Cổ tức ức tận cổ

Năm 2013, cổ phiếu NH không tăng giá trong khi cổ tức được chia lại rất thấp khiến không ít cổ đông của các NH cảm thấy rất thất vọng. Nhiều cổ đông sau khi dự đại hội cổ đông (ĐHCĐ) nghe thông tin cổ tức muốn ức tận cổ.

Năm 2013, cổ phiếu NH không tăng giá trong khi cổ tức được chia lại rất thấp khiến không ít cổ đông của các NH cảm thấy rất thất vọng. Nhiều cổ đông sau khi dự đại hội cổ đông (ĐHCĐ) nghe thông tin cổ tức muốn ức tận cổ.

Cổ tức èo uột

Qua hơn nửa chặng đường của mùa ĐHCĐ 2014, chỉ mới có một số NH quốc doanh chia cổ tức làm hài lòng cổ đông, như Vietcombank chia cổ tức 12%, BIDV tỷ lệ 8,5%/năm với 2,1% bằng tiền mặt và 6,4% bằng cổ phiếu.

Giữa lúc cổ phiếu NH cả năm 2013 chủ yếu đi ngang với biên độ dao động khá hẹp, nếu các NH không sát sao và chia sẻ những vấn đề phát sinh với cổ đông sẽ khiến nhà đầu tư không còn mặn mà với cổ phiếu đã từng rất nóng này.

Trong tài liệu ĐHCĐ 2014 mới công bố, VietinBank đưa ra tờ trình xin ý kiến chia cổ tức 10%. Ở nhóm NHTMCP, hiện chỉ mới có KienLong Bank chia cổ tức 9%, tại NamABank các cổ đông lớn chỉ nhận cổ tức 4,89%/mệnh giá, trong khi các cổ đông nhỏ sẽ nhận gần gấp đôi với mức 9%/mệnh giá. Song ở nhiều NH vấn đề cổ tức trở thành đề tài nóng trong phần chất vấn.

Tại Sacombank, cổ đông đã yêu cầu Hội đồng quản trị (HĐQT) chia thưởng cổ tức như đã hứa trước khi sáp nhập. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT, cho biết năm 2011 Sacombank dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu 14% và thực hiện trong năm 2012. Nhưng năm 2012, do NHNN thanh tra toàn diện Sacombank nên HĐQT xin cổ đông thực hiện trả cổ tức trong năm 2013.

Tuy nhiên, việc thanh tra toàn diện năm 2012, NHNN yêu cầu Sacombank trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh lợi nhuận còn 1.400 tỷ đồng, nên năm ngoái thống nhất chỉ trả cổ tức 6% và đã thực hiện. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2013 của Sacombank là 16% trên vốn điều lệ, trong đó 8% chi trả bằng tiền mặt và đã tạm ứng trong năm 2013, 8% còn lại được chi trả bằng cổ phiếu.

Năm nay có không ít NH chia cổ tức rất thấp, thậm chí nhiều NH còn không chia cổ tức. Cụ thể, tại ĐHCĐ của ABBank diễn ra vào ngày 23-4, HĐQT trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2013 với mức cổ tức chỉ 2,46%/mệnh giá. Tại VPBank, dù năm 2013 đạt lợi nhuận cao kỷ lục nhưng HĐQT xin để lại lợi nhuận không chia cổ tức nhằm thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 977,27 tỷ đồng.

Southernbank không chia cổ tức với lý do lợi nhuận sau trích lập dự phòng rủi ro chỉ còn 2 tỷ đồng. Cùng lý do đó, VIB đã xin ý kiến cổ đông không chia cổ tức. Trong khi đó, TPBank dự tính giữa năm 2016 sẽ bù đắp hết những tổn thất trước tái cơ cấu mới chi trả cổ tức. Còn SCB cho biết sau khi hợp nhất vẫn đang tái cơ cấu để thực hiện đúng theo lộ trình và kế hoạch nên cổ tức của cổ đông sẽ được hoàn thành sau khi tái cơ cấu vào năm 2015.

