Lợi suất thua lãi suất
Mùa ĐHCĐ cũng là cao điểm để doanh nghiệp niêm yết công bố kế hoạch chi trả cổ tức những năm trước và kế hoạch năm 2021. CTCP Thực phẩm Cholimex (CMF) vừa công bố kế hoạch chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt, với tỷ lệ lên đến 50% (cổ đông sở hữu 1 CP sẽ nhận được 5.000 đồng). Tuy nhiên, với mức giá đang giao dịch trên TTCK 161.000 đồng/CP, lợi suất cổ tức của CMF chỉ đạt hơn 3%. Vì vậy, dù mức chi trả khủng, nhưng với lợi suất thua cả lãi suất tiền gởi ngân hàng, CMF vẫn không nhận được sự quan tâm của NĐT và tiếp tục nằm trong tình trạng không có thanh khoản.
Tương tự, CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (DP3) vừa công bố ngày 29-3 là ngày đăng ký cuối cùng nhận tạm ứng cổ tức năm 2020 bằng tiền tỷ lệ 80%. Với mức giá hiện tại hơn 140.000 đồng/CP, tỷ suất cổ tức của DP3 cũng chỉ hơn 5%, khiến DP3 nhanh chóng hạ nhiệt sau khi thông tin cổ tức được công bố.
Nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng trong 2 năm 2019-2020, các tờ trình về việc phân phối lợi nhuận thông qua cổ tức của nhóm doanh nghiệp điện, được dự báo là động lực thu hút sự chú ý của NĐT trong mùa ĐHCĐ năm 2021. Cụ thể, theo dự báo của giới phân tích, doanh nghiệp điện sẽ chi trả cổ tức với tỷ suất hấp dẫn 6-10% so với thị giá CP đang giao dịch trên TTCK. Đơn cử, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) có chính sách chi trả cổ tức ổn định nhất trên TTCK. Với lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 1.011 tỷ đồng, doanh nghiệp điện này đã tạm ứng cổ tức 2 lần của năm 2020 vào tháng 12 năm ngoái và trong tháng 3 này. Tuy nhiên, PPC đã không còn là mặt hàng được NĐT săn đón mỗi khi công bố thông tin chia cổ tức như trước. Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, PPC chỉ giao dịch quanh mốc 26.000 đồng/CP.
Ngày 17-3, CTCP Thông Quảng Ninh (TQN) chốt danh sách chi trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 46,3%. Như vậy, với 3,6 triệu CP đang lưu hành, TQN sẽ chi ra khoảng 16,67 tỷ đồng trả cổ tức lần này cho cổ đông. Với mức giá trên TTCK 32.500 đồng/CP, tỷ suất cổ tức của doanh nghiệp này tương đối hấp dẫn (hơn 14%). Thế nhưng, thanh khoản của TQN cũng không được cải thiện khi NĐT không còn kỳ vọng nhiều vào hoạt động sản xuất kinh doanh thất thường của doanh nghiệp nhựa thông này. Theo báo cáo tài chính 2018, lợi nhuận sau thuế của TQN lên đến 46 tỷ đồng, nhưng bất ngờ sụt giảm mạnh trong năm 2019 hơn 5 tỷ đồng. Kinh doanh khó khăn trong những năm gần đây cũng là lý do đến năm 2021 TQN mới chi trả cổ tức năm 2018.
Sóng CP thưởng
Sóng CP thưởng
Sau sóng chuyển sàn, nhóm CP ngân hàng đang thu hút sự chú ý của NĐT với thông tin liên quan đến kế hoạch chia thưởng bằng CP. Đơn cử, NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) giao dịch lình xình trong thời gian khá dài ở mức giá 15.000-16.000 đồng/CP, đã bật mạnh lên mốc 20.000 đồng/CP sau thông tin chi trả cổ tức bằng CP. Theo công bố, SHB sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5% bằng CP, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020. Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức gần 21.300 tỷ đồng, tương đương tăng 21% so với vốn điều lệ hiện tại. Cùng với việc chia thưởng bằng CP, SHB cũng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận đạt 5.800 tỷ đồng (tăng hơn 70%).
