STB nhọc nhằn xử lý nợ xấu

(ĐTTCO)- NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV-2015 với lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng. Đây là điều được tiên liệu trước, bởi khối nợ xấu NH này phải gánh sau thương vụ sáp nhập với NH  TMCP Phương Nam (PNB).

Quý IV lỗ nặng

Theo BCTC riêng lẻ quý IV-2015, thu nhập lãi thuần quý IV đạt 840 tỷ đồng (giảm 29,3%). Lũy kế cả năm thu nhập lãi thuần vẫn ổn định ở mức 6.278 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với năm ngoái ở mức 6.324 tỷ đồng.

Theo thống kê, lãi thuần từ dịch vụ quý IV của STB đạt 288 tỷ đồng (tăng 30%) và lãi từ hoạt động khác tăng hơn 15 lần, đạt 505 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối quý IV lỗ 21 tỷ đồng và thu nhập từ góp vốn cũng lỗ gần 28 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2015, huy động vốn từ khách hàng của Sacombank tăng 59,6% so với đầu năm, đạt 259.427 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 44,7% với tổng dư nợ 178.397 tỷ đồng. Do nhận sáp nhập PNB nên mặc dù đã mạnh tay trích lập dự phòng, chất lượng nợ cũng có thay đổi theo chiều hướng gia tăng, với tỷ lệ nợ xấu từ 1,19% đầu năm lên 1,87% vào cuối năm. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến từ 980 tỷ đồng lên 3.029 tỷ đồng.

Như vậy, tổng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro của STB quý IV là 387 tỷ đồng (giảm 42,6%) và cả năm giảm 10,5% xuống 3.403 tỷ đồng. Tuy nhiên, do dự phòng rủi ro tăng vọt, từ mức 187 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014 lên tới 1.125 tỷ đồng trong quý cuối năm 2015, tương đương dự phòng tăng gấp hơn 6 lần và cả năm phần dự phòng cũng tăng gấp hơn 2 lần khiến lợi nhuận của STB bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cụ thể, riêng quý IV STB lỗ trước thuế 738 tỷ đồng và lỗ sau thuế 583 tỷ đồng. Như vậy, kết quả kinh doanh quý IV đã khiến lợi nhuận của STB sụt giảm đáng kể sau thành quả đạt được trong 9 tháng năm 2015 là 2.140 tỷ đồng.

Mặc dù thua lỗ trong quý IV, nhưng lũy kế cả năm STB vẫn ghi nhận được mức lãi trước thuế 1.289 tỷ đồng (giảm 55%). Đặc biệt, con số lợi nhuận này đã giúp STB vượt gần 30% so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm (chỉ tiêu điều chỉnh sau khi nhận sáp nhập PNB ở mức 1.002 tỷ trước thuế và sau thuế 782 tỷ đồng).

Việc STB vẫn vượt chỉ tiêu năm 2015 dù lợi nhuận quý IV không như kỳ vọng đã phần nào cho thấy khả năng nắm bắt tình hình của HĐQT từ đó chủ động đề ra kế hoạch hợp lý. Khi đề ra đề án sáp nhập PNB, STB cũng dự kiến việc dự phòng rủi ro của NH tăng, làm giảm kết quả hoạt động trong 3 năm đầu của NH sau sáp nhập.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2015 là 1.002 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng), năm 2016 là 1.132 tỷ đồng (sau thuế 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (sau thuế 1.039 tỷ đồng), giảm khá mạnh so với quy mô từ 2.800-3.000 tỷ đồng của STB ở những năm trước.

Ảnh minh họa: LONG THANH

Ảnh minh họa: LONG THANH

Bao giờ hết nợ xấu?

Mặc dù STB đã mạnh tay trích lập dự phòng, nhưng chất lượng nợ cũng có thay đổi theo chiều hướng gia tăng, đặc biệt sau khi sáp nhập với PNB. Theo thống kê, tỷ lệ nợ xấu của STB gia tăng mạnh từ mức 1,19% đầu năm 2015 lên 1,87% vào cuối năm. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến từ 980 tỷ đồng lên 3.029 tỷ đồng.

Theo nhận định của một số chuyên gia, trước đây trong tài liệu sáp nhập STB có đề cập đến việc CK hóa các khoản cho vay của PNB. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng tín dụng là 45%, nhiều khả năng NHNN đã không chấp thuận cho STB thực hiện phương án này.

Bên cạnh đó, các khoản lãi, phí phải thu tăng đột biến, từ 5.000 tỷ đồng năm 2014 lên 25.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015, điều này có thể được lý giải một phần bởi việc STB đã tái cấu trúc một số khoản cho vay, phần nhiều từ PNB.

Hiện tại, đây mới chỉ là BCTC chưa kiểm toán nên NĐT vẫn phải chờ đợi BCTC sau kiểm toán để khẳng định những hướng giải quyết trên đây của NH có phải là quyết định cuối cùng không. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều CTCK khuyến nghị NĐT tư nên tiếp tục theo dõi CP này.

Có thể nói, nợ xấu STB phải gánh cho PNB chính là nút thắt cực kỳ quan trọng đối với NH này. Việc xử lý mớ nợ xấu này cũng không hề đơn giản và ngay cả NHNN cũng hết sức quan tâm.

Ngay thời điểm PNB sáp nhập vào STB, đã có nhiều dự báo phân tích về phương án xử lý nợ xấu từ PNB và mức độ tác động. Chẳng hạn, theo dự báo của một CTCK công bố cuối năm 2015, STB có thể sẽ mất tới 4 năm để giải quyết khoản nợ xấu so với lợi ích chưa mấy rõ ràng từ việc mở rộng mạng lưới và quy mô tài sản.

Đặc biệt, lợi nhuận của STB sẽ bị bào mòn đáng kể trong năm 2015-2016 do chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh. Và cho dù có những dự báo tăng trưởng cao sau đó, nhưng ít nhất phải đến năm 2019 lợi nhuận trước thuế của STB mới có khả năng hồi phục về mức của năm 2014.

Bù lại, với lợi thế về quy mô có được từ sự sáp nhập và lợi thế sẵn có trong hoạt động NH bán lẻ, nếu tái cơ cấu thành công STB sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng với chất lượng tài sản tốt và khả năng sinh lời cao từ năm 2019 trở đi.

CP STB hiện đang giao dịch quan mốc 11.000 đồng/CP, tương đương P/B là 0,84x và P/E là 8,16x.

Các tin khác