăng của nhiều mã CP bị "khựng" lại. Tuy nhiên, nhóm CP bất động sản vẫn hút được dòng tiền và phần lớn kết phiên trong sắc xanh.
Trái ngược với phong độ của bất động sản, loạt mã CP của các nhóm ngành: ngân hàng, CK, thép... quay đầu giảm trước áp lực bán ra từ bên nắm giữ.
Mất nguồn lực hỗ trợ, VN Index kết phiên hôm nay chỉ tăng nhẹ 2,41 điểm (tương đương 0,24%) lên 1.027,18 điểm.
Số mã tăng giá trên sàn HoSE cũng "hao hụt" mạnh so với thời điểm cuối phiên sáng. Cụ thể, có mã tăng 222 (15 mã tăng trần), so với 155 mã giảm (15 mã giảm sàn) và 84 mã đứng giá.
Theo thống kê, nhóm CP giúp VN Index giữ được sắc xanh gồm: CTG, HDB, NVL, DPR, SSI, TCB, VHM... Phía ngược lại, tác động tiêu cực lên chỉ số là các mã trụ như: VJC, VNM, SAB, MSN, GAS, BVH.