Câu chuyện "chốt" đồ online thay cho lời chào của các chị, các cô tại một khu tập thể nhỏ thuộc xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây (trước là tỉnh Hà Tây, nay thuộc TP.Hà Nội).
Từ một khu dân cư yên bình không có địa chỉ cụ thể, không có tên đường, không có số nhà, thậm chí người dân thị xã có khi còn không biết đường tới, khu tập thể Nhà máy Z chỉ sau 1 - 2 năm đã trở thành điểm đến quen thuộc của các anh "shipper" (người giao hàng).
Nghiện xem livestream và "chốt"
Là giáo viên tiểu học, chị K.T.P.Nga (ngụ tại khu tập thể Nhà máy Z) trong những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát đợt 4, tất bật với những buổi dạy trực tuyến. Ngày 2 ca sáng - chiều, buổi tối lại lo chuẩn bị giáo án nhưng chị Nga vẫn không quên tranh thủ thời gian để xem livestream bán hàng trên Facebook và "chốt".
"Có ngày 3 - 4 đơn giao đến liên tục. Cứ có điện thoại tới là y như rằng "em có đơn hàng giao cho chị". Lúc nào dạy học là phải đưa luôn máy cho ông xã hoặc con cầm điện thoại, trực để nhận đồ hộ. Xem livestream như bị nghiện ấy, cuốn lắm. Nếu không phải làm gì có thể ngồi xem từ sáng đến chiều. Xem nhiều mua nhiều, chốt liên tục" - chị kể.
Hỏi chị mua đồ gì mà nhiều thế, chị Nga cười, tự nhận mình bị "nghiện" mua đồ trên mạng. Vốn là người luôn thích mua sắm đồ đạc trong nhà, chị như cá gặp nước khi chơi Facebook và biết tới các trang livestream bán hàng online. Lúc đầu chủ yếu là quần áo, giày dép, sau này đến nồi, niêu, xoong, chảo, bát, đĩa, lọ hoa... gi gỉ gì gi, cái gì chị cũng "chốt". Không chỉ mình chị Nga, cô con gái đang học lớp 12 của chị cũng là "tín đồ" của ứng dụng mua sắm trực tuyến Shopee.
"Cứ thỉnh thoảng con bé lại chạy xuống xin mẹ ơi con chốt bộ này nhé, mẹ ơi con chốt bộ kia nhé. Có hôm nó miệt mài ngồi canh khuyến mãi nhưng muộn quá không chờ nổi, ngủ quên, sáng hôm sau dậy cứ tiếc mãi. Mình thì ít mua đồ trên đó vì sợ hình quảng cáo khác ngoài đời. Cứ xem livestream, người ta đưa hẳn hàng thật, còn thử cho mình xem nên yên tâm. Thế mà không phải muốn chốt là chốt đâu. Hôm trước có cái áo thích lắm, canh mãi mà chậm tay bị người ta chốt mất, tiếc hùi hụi" - vừa lắc đầu, chép miệng, cô giáo cấp 1 vừa mở Facebook "khoe" những shop "ruột" và tự hào mình còn là địa chỉ tin cậy để hàng xóm và các giáo viên khác trong trường nhờ... chốt hộ.
Hưởng ứng nhiệt tình câu chuyện của chị Nga, chị Bích Hiền cũng tự nhận mình "mê" chốt. Từ một người không có một chút đam mê nào về công nghệ, thậm chí đã từng có thời gian bài trừ mạng xã hội, tuyệt đối nói "không" với mua sắm online, chị Hiền trở thành "thần chốt" từ lúc nào không biết. Gần như ngày nào cũng có "các anh thùng xanh" (cách chị Hiền gọi các shipper) tìm đến nhà chị. Mặt hàng chị mua trên mạng, chủ yếu là quần áo, túi xách, giày dép, nhưng mua theo kiểu sỉ vì có khi đặt 1 đơn 7 cái túi, 10 cái áo...
