Chuyển dịch cơ cấu
Theo nghiên cứu của IMS Health, tiêu thụ thuốc của Việt Nam ở kênh bán lẻ (OTC) chỉ tăng nhẹ 3,6% về tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) trong 5 năm tới, và giảm tỷ trọng trong tổng tiêu thụ ngành dược xuống còn 35% vào năm 2021.
Thay vào đó, doanh số kênh điều trị (ETC) được dự phóng tăng trưởng mạnh 10,6% CAGR, và sẽ chiếm chủ đạo 65% thị trường dược phẩm đến 2021. Từ đó cho thấy, thị trường dược phẩm có sự chuyển dịch cơ cấu kênh phân phối khá quan trọng khi mức tiêu thụ của OTC ngày càng bị thu hẹp, để nhường chỗ cho ETC.
Do ít đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), nên sản phẩm các doanh nghiệp dược đang niêm yết là thuốc được sử dụng cho các bệnh thông thường. Trong khi đó, các loại thuốc đặc trị có giá trị cao lại thuộc về các thương hiệu ngoại. |
Yếu tố kế tiếp là sự phát triển mạnh mẽ của khối bệnh viện tư nhân, cũng góp phần gia tăng chi tiêu thuốc trong khối điều trị. Nhờ vào chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các bệnh viện tư (0% trong 4 năm đầu, 10% cho những năm sau), cộng với xu hướng bảo hiểm tự nguyện từ các gói BHYT bán cho người lao động trong doanh nghiệp ngày càng phát triển, đã thúc đẩy làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào khu vực này.
Các bệnh viện tư nhân hiện nắm giữ 13,7% thị phần, và con số này được cho là sẽ tăng trong tương lai khi Nhà nước đẩy nhanh việc cổ phần hóa và thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước.
Yếu tố cuối cùng là thói quen của người Việt khi mua thuốc ở các hiệu thuốc mà không có toa thuốc từ bác sĩ, dần thay đổi khi nhận thức bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao tương ứng với thu nhập của họ. Ngay cả kênh ETC, dù được nhận định khả quan nhưng thực tế lại không ủng hộ các doanh nghiệp do quy định siết chặt về đấu thầu tập trung thuốc (hoạt động này hiện chiếm đến hơn 85% thị phần trong kênh ETC).
Chưa chủ động nguồn nguyên liệu
Chưa chủ động nguồn nguyên liệu
Không chỉ gặp khó về đầu ra, các doanh nghiệp dược còn đối mặt với không ít thách thức là nguồn nguyên liệu. Thành phần hoạt chất dược phẩm (active pharmaceutical ingredients - API) là nguyên liệu chính được sử dụng để sản xuất các công thức thuốc generic như viên nén, viên nang và thuốc tiêm.
Thế nhưng, việc sản xuất API trong nước vẫn còn hạn chế và ngành dược phẩm nước ta phải nhập khẩu tới 90% nhu cầu nguyên liệu. Hiện Trung Quốc là nhà cung cấp API lớn nhất cho các nhà sản xuất thuốc trong nước, khi chiếm ít nhất 60-70% tổng lượng nhập khẩu các thành phần dược liệu, và có tỷ lệ tăng trưởng CAGR từ 5-10%.
Đà tăng trưởng của DHG bị khựng lại sau thời gian tăng trưởng ấn tượng.
Kể từ giữa năm 2018, giá API từ Trung Quốc đã tăng mạnh từ 15-80%, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đàn áp các ngành công nghiệp được cho là gây ô nhiễm môi trường như các nhà sản xuất tá dược API. Tác động chi phí API cao sẽ được biểu hiện nổi bật ra trong vài quý tới, khi các nhà sản xuất Trung Quốc buộc phải chuyển nhà máy từ các khu vực đông dân cư sang các khu vực thưa dân, theo luật của Chính phủ Trung Quốc.
Trước tình trạng này, một số nhà sản xuất thuốc nội địa đã nghĩ đến việc tự sản xuất API. Thế nhưng, cơ sở hạ tầng sản xuất API ở Việt Nam vẫn chưa phát triển, đòi hỏi các khoản đầu tư rất lớn và thời gian dài nhưng hiệu quả lại không cao.
Có thể lấy dẫn chứng từ trường hợp CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (MKP). Mặc dù là công ty tiên phong và duy nhất trong số các nhà sản xuất dược phẩm có thể sản xuất nguyên liệu kháng sinh từ năm 1993, nhưng gần đây đã bày tỏ ý định ngừng hoạt động này do cạnh tranh gay gắt, chủ yếu là từ Trung Quốc.
CP sụt giảm mạnh
CP sụt giảm mạnh
Sự phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, khiến cho các doanh nghiệp dược khó tránh khỏi những ảnh hưởng do biến động giá cả, nguồn cung và tỷ giá. Theo nhận định của CTCK KIS Việt Nam, thị trường dược phẩm ngày càng được kiểm soát chặt chẽ như hiện nay khả năng các công ty sản xuất dược phẩm nội địa chuyển phần giá tăng lên cho người tiêu dùng sẽ bị hạn chế do mức độ cạnh tranh cao.
Do đó, theo như hầu hết các nhà quản lý từ các công ty dược hàng đầu, tỷ suất lợi nhuận gộp dự kiến sẽ bị thu hẹp, và đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhóm CP dược cũng sụt giảm cùng với thị trường chung, thay vì giữ giá như trước đây.
Đơn cử là trường hợp của doanh nghiệp đầu ngành về doanh thu và lợi nhuận là CTCP Dược Hậu Giang (DHG). Doanh nghiệp này đang gặp khó khăn khi kênh OTC hiện chiếm đến 90% tổng doanh thu. Đây là nguyên nhân khiến cho đà tăng trưởng của DHG bị khựng lại sau thời gian tăng trưởng ấn tượng.
Bên cạnh đó, DHG còn đối mặt với những biến động mạnh về nhân sự khi hàng loạt vị trí chủ chốt như Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc bị thay thế sau khi có đối tác ngoại đến từ Nhật Bản là Taisho. Đặc biệt, nhiều thành viên Ban điều hành liên tục bán ra khiến cho CP DHG sụt giảm mạnh trong năm 2018.
Ngoài những khó khăn như đã kể trên, nhóm CP dược còn bị đánh giá thấp về thanh khoản. Thanh khoản thấp khiến cho NĐT muốn sở hữu CP với số lượng lớn gặp khó khăn. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp dược có quyết định nới room ngoại lên mức 100% để nhận được sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ từ các NĐT chiến lược quốc tế. Tuy nhiên, thanh khoản lại chính là yếu tố làm nản lòng NĐT.