Sau ‘lùm xùm’ room ngoại, STB nhiều khả năng bị loại khỏi 2 quỹ ETF

(ĐTTCO) - Sau những tranh cãi gần đây về room ngoại tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (STB), cổ đông của ngân hàng này còn đón nhận thông tin không mấy tích cực từ các dự báo về đợt tái cơ cấu quý I của 2 quỹ ETF ngoại trong những ngày tới.
Sau ‘lùm xùm’ room ngoại, STB nhiều khả năng bị loại khỏi 2 quỹ ETF

Đầu tháng 12-2022, HĐQT của Quỹ VanEck Vietnam ETF (VNM ETF) đã xem xét và thông qua loạt chính sách mới như: thay đổi chỉ số chuẩn của Quỹ từ MVIS Vietnam Index sang MarketVector Vietnam Local Index, thay đổi mục tiêu đầu tư và chiến lược đầu tư.

Vì danh mục cũ của Market Vector Vietnam Index không tồn tại nên VNM ETF phải thêm vào 2 mã DCM và DXG để đồng bộ với danh mục mới Market Vector Vietnam Local Index. Tuy nhiên, ở phía ngược lại, VNM ETF sẽ loại STB do điều kiện room ngoại đã đạt ngưỡng tối đa.

Cũng nằm trong tiêu chí room ngoại đã đạt ngưỡng tối đa, STB sẽ bị Quỹ DB x-trackers FTSE Vietnam ETF (FTSE ETF) loại khỏi rổ chỉ số trong kỳ tái cơ cấu quý I sắp tới. Tương tự, mã PLX bị loại do không điều điều kiện thanh khoản, freefloat và room ngoại. Phía ngược lại, FTSE thêm EIB vào rổ chỉ số do mã CP đáp ứng đủ các điều kiện của quỹ.

Dự kiến, cả 2 quỹ ETF ngoại này sẽ cùng thực hiện đợt tái cơ cấu quý I-2023 trong phiên giao dịch ngày 17-3.

Trước đó, ngày 14-2, STB gửi văn bản lên VSD, UBCKNN, HoSE đề nghị xem xét lại tỷ lệ sở hữu tối đa được phép của NĐTNN. Theo STB, room ngoại tại nhà băng này chỉ là 23,63468%, thay vì mức 30% như VSD thông báo.

Đến ngày 16-2, VSD đã có công văn cho tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐTNN đối với STB là 30% vốn điều lệ hiện tại. VSD khẳng định từ sau các công văn năm 2014, STB chưa gửi bất kỳ đề nghị thay đổi tỷ lệ sở hữu 30% của NĐTNN.

Ngày 17-2, STB có văn bản khẳng định từ 2016 đến nay, tính cả thời điểm ngân hàng đã hoàn tất niêm yết bổ sung toàn bộ 400 triệu CP phát hành thêm sau khi sáp nhập Southern Bank, tỷ lệ sở hữu của NĐTNN đối với STB do VSD công bố liên tục trong nhiều năm là 23,63468%.

Theo STB, việc VSD giữ nguyên tỷ lệ cũ (23,6%) trong thời gian dài và đột ngột thay đổi tỷ lệ mới mà không thông báo chính thức đến NĐT, gây ảnh hưởng đến hoạt động cũng như chiến lược phát triển của nhà băng.

Các tin khác