"Không cần đưa số nhà, chỉ cần đọc tên thôi thì anh thùng xanh nào chả biết nhà chị. Có những lúc shipper gọi nhiều quá, ông xã còn nói đùa: mai mà có ai đến giao hàng, tôi cấm cửa không nhận. Mua đồ online bị nghiện đấy. Lướt Facebook chỉ để xem livestream suốt ngày" - chị Hiền nói. Đứa con trai lớp 9 bên cạnh phụ họa thêm: "Có đợt ngày nào em đi học về cũng thấy shipper đứng ngoài cổng chờ giao hàng. Sợ thật".
Say sưa kể chuyện chốt đơn một hồi, chị Bích Hiền bảo "nghiện" mua sắm online cũng gần 2 năm, nhưng chị đang "cai" rồi, mấy tháng nay không chốt gì vì "tốn tiền lắm!".
"Mình không mua đồ đắt tiền, bình thường thôi, vài ba trăm ngàn 1 cái quần, cái áo. Túi xách cũng chưa tới triệu bạc, toàn hàng giả chứ tiền đâu mua đồ thật. Nhưng cứ vài cái 200.000 - 300.000 đồng là mất 1 triệu rồi, có tháng nhìn lại, thấy tốn cả chục triệu tiền chốt, mà có phải cái gì cũng dùng được đâu, có khi mua gần 10 cái túi, về lại cho hết vì không hợp. Phí!" - chị Hiền phân trần, kể thêm vài người bạn có tháng tiền "chốt" lên đến hơn 20 triệu đồng và gọi họ là "mấy đứa chịu chơi".
Nhắc đến chuyện tiền, chị K.T.P.Nga cũng như "tỉnh ngộ": "Đúng đấy gã (cách xưng hô đặc biệt của đôi bạn thân này) ạ! Có hôm tớ bảo mình chốt cái này, chốt cái kia cũng chỉ mất 1 buổi dạy học (thù lao 1 buổi dạy - PV), tội gì mà không xả láng. Thế mà, ngồi coi livestream có hơn tiếng đồng hồ, chả biết chốt những cái gì mà quay qua, quay lại mất toi cả tháng đi dạy. Giờ cũng phải cố gắng hạn chế lại, đồ gì cần thiết mới mua, không thì chết".
Vừa chấm dứt câu chuyện, chỉ vài giờ sau, trên trang Facebook cá nhân của chị Nga đã cập nhật trạng thái mới, chia sẻ một bài viết "Xả hàng dọn kho" của 1 kênh livestream quen thuộc.
Không chỉ các cô, các chị mới là tín đồ mua sắm online. Tại Nhà máy Z, bác N.T.L - cán bộ hưu trí năm nay đã gần 75 tuổi cũng là khách quen của "các anh thùng xanh". Khi thì đôi giày thể thao, vợt bóng bàn, khi thì áo khoác cho cháu, cho đến cả bình nước, máy tập thể dục, bác L. cũng chốt trên mạng. "Trước giờ đồ đạc, từ cái tăm trong nhà cũng toàn con cái sắm sửa cho, có phải lo gì đâu. Nhiều khi ông có tiền muốn mua gì cho cháu cũng chẳng biết. Giờ lên mạng thấy bao nhiêu thứ, thích gì tự mua đấy, người ta giao đến tận nơi. Còn gì bằng" - bác L. chia sẻ.
Có thể thấy, thương mại điện tử, mua sắm online, cơn bão "chốt đồ" không chỉ bùng nổ ở các thành phố lớn mà đã len lỏi, thâm nhập vào tận sâu từng ngóc ngách những vùng quê, các tỉnh, thành nhỏ trên khắp cả nước. Điều này lý giải vì sao Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Các chuyên gia dự báo Covid-19 đã trở thành đòn bẩy làm thay đổi xu hướng tiêu dùng và là một "cái cớ" vô cùng hợp lý để môi trường mua sắm online sẽ còn bùng nổ hơn nữa trong năm 2021, dự báo tăng trưởng vượt xa mốc doanh thu xấp xỉ 12 tỉ USD của 2020.