Cổ phiếu ngành nào hưởng lợi từ thương mại Việt - Mỹ?

(ĐTTCO) - VN Index không có phản ứng tích cực với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhưng về lâu dài thị trường chắc chắn sẽ hưởng lợi.
Thủy sản sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi từ thương mại Việt - Mỹ.
Thủy sản sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi từ thương mại Việt - Mỹ.

Lịch sử tăng giá

Từ năm 1996 đến nay đã có 6 lần tổng thống Mỹ thăm chính thức Việt Nam. Thống kê những lần gần đây nhất, trước mỗi chuyến thăm của tổng thống Mỹ, thị trường chứng khoán (TTCK) thường bật tăng mạnh nhờ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư (NĐT) vào mối quan hệ song phương giữa 2 nước.

Bởi Mỹ là một trong những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Thí dụ, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump năm 2019 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ. Giai đoạn này, VN Index tăng từ 889 điểm lên 1.005 điểm (tương đương mức tăng 13%).

Trước đó tham dự Hội nghị APEC năm 2017 của Tổng thống Donald Trump, VN Index cũng bật tăng mạnh. Cụ thể, chỉ trong tháng 11, VN Index tăng từ 838 điểm lên 960 điểm (tương đương mức tăng 14,5%).

Năm 2016, Tổng thống Barack Obama thăm chính thức Việt Nam. Trong thời điểm đó, VN Index tăng từ 595 điểm lên 621 điểm (tương đương tăng 4,3%). Năm 2006, Tổng thống George W. Bush đã đến thăm Trung tâm Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), gặp gỡ quan chức của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, và đích thân gõ cồng mở cửa phiên giao dịch.

Trước thời điểm này 1 tháng, VN Index đã tăng 11,4%, sau thời điểm Tổng thống Bush đến Việt Nam, VN Index tăng tới 38,6%, từ 584 điểm lên 809 điểm. Tính trong khoảng thời gian 1 tháng sau đó, chỉ số này liên tục bứt phá. Đỉnh điểm là ngày 12-3-2007, VN Index đã lập đỉnh 1.170 điểm.

Ngược về thời điểm tháng 11-2000, ông Bill Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên tới Việt Nam, 25 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Thời điểm đó, TTCK mới đi vào hoạt động được khoảng vài tháng và chỉ có 1 chỉ số là VN Index. Tuy nhiên, 1 tháng sau khi Tổng thống Clinton có chuyến thăm Việt Nam, VN Index đã tăng 17,7%, từ mức 162 điểm lên 191 điểm.

Nhiều kỳ vọng trong tương lai

Các chuyên gia phân tích CTCK VNDirect (VNDS), cho rằng TTCK thường diễn biến khá tích cực mỗi khi tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam. Điều này do những kỳ vọng về sự cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sau mỗi chuyến thăm. Hiện Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; đồng thời là nhà đầu tư lớn thứ 11 vào Việt Nam.

Các nhóm CP năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, thủy sản, gỗ, bất động sản, dệt may… kỳ vọng hưởng lợi từ thương mại Việt - Mỹ.

Trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Biden, nhiều tập đoàn lớn tháp tùng và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam như Boeing, Google, Walmart… Đặc biệt, Việt Nam và Mỹ nhất trí nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Những thông tin này sẽ hỗ trợ tích cực cho các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao sang thị trường Mỹ như thủy sản, đồ gỗ, vật liệu xây dựng. Hiện tồn kho tại thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ đang tạo đáy, sẽ giúp hoạt động xuất khẩu phục hồi tốt hơn trong các tháng cuối năm 2023. Bên cạnh đó, việc đồng USD lên giá cũng sẽ tạo tác động tích cực đến lợi nhuận các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Chuyến thăm Việt Nam của ông Biden được kỳ vọng có thêm các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ. Có thể lấy dẫn chứng: Sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc vào cuối tháng 6 vừa qua, đã có thêm hơn 1,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký từ Hàn Quốc vào Việt Nam chỉ trong 1 tháng. Từ đó, giới đầu tư kỳ vọng các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự gia tăng nguồn vốn FDI.

Nhận diện CP hưởng lợi

Với ngành bất động sản khu công nghiệp, 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 13,43 tỷ USD. Trong đó, nhà đầu tư Mỹ mới đóng góp hơn 405 triệu USD, đứng thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Con số này là khá thấp so với tổng vốn 120 tỷ USD Mỹ đầu tư ra nước ngoài. Chính vì vậy, chắc chắn vốn FDI từ Mỹ sẽ có sự bứt phá trong thời gian tới.

Theo thông tin từ Tuyên bố chung Việt - Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ mong muốn làm ăn lâu dài với Việt Nam ở 4 lĩnh vực gồm: năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, giáo dục và đổi mới sáng tạo, công nghệ bán dẫn. Các lĩnh vực này phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam, nên khả năng thu hút FDI trong các lĩnh vực này rất lớn.

Theo đó, các mã cổ phiếu (CP) được hưởng lợi từ dòng vốn FDI này sẽ là FPT, KBC, VCG, SZC, GVR. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua. Năm 2022, Mỹ gặp vấn đề suy thoái kinh tế nên xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ sụt giảm.

Nhưng từ cuối năm 2023, khi nhu cầu tiêu dùng người dân Mỹ hồi phục, ngành thủy sản kỳ vọng phục hồi nhờ thị trường Mỹ. Theo đó, nhóm CP thủy sản hưởng lợi từ thị trường Mỹ là VHC, ANV, FMC, IDI, ACL, AAM, MPC.

Với ngành gỗ, thị trường trọng điểm bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU. Trong đó, Mỹ là thị trường Việt Nam xuất khẩu gỗ lớn nhất. Vì vậy, ngành gỗ cũng có kỳ vọng khả quan đối với sự kiện Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam. Lạm phát Mỹ ở mức cao thời gian qua đã làm hạn chế chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ.

Cùng với đó, ngành bất động sản tại Mỹ cũng đang ở giai đoạn trầm lắng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây lạm phát Mỹ liên tục giảm mạnh nhờ vào chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed và thị trường bất động sản nhà ở của Mỹ có khả năng đã tạo đáy và sẽ khởi sắc kể từ năm 2024, từ đó kéo theo nhu cầu dành cho gỗ nội thất phục hồi. Theo đó, nhóm CP ngành gỗ xuất khẩu được kỳ vọng là PTB, ACG, GDT, GTA, SAV.

Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may. Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 7 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả ngành.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ giảm 25,4%. Nguyên nhân do thắt chặt chi tiêu của người dân bởi lạm phát. Nhưng hiện lạm phát Mỹ đã liên tục giảm mạnh, Fed sẽ dần chuyển chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng tiền tệ. Theo đó, nhóm CP được kỳ vọng là MSH, TNG, STK, VGT.

Các tin khác