Thị trường tăng vẫn thua
Chị Thu, một NĐT tại TPHCM, vừa quyết định bán ra hơn 20.000 CP của CTCK VIX với mức giá chưa đầy 30.000 đồng/CP. Số CP này chị Thu mua vào thời điểm giữa tháng 3 với mức giá hơn 40.000 đồng/CP, kỳ vọng mã CK này sẽ còn tăng cao sau khi CTCK công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý I nhờ hưởng lợi từ sự hưng phấn của TTCK.
Thế nhưng, sau khi VIX công bố sơ bộ về KQKD quý I với lợi nhuận trong kỳ tăng đột biến và hoàn thành 100% chỉ tiêu cả năm, CP của CTCK này vẫn không tăng. Thậm chí, CP VIX còn tiếp tục đi xuống trước hàng loạt lệnh bán số lượng rất lớn.
Nhìn vào diễn biến bất thường của mã VIX, chị Thu khẳng định đang có hiện tượng đè giá của các đội lái để gom hàng. Tuy nhiên, do sử dụng “đòn bẩy” nên chị không có khả năng bơm thêm tiền nhằm duy trì tỷ lệ cân bằng để tài khoản không bị bán giải chấp (call margin).
Chính vì vậy, sau hơn 1 tháng nắm giữ, chị Thu quyết định bán hết CP VIX để cắt lỗ hơn 200 triệu đồng trong sự thất vọng, nhất là trong bối cảnh thị trường chung tăng mạnh còn mình thua lỗ nặng.
Tình cảnh của chị Thu cũng là nỗi khổ các NĐT cá nhân đang đối mặt khi lỡ giải ngân vào những mã CP ngược sóng. Đơn cử, mã TTA của CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành (TTA) khởi đầu năm 2021 với mức giá hơn 20.000 đồng/CP, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn hơn 15.000 đồng/CP (tương đương giảm 25%).
Điều đáng nói, TTA cũng đang hoạt động tương đối hiệu quả, với lợi nhuận sau thuế năm 2020 tăng đến 71% (đạt 129 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 75,4 tỷ đồng). Trước diễn biến ảm đạm này, NĐT không đủ kiên nhẫn đã quyết định bán TTA để tìm cơ hội ở doanh nghiệp khác, thay vì chờ những con sóng.
Đầu ngành cũng giảm
Đầu ngành cũng giảm
Trên các diễn đàn CK, mã SBT của CTCP Đường Thành Thành Công - Biên Hòa cũng là mã CP bị NĐT mang ra “mổ xẻ” khi giá CP giao dịch quanh vùng giá 21.000-22.000 đồng/CP kể từ đầu năm 2021 đến nay.
Với các cổ đông nắm giữ SBT, đây cũng là hiện tượng bất thường bởi các doanh nghiệp đường đang hưởng lợi nhờ chính sách bảo hộ đường trong nước.
Cụ thể, ngày 9-2, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Với quyết định này, các mặt hàng đường thô có xuất xứ từ Thái Lan sẽ tạm thời thu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ở mức 33,88%. Thông tin này đã giúp CP của các doanh nghiệp đường khác tăng mạnh, thậm chí nhiều mã tăng hơn 50%, trong khi SBT được đánh giá là một trong những doanh nghiệp hàng đầu lại “giậm chân tại chỗ”.
Doanh nghiệp đầu ngành khác là CTCP Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cũng không thể giúp các cổ đông nắm giữ CP có được niềm vui. Từ mức giá hơn 70.000 đồng/CP giữa tháng 1, BVH rơi xuống 54.000 đồng/CP và phục hồi về mức 60.000 đồng/CP. Đây cũng là mức giá “neo” của BVH trong 2 tháng trở lại đây dù thị trường liên tục dậy sóng. Điều nghịch lý, hoạt động sản xuất kinh doanh của BVH đang trong chiều hướng tích cực.
Cụ thể, doanh thu năm 2020 của tập đoàn này gần 34.500 tỷ đồng (tăng 3,5%), lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.600 tỷ đồng (tăng gần 29% và vượt 60% kế hoạch cả năm). Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính của BVH còn 3.670 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 103 tỷ đồng trong quỹ khác thuộc chủ sở hữu, 967 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và hơn 7.300 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.
Tương tự là trường hợp CTD của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD). Những lùm xùm về thương vụ thâu tóm của cổ đông lớn đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hàng đầu ngành xây dựng. Không còn kỳ vọng về sự trở lại của “ông vua”, cổ đông nắm giữ CP tranh thủ bán ra trong những phiên tăng điểm.
Đây là nguyên nhân khiến CTD giao dịch khá ảm đạm kể từ đầu năm đến nay. Sau gần 4 tháng giao dịch, mã CP này chỉ có duy nhất 2 phiên tăng trần, trong khi số phiên giảm gần như áp đảo. Từ mức giá hơn 85.000 đồng/CP thời điểm đầu năm, đến nay CTD chỉ giao dịch quanh 70.000 đồng/CP.
Rơi tự do
Rơi tự do
Mua CP theo cảm tính khi chưa biết rõ tin tốt/xấu về doanh nghiệp là sai lầm của nhiều NĐT. Do đó, NĐT không nên mạo hiểm đầu tư chỉ vì nghe những lời đồn thổi, hay những nhận định của cá nhân nào đó trên phương tiện truyền thông. |
Ngày 26-6-2018, YEG chào sàn HoSE với giá tham chiếu lên đến 250.000 đồng/CP và tăng hết biên độ 20% trong ngày đầu tiên lên 300.000 đồng/CP. YEG tiếp tục gây sốc khi liên tục tăng nóng và đạt đỉnh 343.000 đồng/CP chỉ sau 3 phiên giao dịch. Ở mức giá đỉnh này, vốn hóa thị trường của YEG lên đến 9.400 tỷ đồng (gấp 34 lần vốn điều lệ).
Tuy nhiên, sau khi lên đỉnh, YEG liên tục dính những sự cố liên quan đến lãnh đạo và hoạt động sản xuất kinh doanh, như mua bán chui CP và YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) đối với các công ty tài chính/công ty con có hoạt động kinh doanh liên quan đến mảng Adsense của YEG.
Việc YouTube chấm dứt hợp tác khiến YEG mất nguồn thu và liên tục thua lỗ. Giá CP của YEG cũng bị tác động mạnh với những thông tin tiêu cực, nhưng không NĐT nào nghĩ ra viễn cảnh giá CP rơi từ trên đỉnh 343.000 đồng/CP xuống dưới 20.000 đồng/CP, tương đương mức giảm lên đến 95% chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm.
Mới đây, YEG bị HoSE đưa vào diện kiểm soát từ ngày 12-4, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2019 và 2020 đều âm (-385,33 tỷ đồng và -181,59 tỷ đồng). Lỗ lũy kế của YEG tính đến ngày 31-12-2020 là 219,28 tỷ đồng, chắc chắn sẽ còn gia tăng mạnh trong năm nay, khi mới đây EYG tiếp tục công bố lỗ thêm 45,6 tỷ đồng trong quý I.