Việc công bố bảng xếp hạng nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có khả năng tạo lợi nhuận tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh trong nước và quốc tế.
Trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020, 3 gương mặt dẫn đầu vẫn không thay đổi so với năm 2019. Dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đứng thứ 2 là Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam và đứng thứ 3 là Tập đoàn Viễn thông - công nghiệp quân đội (Viettel).
Đối với bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020, 3 thương hiệu dẫn đầu vẫn thuộc về Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Tuy nhiên, so với xếp hạng của năm 2019, vị trí xếp hạng đã có sự thay đổi. Tập đoàn Vingroup vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu.
Về vị trí thứ 2, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã phải nhường lại cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) để về vị trí thứ 3.
Theo Vietnam Report, trong bảng xếp hạng Profit500 năm nay, một số ngành tiếp tục ghi nhận có số lượng doanh nghiệp nhiều hơn so với mặt bằng chung của toàn bảng: ngành Xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (23,9%), ngành Tài chính (11,6%), ngành Thực phẩm Đồ uống (10,9%%), ngành Điện (6,3%).
Xem xét các chỉ số đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Profit500, nhìn chung ROA bình quân của các doanh nghiệp Profit500 đạt 11,4%, giảm nhẹ so với mức 11,9% trong Bảng xếp hạng Profit500 năm 2019.
Tuy nhiên, chỉ số ROE bình quân của các doanh nghiệp Profit đã tăng lên 21,7% (so với mức 20,9% năm 2019) cũng cho thấy phần nào hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp Profit500 có chiều hướng tốt hơn.
Xét theo loại hình sở hữu, các doanh nghiệp trong nước trong Bảng xếp hạng Profit500 năm 2020 có khả năng sinh lời (ROA, ROE) thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên khoảng cách này đã được thu hẹp đáng kể so với Bảng xếp hạng năm 2019.
Các doanh nghiệp FDI trong Bảng xếp hạng năm nay có hiệu quả sử dụng tài sản đạt khoảng 12,5% so với mức 11,7% và 9,8% tương ứng của khối Nhà nước và ngoài Nhà nước.
Hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp FDI cũng nhỉnh hơn, với ROE của khối này là 25,2% so với mức 23,6% của khối doanh nghiệp Nhà nước và 20,8% của khối doanh nghiệp tư nhân.