Cổ phiếu doanh nghiệp nào hưởng lợi nhờ tăng trưởng tiêu dùng và GDP?

(ĐTTCO) - GDP quý III nếu đạt 10% so với cùng kỳ năm trước sẽ là một chất xúc tác quan trọng để các nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

GDP quý II tăng trưởng vượt bậc nhờ tiêu dùng nội địa

Theo số liệu thống kê, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,7% trong quý II so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng hàng quý nhanh nhất trong hơn một thập kỷ nhờ tiêu dùng nội địa gia tăng mạnh mẽ.

Tăng trưởng GDP quý II vượt bậc thúc đẩy giới phân tích nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6,5% lên 7,5%. Thâm chí, tăng trưởng GDP trong quý III có khả năng vượt 10% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong quý cùng kỳ năm 2021 dẫn tới mức GDP thấp khi so sánh với hoạt động của quý III năm nay.

Theo ông Michael Kokalari, Chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, GDP quý III đạt 10% so với cùng kỳ năm trước sẽ là một chất xúc tác quan trọng để các NĐT đổ tiền vào TTCK, nhất là trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam đang ở mức khiêm tốn. Hiện lạm phát ở Việt Nam chỉ 3,4% so với cùng kỳ vào cuối tháng 6.

Tỷ lệ lạm phát thấp của Việt Nam đã được nhấn mạnh trong một bài báo trên Tạp chí Economist, xuất phát từ khả năng sản xuất dư lương thực của Việt Nam để cho người dân. Vì thế, ảnh hưởng chính đến lạm phát ở Việt Nam là do giá dầu toàn cầu tăng vọt. Thế nên việc giá dầu giảm gần đây sẽ giúp các NĐT có thể yên tâm về quỹ đạo lạm phát có thể xảy ra ở Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2022.

Thêm vào đó, Chính phủ Việt Nam đã giảm thuế môi trường vào ngày 1-4 và một lần nữa vào ngày 11-7 đã giúp giảm giá xăng bán lẻ tổng cộng khoảng 10%, mặc dù giá xăng hiện vẫn tăng gần 40% so với cùng kỳ.

“Quan trọng là ngay cả sau những đợt cắt giảm thuế này, Chính phủ vẫn có khả năng giảm giá xăng dầu thêm 26%. Đây là yếu tố sẽ làm giảm khoảng 1,5% điểm CPI của Việt Nam”, ông Michael Kokalari nhận định.

Nhóm ngành hưởng lợi

Cũng theo ông Michael Kokalari, việc tăng trưởng tiêu dùng nội địa đã thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm và cũng đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp tiêu dùng không thiết yếu đang niêm yết trên TTCK.

Đơn cử là DGW (Digiworld), doanh nghiệp bán lẻ chuyên về điện tử tiêu dùng/điện thoại di động và nhà bán lẻ trang sức PNJ (Vàng Phú Nhuận) ước đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 50-60% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Tương tự, lợi nhuận của FRT (FPT Retail) ước tăng gấp 5 lần nhờ sự tăng trưởng doanh thu từ bán lẻ không thiết yếu như điện thoại iPhone và các sản phẩm điện tử tiêu dùng khác. Bên cạnh đó, doanh thu của chuỗi nhà thuốc Long Châu do các bệnh nhân quay trở lại với thói quen phòng chữa bệnh như trước Covid-19.

Covid-19 tại Việt Nam cơ bản đã kết thúc, du lịch nội địa đã hoàn toàn phục hồi và thậm chí vượt mức trước đại dịch. Vì vậy lợi nhuận của ACV (Cảng Hàng không Việt Nam) đã tăng hơn gấp đôi.

Với các doanh nghiệp bất động sản như NLG (Nam Long) hay VHM (Vinhomes) thì “doanh thu ký bán” để mua các sản phẩm nhà ở mới được xây dựng đã tăng hơn 100% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm.

“Thực tế, đã có những hình ảnh và tin tức về người mua xếp hàng để đặt cọc cho các bất động sản họ muốn mua và “giá trị hợp đồng ký bán” tăng mạnh sẽ được chuyển thành mức doanh thu và lợi nhuận tốt trong trung hạn, khi mà các sản phẩm nhà ở được hoàn thiện và bàn giao cho người mua”, theo nhận định của ông Michael Kokalari về nhóm CP bất động sản.

Các tin khác