Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong phiên họp thứ hai này, tổ chức Công đoàn Việt Nam đề xuất mức lương tối thiểu vùng cần tăng thêm khoảng 6,5-7,3% trên cơ sở phân tích nhiều mặt của tình hình kinh tế - xã hội những tháng gần đây.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Đại diện của tổ chức công đoàn cho rằng, sở dĩ đưa ra mức trên vì gần đây, bối cảnh kinh tế đã có nhiều khởi sắc, cuối năm đơn hàng của doanh nghiệp đã tăng nhiều.
Nhiều công nhân cho biết giá cả tăng cao đã ảnh hưởng tới đời sống trong khi mức lương không tăng kịp. Ảnh: VĂN PHÚC
Theo quy định thì mốc thời gian điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm là ngày 1-1. Tuy nhiên, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không đặt mục tiêu tăng lương tối thiểu ngay từ 1-1-2024 sắp tới. Song việc lùi thời gian điều chỉnh cũng là yếu tố để xem xét, tính toán mức tăng lương tối thiểu ở một tỷ lệ hợp lý, nhằm bù đắp cho người lao động trong bối cảnh giá cả tăng như hiện nay.
Trước đó, tại phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia vào tháng 8 vừa qua, mức đề nghị mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra là tăng 6% (như năm 2022), song Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc làm cho người lao động là điều quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay.
Trong 10 năm qua, lương tối thiểu vùng thường được điều chỉnh vào ngày 1-1 hàng năm, riêng năm 2022 là từ ngày 1-7 và áp dụng đến nay.
Theo Bộ LĐTB-XH, từ năm 2014 đến nay, lương tối thiểu vùng đã trải qua 8 lần điều chỉnh với mức tăng: 15,2% (năm 2014); 14,2% (năm 2015); 12,4% (năm 2016); 7,3% (năm 2017); 6,5% (năm 2018); 5,3% (năm 2019); 5,5% (từ năm 2020 đến tháng 6-2022) và 6% (từ tháng 7-2022).