Một trong những tờ trình ĐHCĐ năm 2021 của NH TMCP Á Châu (ACB) được NĐT quan tâm, là kế hoạch chia cổ tức bằng CP tỷ lệ 25% để tăng vốn điều lệ từ 21.615 tỷ đồng lên 27.019 tỷ đồng. Tại ĐHCĐ sắp tới, HĐQT ACB sẽ báo cáo kết quả hoạt động năm 2020 và kế hoạch năm 2021. Theo đó, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản năm 2021 tăng 10%, tiền gửi khách hàng tăng 9%, tín dụng tăng 9%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2% và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt khoảng 10.602 tỷ đồng. Về phương án phân phối lợi nhuận 2020, ACB dự kiến dùng 5.404 tỷ đồng để chia cổ tức bằng CP (tỷ lệ 25%) và tiếp tục chia thưởng với tỷ lệ 25% cho năm 2021.
Thông tin chia thưởng bằng CP cũng là yếu tố giúp CP của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết tăng mạnh trong thời gian gần đây, như CTCP Rạng Đông Holding (RDP), CTCP Bất động sản Phát Đạt (PDR), NHTMCP Phương Đông (OCB), NHTMCP Công Thương Việt Nam (CTG), NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Chưa nên đánh thuế CP thưởng
Chưa nên đánh thuế CP thưởng
Theo các chuyên gia CK, với các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và quản trị doanh nghiệp tốt, trả cổ tức bằng CP là sự ghi nhận thành tích kinh doanh, hứa hẹn doanh nghiệp còn phát triển và doanh thu lợi nhuận sẽ tăng. Bên cạnh đó, việc trả cổ tức bằng CP là sự kỳ vọng giá CP sẽ tăng trong dài hạn. Tuy nhiên, mặt trái của hình thức chi trả cổ tức này là pha loãng CP, cấu trúc cổ đông sẽ thay đổi và lượng cổ đông nhỏ lẻ tăng sẽ khiến tính ổn định giá kém. Hình thức trả cổ tức bằng CP có thể bị lạm dụng bởi các ban quản trị chưa nghiêm túc với quyền lợi cổ đông. Với những ban quản trị không tốt, tham nhũng, lừa đảo, việc trả CP thưởng là hành vi bán giấy lộn cho NĐT để lấy tiền thực.
Thực tế, khi gần tới ngày thực hiện quyền nhận CP, nhiều NĐT bán đi vì không chịu cảnh chờ đợi CP thưởng sau vài tháng mới về. Không chỉ chôn vốn trong thời gian dài, NĐT còn đối mặt rủi ro khi giá CP giảm. Đây cũng là lý do các hiệp hội liên quan đến tài chính, CK và quỹ đầu tư, gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, đề nghị chưa đánh thuế cổ tức bằng CP. Đại diện cho đơn kiến nghị, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các NĐT tài chính (VAFI), cho biết trả cổ tức bằng CP giúp doanh nghiệp hạn chế trả bằng tiền mặt, dành nhiều khoản lợi nhuận được giữ lại để đầu tư mở rộng sản xuất. Khi doanh nghiệp phát triển, doanh thu lợi nhuận tăng, các loại thuế nộp cho Nhà nước sẽ tăng.
“Đánh thuế vào hình thức trả cổ tức bằng CP sẽ cản trở việc huy động vốn hàng năm và thường xuyên của doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi đang cần giữ lại nhiều lợi nhuận sau thuế để xử lý nợ xấu, cũng như trong giảm lãi suất huy động và cho vay” - ông Hải nói.
Lợi nhuận từ sự tăng giá CP làm những khoản tiền từ cổ tức đối với NĐT chỉ là tiền lẻ, khiến CP của doanh nghiệp dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt không có nhiều biến động so với doanh nghiệp trả cổ tức bằng CP. |