Cổ đông nhỏ thất vọng

Nhiều cổ đông thẳng thắn chia sẻ tại đại hội rằng họ cảm thấy thất vọng về quyết định của NH. Một cổ đông của ABBank cho rằng sau 1 năm hoạt động họ chỉ nhìn vào mức cổ tức NH chia chứ không thể hiểu được những thuật ngữ chuyên môn của NH đưa ra để giải trình về việc cổ tức thấp, do vậy đề nghị kế hoạch cổ tức năm 2014 cần phải được nói rõ hơn ngay tại ĐHCĐ.

Tại Southernbank, cổ đông cũng đã phản ứng gay gắt vì không được chia cổ tức trong 2 năm nay trong khi HĐQT và Ban Kiểm soát lại được trả mức thù lao 14 tỷ/18 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chiếm tới 79%. Các cổ đông của NH này cho rằng, HĐQT đã “thắng lớn” còn các cổ đông chịu thiệt thòi và nói thẳng là cổ đông cần mức cổ tức tối thiểu bằng lãi suất huy động.

Hay như tại VietABank, cổ tức năm 2012 không chia cho cổ đông với lý do để trích lập dự phòng nên trả bằng cổ phiếu. Đến hết năm 2013, cổ phiếu vẫn không chia, được biết kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu của VietABank chưa được NHNN thông qua. Còn kế hoạch cổ tức năm 2013 phải chờ ĐHCĐ năm 2014 vào cuối tháng 4 này HĐQT mới giải trình. Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2013, kế hoạch đưa ra cho năm 2013 cổ tức ở mức 6% nhưng nay chỉ còn 1,5%.

Những năm trước đây, cổ phiếu NH được xem là cổ phiếu vua và được nhiều nhà đầu tư quan tâm, săn đuổi. Tâm lý của các nhà đầu tư khi đổ xô đầu tư vào cổ phiếu NH một là kỳ vọng giá tăng, cổ tức hàng năm cao và nguồn thặng dư bằng cổ phiếu thưởng. Như năm 2010, cổ đông của các NH rất phấn khởi khi nhiều NH chi trả cổ tức lên đến 25-35%. Bước sang năm 2011, mức cổ tức các NH chi trả cho cổ đông có giảm nhưng cũng giữ được “phong độ”.

Tuy nhiên, năm 2012, mức cổ tức dành cho cổ đông bắt đầu sụt giảm mạnh nhưng cũng dao động ở khoảng 6-8%. Song đến năm 2013, nhiều người nắm cổ phiếu NH trong tay mới thực sự cảm thấy thất vọng khi cả năm 2013, nhóm cổ phiếu NH tăng chưa đến 1%. Trong khi đó, tại ĐHCĐ, cổ đông của các NH lại chịu thêm “một gáo nước lạnh” khi nhiều NH đưa ra quyết định không chia cổ tức.

Quang cảnh ĐHCĐ Sacombank 2014.

Quang cảnh ĐHCĐ Sacombank 2014.

Ngoài vấn đề cổ tức, trong mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều quyết định quan trọng lớn của NH dù cổ đông phản đối nhưng vẫn được thông qua do HĐQT nắm tỷ lệ cổ phần lớn. Theo một chuyên gia NH, cổ đông nhỏ lẻ dù không đồng tình nhưng buộc phải chấp nhận quyết định của cổ đông lớn về cổ tức cũng như các vấn đề quan trọng khác vì biểu quyết phải tính theo tỷ lệ cổ phần.

Như vậy, HĐQT quyết định như thế nào, cổ đông phải chấp nhận như thế đó. Vấn đề cần nói ở đây là HĐQT cần thể hiện tính công khai, minh bạch hơn để cổ đông hiểu rõ lý do NH đưa ra các quyết định như vậy để dung hòa được mối quan hệ giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ lẻ. Như trường hợp một số NH trong quá trình hoạt động khó khăn đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận nhưng lại không thông báo cụ thể đến các cổ đông, đến khi tổ chức ĐHCĐ, NH mới công bố đã hạ chỉ tiêu lợi nhuận khiến nhiều cổ đông rất bất ngờ. 

Các tin khác