Nasdaq Composite giảm hơn 1%
Khép phiên, chỉ số Nasdaq sụt 1.04% xuống 13,773.61 điểm, ghi nhận phiên giảm đầu tiên trong 3 phiên. Chỉ số S&P 500 hạ 0.57% còn 4,461.90 điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones rớt 17.73 điểm, tương đương 0.05%, xuống 34,645.99 điểm.
Cổ phiếu Oracle ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2002. Cổ phiếu công ty phần mềm này giảm mạnh nhất trong S&P 500, trượt 13.5% sau khi doanh số bán hàng trong quý trước không đạt kỳ vọng và dự báo doanh thu cũng gây thất vọng. Oracle đã công bố kết quả kinh doanh quý tài chính đầu tiên vào cuối ngày thứ Hai. Cổ phiếu các đối thủ cạnh tranh về nền tảng đám mây – bao gồm Amazon, Alphabet và Microsoft – cũng đồng loạt giảm.
Kim Forrest, Nhà sáng lập Bokeh Capital Partners, cho hay: “Oracle, không phải là một cổ phiếu siêu lớn, nhưng nó để xem xét chi tiêu của doanh nghiệp – và các doanh nghiệp lớn hơn – đã gây thất vọng trong ngày hôm nay, và đó là một trong những yếu tố đang kìm hãm cả Nasdaq và S&P 500.”
Cổ phiếu Apple cũng bốc hơi 1.7% sau khi ra mắt mẫu iPhone mới vào chiều thứ Ba. Trong khi đó, cổ phiếu Adobe rớt 4% trước khi công bố kết quả kinh doanh trong tuần này.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu năng lượng cũng được thúc đẩy tăng điểm. Cổ phiếu Chevron và Exxon Mobil lần lượt tiến 1.9% và 2.9%.
Nhiều sự chú ý tập trung vào dữ liệu lạm phát quan trọng công bố vào cuối tuần này, với chỉ số giá tiêu dùng CPI dự kiến công bố vào thứ Tư và chỉ số giá sản xuất PPI công bố vào thứ Năm. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng chuẩn bị công bố quyết định lãi suất mới nhất vào ngày 14/9.
OPEC dự đoán nguồn cung thắt chặt
Kết phiên, hợp đồng dầu Brent cộng 1.42 USD, tương đương 1.6%, lên 92.06 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI thêm 1.55 USD, tương đương 1.8%, lên 88.84 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng dầu vẫn ở mức quá mua (overbought) về mặt kỹ thuật trong phiên thứ 8 liên tiếp, và khép phiên ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.
OPEC vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 và năm 2024, với các dấu hiệu cho thấy những nền kinh tế lớn mạnh mẽ hơn kỳ vọng. Báo cáo định kỳ hàng tháng của OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2.25 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Tiếp tục khiến nguồn cung khan hiếm, Ả-rập Saudi và Nga vào tuần trước đã gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1.3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm. OPEC, Nga và các nhà sản xuất đồng minh được gọi chung là nhóm OPEC+.
Thành viên OPEC Libya đã đóng cửa 4 cảng xuất khẩu dầu ở phía đông do một cơn bão lớn, trong khi thành viên OPEC+ Kazakhstan giảm sản lượng dầu hàng ngày để bảo trì.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu toàn cầu sẽ tăng từ 99.9 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 101.2 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và lên 102.9 triệu thùng/ngày trong năm 2024, trong khi nhu cầu thế giới sẽ tăng từ 99.2 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 101.0 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và lên 102.3 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Con số dự báo trên đều cao hơn mức sản lượng dầu kỷ lục 100.5 triệu thùng/ngày trong năm 2018 và mức tiêu thụ nhiên liệu kỷ lục 100.8 triệu thùng/ngày của thế giới hồi năm 2019, theo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn của EIA.
EIA cũng dự báo dự trữ dầu toàn cầu giảm gần 500,000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023, do giá dầu thô tăng với dầu Brent trung bình đạt 93 USD/thùng trong quý 4/2023.
Tại Mỹ, EIA dự báo sản lượng dầu thô sẽ tăng từ 11.9 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 12.8 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và lên 13.2 triệu thùng/ngày trong năm 2024, trong khi tiêu thụ nhiên liệu sẽ tăng từ 20.0 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 20.1 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và lên 20.3 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Sản lượng dầu thô tại Mỹ sẽ cao hơn mức sản lượng dầu thô kỷ lục 12.3 triệu thùng/ngày trong năm 2019, trong khi, tiêu thụ nhiên liệu tại Mỹ sẽ thấp hơn mức tiêu thụ kỷ lục 20.8 triệu thùng/ngày trong năm 2005.